pnvnonline@phunuvietnam.vn
Thù lao trông bệnh nhân ở bệnh viện ngày Tết tăng gấp 3 ngày thường
Chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện ngày Tết sẽ có mức thu nhập cao, tuy nhiên nỗi buồn không ăn Tết cùng gia đình với những người phụ nữ giúp việc cũng rất lớn.
Tết Nguyên đán đến trong khi dịch bệnh Covid-19 quay trở lại khiến cho nhiều gia đình có người bệnh chật vật tìm người giúp việc trông bệnh nhân ngày Tết. Nếu như năm ngoái tiền lương dao động từ 700.000đ đến 1 triệu đồng/ngày thì năm nay tăng cao hơn hẳn. Thế nhưng không phải ai cũng chấp nhận ở lại bệnh viện trong ngày Tết này dù tiền lương cao.
Chị Trần Thị Bích Hiền (40 tuổi), người đã làm công việc chăm sóc, trông nom bệnh nhân tại bệnh việc gần 10 năm cho biết, đây là năm thứ 2 chị không về nhà ăn Tết mà ở lại trông bệnh nhân. Tiền công của chị từ 450.000đ/ngày thường đã tăng lên 1,5 triệu đồng/ngày trong dịp Tết này. Chị nhận một ca 10 ngày liên tục tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn bắt đầu từ 26 Tết.
"Số tiền 15 triệu nói là nhiều nhưng đây cũng là công sức vất vả của những người trông bệnh nhân như chúng tôi. Số tiền này cũng phụ thuộc vào kỹ năng của người trông, bởi đối với các bệnh nhân nặng thì cần chăm sóc đặc biệt cả ngày lẫn đêm, rất mất công, mất sức", chị Hiền chia sẻ.
Chị cũng cho biết, để phòng dịch Covid-19 chị phải tự tăng sức đề kháng cho mình bằng cách ăn nhiều cơm, mỗi ngày 3 bữa để đảm bảo sức khỏe, đồng thời liên lục đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn cho bản thân và cho cả bệnh nhân. Trông bệnh nhân ở bệnh viện bao giờ cũng mệt mỏi, giờ ăn, giờ ngủ không cố định mà phụ thuộc vào tình trạng của người bệnh, nên việc giữ sức cho mình rất quan trọng.
"Năm nay tôi phải đón Tết ở viện, cậu con út buồn nhất. Nhớ trước kia mỗi khi về Tết được vài ngày rồi tôi lại lên Hà Nội đi làm, là cậu con út lại níu tay mẹ nói: "Con không cần quà, con không cần quần áo mới, ăn ngon, lì xì chỉ cần mẹ ở nhà với con thôi". Mỗi khi nhớ lại tôi đều ứa nước mắt, ngay cả năm nay khi các con đã lớn thì cái Tết không có mẹ cũng là cái Tết không trọn vẹn", chị nặng lòng chia sẻ.
Cũng như nhiều người làm công việc này, chị Hiền cũng muốn có cái Tết quây quần bên gia đình, nhưng vì lý do kinh tế, cần tiền nuôi con ăn học, cộng với tiền công những ngày Tết làm bằng cả tháng ngày thường nên chị tranh thủ.
Chị Trần Thị Thắm (50 tuổi), Tết này cũng ở lại trông bệnh nhân tại bệnh viện với mức lương 1,4 triệu đồng/ngày. Quê chị ở Nam Định, chỉ có mình chị lên Hà Nội làm giúp việc bởi kinh tế gia đình khó khăn, lại nuôi bố mẹ già ốm đau. Ngày thường, tiền công của chị là 350.000 đồng/ngày, chính vì thế, Tết năm nay chị tranh thủ ở lại để trông bệnh nhân bởi số tiền công cao hơn.
"Tết đến ai cũng muốn được nghỉ ngơi, nhưng đây cũng là cơ hội để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, dù sức khỏe có hạn nhưng tôi vẫn phải cố vì thu nhập. Thôi thì tranh thủ kiếm tiền, sau Tết nghỉ ngơi cũng chưa muộn, bỏ qua cơ hội này tôi rất tiếc", chị Thắm cho biết.
"Hôm nay là 30 Tết, các con tôi vừa điện thoại video cho tôi xem chúng bày biện, nhà cửa sạch sẽ rồi. Cũng tươm tất đâu vào đấy nên tôi thấy vui lắm", chị nói.
Chị Nguyễn Thị Mai (38 tuổi) quê ở Hải Dương đang trông một bệnh nhân tai biến với mức lương 500.000 đồng/ngày. Năm nay chị đã chuẩn bị thu xếp về quê ăn Tết bởi năm ngoái chị đã không về, nhưng đùng một cái dịch bệnh Covid-19 xảy ra, chị không dám về quê vì sợ cách ly nên quyết định ở lại trông bệnh nhân để kiếm thêm. Chị vẫn tiếp tục trông bệnh nhân cũ nhưng do là ngày Tết nên chủ nhà cũng chấp nhận mức lương gấp 3 ngày thường cho chị trong vòng 1 tuần Tết. Gia đình chị và các con ở quê rất hụt hẫng khi mẹ không về Tết nhưng với thu nhập 7 ngày bằng nửa tháng thu nhập cũng là niềm an ủi đối với chị.
Có 8 năm làm nghề chăm người ốm ở hầu hết các bệnh viện ở Hà Nội nên chị Mai có khá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Chị đặc biệt có kinh nghiệm chăm sóc cho người bệnh tai biến. Chị nắm rất rõ các chỉ số đo trên máy, thao tác cho bệnh nhân ăn qua ống xông rất khéo léo, lại biết trò chuyện, động viên người bệnh… nên được các gia đình bệnh nhân tin tưởng. Tuy nhiên, người có kinh nghiệm chăm bệnh nhân và chấp nhận đi làm thông Tết như chị Mai cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
"Ngày thường tiền công là 500.000 đồng/ngày thì ngày Tết tăng gấp 2-3 lần, nhưng gia đình bệnh nhân cũng rất cần những người như chúng tôi vì nhiều gia đình ít con, cháu, không có người trông thay thế, nên bản thân chúng tôi cũng rất thông cảm và làm hết tâm, hết sức để họ được yên tâm. Tôi cũng sợ Covid lắm chứ, nên đều có cách bảo vệ sức khỏe, ngày nào tôi cũng uống nước chanh, ngậm mật ong và dùng nước sát khuẩn có sẵn ở bệnh viện".
Sử dụng người giúp việc là nhu cầu thiết yếu của nhiều gia đình, nhất là những gia đình có con nhỏ, người già, người ốm đau, bệnh tật… vào dịp Tết Nguyên đán. Trong khi đó, nguồn lao động đặc thù này chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu thực tế. Vào dịp Tết, nếu không có dịch bệnh Covid-19 xảy ra thì nhiều gia đình cũng khá chật vật với việc tìm người trông nom.
Anh Trần Văn Cảnh (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, bố anh năm nay gần 90 tuổi bị tai biến phải nằm viện lâu dài, trong khi gia đình anh lại ít người vì đều lập nghiệp ở xa. Anh Cảnh phải đi làm, lo kinh tế gia đình nên phải thuê người giúp việc trông nom 24/24 giờ. Nhưng Tết đến, người giúp việc lại đòi về quê, dù có tăng lương cũng không chịu ở lại, phần vì muốn về quê ăn Tết, phần vì lo lắng dịch Covid-19. Vì thế, khi tìm được một người chịu ở lại trông Tết mà lại có kinh nghiệm, anh không ngại ngần chi trả mức lương 15 triệu đồng cho 10 ngày Tết.
Năm nay khi dịch bệnh đến, số người chấp nhận ở lại bệnh viện trông nom bệnh nhân càng khan hiếm, chính vì vậy tiền công cũng trở nên hấp dẫn hơn đối với những người làm công việc này.