Bà Hân lên Hà Nội bế con cho vợ chồng thằng Hải sắp được 6 tháng. Lần nào, ông lão ở quê gọi điện hỏi thăm, bà đều cười xòa bảo: “Tôi ở trên này sướng lắm, đồ ăn thức uống các con mua cho không thiếu một thứ gì”. Ông Hân nghe vợ nói và tiếng cháu nội i a thì phấn khởi lắm. Nhưng ông vẫn hắng giọng bảo vợ: “Tôi vẫn biết là không được tranh bà với cháu nhưng bà đi để tôi lại một mình, vườn tược ao chuôm cỏ mọc um tùm trông chán quá...”. Bà Hân lại động viên chồng thêm một lúc nữa, đến khi đầu bên kia cúp máy, bà mới len lén thở dài.
Ai quen, chơi với ông bà Hân đều biết ông bà lúc nào cũng gắn với nhau như bóng với hình. Bà Hân là giáo viên cấp I, cả đời quanh quẩn bên lũy tre làng. Bà chưa bao giờ đi chơi xa đâu quá 1 ngày, kể cả những lần nhà trường tổ chức đi du lịch, bà đều cáo bận. Hồi lũ trẻ còn nhỏ, bà lấy lý do bọn chúng cần mẹ, lúc lũ trẻ lớn đi học xa hết, bà lại bảo: “Tôi phải ở nhà với chồng, ông ấy đi làm về mà không thấy vợ là cứ đi ra đi vào vơ vẩn, tội nghiệp lắm”. Ai cũng bảo cứ như bà Hân thì chẳng bao giờ đi đâu xa được. Ấy vậy mà khi con cháu “có lệnh” gọi, bà không phàn nàn lấy một tiếng mà vội vã lên đường. Đấy là bà Hân còn xin về hưu non để đi bế cháu.
Ông Hân thời gian đầu nhớ vợ, nấu niêu cơm nên cũng nghẹn chẳng thiết ăn. Rồi ông chăm chăm chờ cho đến thứ 7, chủ nhật để bắt xe lên Hà Nội. Về sau thấy chồng đi lại vất vả, gầy rộc, bà Hân quán triệt mỗi tháng chỉ cho ông lên thăm vợ, chơi với con cháu một lần. Ông đành phải đổi chiến thuật sang gọi điện nói chuyện cho đỡ nhớ.
Ngày nào ông Hân cũng gọi điện cho vợ 3 bận sáng, trưa, chiều, loanh quanh hỏi bà cháu đã ăn chưa? Thằng bé có ngoan không? Lại nữa, ông chỉ sợ vợ mình ở với nàng dâu chưa quen sẽ sinh ra lục đục. Sợ vợ phải chịu thiệt, ông nửa đùa nửa thật dặn dò: “Em ở trên ấy nếu chúng nó đối xử tệ thì về với anh, anh nuôi em, không cho đứa nào bắt nạt”. Bà Hân suýt rớt nước mắt vì cảm động nhưng cũng bởi biết tính chồng nên bà rất kín lời. Nửa năm ở với con dâu con trai, bà chưa bao giờ phàn nàn với chồng một tiếng.
Vừa rồi cái Hảo, con gái ông bà Hân, du học bên Úc nghỉ hè về Việt Nam chơi. Biết mẹ đang ở bế cháu cho anh, nó cũng ghé Hà Nội ở ít bữa. Sống cùng nhà với anh trai, chị dâu, cái Hảo mới ngã ngửa. Nó rủ rỉ nói với ông Hân: “Thì ra, mẹ con ở với nhà anh chị, thiệt thòi lắm bố ạ”.
Chẳng hiểu vì lý do gì mà cái Lan, vợ Hải, suốt ngày nhăn nhó, hậm hực với mẹ chồng. Bà Hân làm gì nó cũng thấy không vừa ý. Có những hôm, buổi trưa thương con dâu đi làm về mệt, ăn cơm xong, bà Hân bế cháu tránh sang hàng xóm chơi để Lan nghỉ ngơi, thì nó lên án bà chia cách tình mẫu tử mà bà Hân để cháu chơi với mẹ thì cái Lan lại tru tréo trách bà không biết thương con dâu, được nghỉ trưa có một tí thôi cũng không yên ổn!
Hôm ấy, thằng bé con bị ốm, cái Lan mua thuốc để đấy nhưng không dặn bà Hân cho cháu uống thế nào, trưa về thấy gói thuốc còn nguyên trên mặt bàn, nó gào toáng: “Bà ở nhà có mỗi cái việc cho cháu uống thuốc mà cũng không xong, bà nuôi con con như thế chỉ làm tội cháu”. Cái Lan vừa nói vừa hùng hổ giật phắt cánh cửa phòng con trai ra nhưng ngồi cạnh thằng bé không phải là mẹ chồng như mọi bữa. Ông Hân nghiêm nghị nhìn con dâu, rồi lắc đầu bảo: “Bố lên đón mẹ các con về. Bà ấy già, cả đời vất vả mệt rồi, từ giờ trở đi các con tự lo sắp xếp lấy cuộc sống”.
Ông bà Hân cứ thế về quê, không một lời trách cứ nhưng cái Lan lại thấy xấu hổ vô cùng. Mới non nửa tháng từ ngày vắng mẹ chồng, nhà cửa bếp núc tanh bành, nhếch nhác. Thằng bé con đi gửi trẻ ốm suốt, Hải bàn với vợ: “Hay em nghỉ, ở nhà trông con...”. Lan nghĩ đến cảnh phải ngày ngày quanh quẩn trong 4 bức tường, bếp núc, chăm con, đầu bù tóc rối... chợt thấy sợ. Thế mà trước đây, nó chỉ biết để ý, soi mói tìm những điểm xấu ở mẹ chồng, chưa một lần nào nhìn thấy những điểm tốt của bà Hân cả.
Đấu tranh tư tưởng mãi, tối ấy, cái Lan cầm máy điện thoại gọi về cho mẹ chồng. Nghe con dâu thở than, bà Hân lại dịu dàng an ủi, rồi bà bảo: “Nếu con mệt quá thì đem cu Bin về đây cho mẹ. Tiện cu Bin cai sữa, mẹ chăm cháu cho con nghỉ ngơi một thời gian...”. Nghe những lời nói chân tình của bà Hân, cái Lan trào nước mắt.