Trong tâm thức của những phụ nữ dân tộc Khmer xa quê, dịp Tết Chôl Chnăm Thmây là lúc họ nhớ nhiều hơn về ông bà, cha mẹ, về lễ tắm phật, tục đắp núi cát, điệu múa hát rom-wong, sara-vanh trước sân chùa quê hương.

Mang Tết Chôl Chnăm Thmây đến sớm với phụ nữ Khmer nhập cư

Trong tâm thức của những phụ nữ dân tộc Khmer xa quê, dịp Tết Chôl Chnăm Thmây là lúc họ nhớ nhiều hơn về ông bà, cha mẹ, về lễ tắm phật, tục đắp núi cát, điệu múa hát rom-wong, sara-vanh trước sân chùa quê hương.

Mùa nhớ quê hương

Theo Hội LHPN TPHCM, TPHCM hiện có khoảng 50.422 người dân tộc Khmer, trong đó, có hơn 1.500 chị là cán bộ, hội viên phụ nữ. Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây là Tết được mong đợi nhất trong năm của cộng đồng người đồng bào dân tộc Khmer. Bởi vì, đây là dịp mang ý nghĩa đón mừng năm mới, chấm dứt thời kỳ nắng hạn để chuẩn bị cho vụ mùa mới của đồng bào dân tộc Khmer, là lúc để cầu nguyện cho mọi người trong gia đình được an vui và cũng là dịp để con cháu thể hiện lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ.

Mang Tết Chôl Chnăm Thmây đến sớm với phụ nữ Khmer nhập cư - Ảnh 1.

Các bạn trẻ cùng biểu diễn những tiết mục văn nghệ mừng Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2023.

Theo chia sẻ của nhiều phụ nữ Khmer, đời sống văn hóa, tinh thần của người Khmer gắn liền với sân chùa. Do vậy, với những người con Khmer xa xứ, giữa thành phố hoa lệ, nhộn nhịp, bốn bề là xe cộ tấp nập, cứ dịp lễ hội như Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây là lúc nỗi nhớ quê của họ nhân lên gấp bội.

Chị Thị Bé, quê ở tỉnh Kiên Giang, hiện đang tạm trú tại phường Tân Tạo (Bình Tân, TPHCM) cho biết: Vợ chồng chị lên TPHCM được hơn 5 năm. Chị làm công nhân, chồng làm tài xế. Cuộc sống còn nhiều lo toan nên dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây vợ chồng chị không về quê.

 "Thời buổi kinh tế hiện nay sao mà khó khăn quá. Chồng tôi làm tài xế nhưng cũng có nguy cơ thất nghiệp đến nơi rồi. Tôi thì làm nhang, lúc trước đơn hàng nhiều lắm nhưng nay cũng thưa dần, tiền công không có bao nhiêu. Trong khi, tiền nhà trọ mỗi tháng tốn gần 2 triệu, tiền học cho con và sinh hoạt phí đều phải chi đều đặn. Vậy nên, tết này vợ chồng tôi không về quê. Tôi sẽ dành một hôm nghỉ làm để lên chùa của người Khmer ở quận 3 để cùng ăn tết với mọi người. Đây là cách để tôi vơi bớt nỗi nhớ quê".

Mang Tết Chôl Chnăm Thmây đến sớm với phụ nữ Khmer nhập cư - Ảnh 2.

Bà Thạch Thị Song (giữa) phấn khởi khi tham dự buổi gặp gỡ nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây 2023.

Bà Thạch Thị Song (Khu phố 1, phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết: Bà từ Trà Vinh lên TPHCM làm ăn, sinh sống đến nay bà đã 80 tuổi. Mặc dù sống lâu năm ở quê hương thứ 2 này nhưng bà vẫn không thể nào quên được không khí rộn ràng, sum họp trong tết Chôl Chnăm Thmây ở quê hương.

Các bạn trẻ trong chi hội văn học nghệ thuật dân tộc Khmer thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số TPHCM chụp ảnh kỷ niệm sau khi tham gia chương trình họp mặt.

 "Tết Chôl Chnăm Thmây ở đây không giống như ở quê và không vui bằng ở quê. Ở quê người dân đi chùa 3 bữa, dâng cơm và đem lễ vật đến cúng dường, tham gia lễ tắm phật. Đêm về, nghe các vị sư tụng kinh cầu an năm mới, cầu cho quốc thái dân an. Thanh niên nam nữ cùng nhau múa hát rom-wong, sara-vanh trước sân chùa. Còn ở đây, người Khmer ít nên khó tổ chức các lễ như vậy. Gia đình tôi chủ yếu nấu mâm cơm có nồi thịt kho để cúng ông bà. Con cái thì đi làm cả ngày, không được nghỉ nên cũng không thể lên chùa được. Tết Chôl Chnăm Thmây tôi thường gọi về quê để hỏi thăm mọi người, chúc phúc cho nhau là chính", bà Song kể lại.

Tạo cơ hội để chị em Khmer sum họp

Nhằm giúp các chị em phụ nữ Khmer đang sinh sống và làm việc tại TPHCM được giao lưu, gặp gỡ nhau nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây 2023, ngày 11/4, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hội LHPN TPHCM tổ chức họp mặt, tặng quà cho hội viên phụ nữ Khmer có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Tại chương trình, các hội viên phụ nữ Khmer được thưởng thức các tiết mục văn nghệ vui tươi trong không khí đón tết rộn ràng, đầm ấm của đồng bào Khmer. Các dì, các chị hội viên phụ nữ Khmer còn được tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Mang Tết Chôl Chnăm Thmây đến sớm với phụ nữ Khmer nhập cư - Ảnh 4.

Tọa đàm, giới thiệu những gương điển hình là hội viên phụ nữ người dân tộc Khmer.

Dịp này, Hội LHPN TPHCM còn tổ chức tọa đàm, giới thiệu những gương điển hình là hội viên phụ nữ người dân tộc Khmer đã có nhiều thành tích, cống hiến trong xã hội. Qua đó, Hội LHPN TPHCM mong muốn lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nhân rộng gương "người tốt việc tốt" và động viên các chị em đồng bào Khmer không ngừng nỗ lực rèn luyện phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Hội LHPN TPHCM còn không quên nhắn gửi các chị tạo điều kiện tốt nhất cho con em được học tập và rèn luyện để sau này các em có trình độ, có công việc tốt, có thu nhập ổn định, phát triển bản thân.

Chị Trịnh Thị Mỹ Lệ, Phó Chánh Văn phòng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TPHCM, chi hội phó Chi hội Khmer thuộc Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số TPHCM, là một trong những tấm gương điển hình được mời đến chương trình để chia sẻ và "truyền lửa" cho các chị em phụ nữ dân tộc Khmer khác cùng vươn lên.

Chị Lệ chia sẻ: Khi còn là sinh viên, chị đi rửa chén thuê ở các quán ăn, phục vụ quán cà phê, tham gia biểu diễn văn nghệ để kiếm thêm thu nhập, trang trải việc học. Từ Trà Vinh lên TPHCM học tập, chị gặp nhiều trở ngại khi học ngoại ngữ. Vì vậy, chị đã không thể tốt nghiệp cùng thời gian với các bạn trong khóa vì nợ môn tiếng Anh. Chị đã nỗ lực phấn đấu, học tập, rèn luyện tiếng Anh để đủ điều kiện ra trường. Không dừng lại ở đó, chị quyết định vừa làm vừa học Thạc sĩ Luật và học văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh. Kết quả, chị trở thành thủ khoa của một chương trình Thạc sĩ Luật hành chính và là sinh viên giỏi của ngành ngôn ngữ Anh.

Hiện nay, chị Mỹ Lệ còn có đóng góp rất lớn trong việc lưu giữ và phát huy những tinh hoa, giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer qua việc giới thiệu, biên đạo, dàn dựng, biểu diễn các tiết mục văn nghệ đậm nét văn hóa đặc trưng văn hóa Khmer và dạy tiếng Khmer.

Chị Mỹ Lệ xúc động nói: "Được Hội LHPN TPHCM mời tới buổi họp mặt tại Bảo tàng Hồ Chí Minh bản thân tôi thấy được quan tâm để hòa nhập như lời của Bác dạy là phải đoàn kết. Và đoàn kết ở đây là sự đoàn kết của anh em trong gia đình, trong cùng một đất nước thì là sự đoàn kết các dân tộc. Ở chương trình, tôi có dịp được kể lại quá trình phấn đấu của mình, được nói những điều chưa từng có cơ hội được kể ra. Thành tích mà tôi đạt được hôm nay là món quà tôi muốn dành tặng cho ba mẹ. Lúc nhìn thấy ba mẹ rơi nước mắt ở lễ tốt nghiệp Thạc sĩ, tôi đã rất xúc động, đó là giọt nước mắt hạnh phúc và tôi tự tin vào con đường mình đã chọn nhiều hơn".

Tặng quà cho cán bộ, hội viên phụ nữ dân tộc Khmer trên địa bàn thành phố.

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội LHPN TPHCM cho biết:  Trong những năm qua, hội viên phụ nữ dân tộc Khmer tham gia hưởng ứng học tập và làm theo lời Bác bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Hội viên phụ nữ Khmer còn tích cực tham gia các hoạt động do các cấp Hội tổ chức như Cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, các hội diễn, hội thi, hoạt động bảo vệ môi trường… Hội LHPN TPHCM trân trọng ghi nhận sự đóng góp của các chị vào thành tích chung của phong trào phụ nữ thành phố.

"Thời gian tới, rất mong chị em phụ nữ dân tộc Khmer sẽ cùng với chị em phụ nữ các dân tộc anh em thực hiện tốt các chỉ tiêu, khâu đột phá mà Đại hội phụ nữ các cấp đã đề ra; thực hiện các phong trào "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới", "Xây dựng người phụ nữ TPHCM đoàn kết, nhân văn, năng động, sáng tạo, khát vọng vươn lên, gia đình hạnh phúc"; chung tay đóng góp, phát triển phong trào phụ nữ thành phố và xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình", bà Nguyễn Trần Phượng Trân gửi gắm.

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2023 diễn ra từ ngày 14/4 đến ngày 16/4/2023, nhân dịp này, Hội LHPN TPHCM đã tặng 100 phần quà cho cán bộ, hội viên phụ nữ dân tộc Khmer trên địa bàn thành phố nhằm động viên các chị tiếp tục gắn bó với phong trào phụ nữ và hoạt động Hội thành phố trong thời gian tới.


Phạm Thương
13/04/2023 08:01