Mẹ đơn thân biến đồi hoang thành khu trang trại gần trăm tỷ đồng

06/10/2022 21:32

Suốt mấy chục năm qua, chị Nguyễn Hiền ở xóm Đồi Chè, xã Phúc Trìu, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đã dày công tạo dựng trang trại rộng lớn. Nỗ lực không biết mệt mỏi của chị đã gây dựng được cơ ngơi bề thế, trị giá cả trăm tỷ đồng.

Từ đường chính đi vào trang trại của chị Hiền phải vượt qua mấy quả đồi rợp bóng cây. Ngôi nhà xây dựng kiên cố của gia đình chị nằm bên hồ Núi Cốc đẹp tựa như khu nghỉ dưỡng. Xung quanh nhà cây cối xum xuê, tỏa bóng mát soi bóng xuống lòng hồ xanh biếc. Vào thăm trang trại, ai cũng bất ngờ khi biết rằng, cả vùng đất rộng lớn phủ xanh cây cảnh và cây ăn quả này do một người phụ nữ làm lên.  

"Sờ" chỗ nào cũng ra tiền

Ngôi nhà rợp bóng cây ăn quả là nơi sinh sống của mẹ con chị Hiền. Chị Hiền - người phụ nữ ở đất chè được mọi người trong xóm gọi là người đàn bà thép bận túi bụi suốt ngày. Lúc chị ở trên vườn, lúc ở hồ câu, lúc chở hàng đi bán. Vừa về đến nhà, chưa kịp nghỉ ngơi là điện thoại lại reo, người đặt cây giống, người mua mít, người mua trám... Phải đợi một lúc lâu, chị Hiền mới hạ được cái máy điện thoại xuống để tiếp khách: "Nhà nông là vậy đấy, bận từ sáng đến tối mà chưa hết việc", chị Hiền vừa đón khách vừa tranh thủ giải thích. 

Người đàn bà trên đất thép  - Ảnh 1.

Trang trại đẹp như tranh vẽ của chị Hiền nằm bên hồ Núi Cốc. Suốt mấy chục năm qua, chị đã dày công biến đồi hoang thành vùng trồng cây ăn quả tươi tốt.

Chưa kịp ngồi ấm chỗ, chị Hiền có nước da rám nắng, dáng người rắn rỏi lại lôi đoàn khách đi thăm vườn. Những vạt đồi tươi tốt đã phủ kín cây ăn quả nằm bên mép hồ nom thật đẹp. Trong cái nắng mùa thu vàng như rót mật lên đồi chè càng khiến người ta trở lên mơ màng trước cảnh đẹp non xanh nước biếc. Sống giữa vùng non nước thơ mộng, nhưng chị Hiền lại đầu tư phát triển cây ăn quả là chính. Ngay sau nhà, mấy trăm cây mít trồng xen với vườn chè, cây nào, cây nấy sai trĩu quả. Mít dai, mít thái, mít chín sớm, chín muộn có đủ cả. Mùi mít chín hòa cùng hương trà dìu dịu tỏa khắp trang trại tạo cảm giác thật tuyệt vời. 

Người đàn bà trên đất thép  - Ảnh 2.

Vườn trám đen của chị Hiền sai trĩu quả. Hiện chị vừa trồng trám vừa nhân giống cây trám đen để bán cho bà con ở khắp nơi trên cả nước.

Trang trại của chị rộng tới 20ha, đi mỏi chân chưa hết đất. Vậy mà, không còn khoảnh đất nào chị Hiền để trống. Hết vườn mít, đến vườn trám rồi vườn dứa, vườn bưởi cứ nối nhau dài tít tắp. Mùa này cũng là mùa thu hoạch trám, từng cây trám quả sai trĩu đã ngả màu đen. "Quả trám Thái Nguyên kho cá, kho thịt ăn béo ngậy khiến thực khách khó mà quên được. Nhà báo nhớ ở lại để tôi mời thưởng thức đặc sản của đất chè", chị Hiền vừa đưa tay đỡ lấy trùm trám chín mọng vừa khoe. 

Người đàn bà trên đất thép  - Ảnh 3.

Những nỗ lực không mệt mỏi của chị Hiền đã phủ xanh đất trống đồi trọc.

Chị vừa bán quả trám lẫn cây trám giống. Thứ cây thân gỗ chỉ trồng 3 năm là có quả. Quả trám đen giờ được coi là đặc sản của đất chè. Mỗi năm chị thu được cả trăm triệu đồng từ bán trám và cây giống. Trang trại rộng ngút ngàn, lại được phủ xanh cây ăn quả, nên ngày nào chị Hiền cũng thu được tiền triệu. Hết mùa mít, đến mùa trám rồi thu hoạch chè, dứa rồi bán cây giống. 

Không dừng lại ở đó, do trang trại nằm bên hồ rộng mênh mông, chị còn mở hồ câu cá. Địa điểm đẹp, khách đến câu cá xếp hàng nườm nượp. Họ đến câu cá trả phí, khi về còn mua cả đống hoa thơm quả ngọt của trang trại. Dường như người phụ nữ có vóc người rắn rỏi này sinh ra là để làm việc. Chị dậy từ sáng sớm,  luôn chân luôn tay làm. Dưới tán cây, chị còn thả cả mấy trăm con gà ta.

Vượt qua nghịch cảnh 

Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, nên từ nhỏ chị HIền đã hay lam, hay làm. Ngày trước, khu đất này là đồi chè, bạch đàn và đồi keo xanh mướt. Ngày chị và chồng về nơi này khai hoang, lập nghiệp, chị cũng chỉ nghĩ chắc cả đời phải gắn bó với cây chè. Nhưng sau mỗi năm, thời thế thay đổi, chị đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp sang trồng cây ăn quả. 

Người đàn bà trên đất thép  - Ảnh 4.

Chị HIền đã vượt lên hoàn cảnh để gây dựng cơ ngơi bề thế cho mình.

Vợ chồng đang trong quá trình tạo dựng cơ ngơi, một chuyện buồn bỗng xảy ra. Chồng chị mất sớm, để lại cho chị đứa con thơ. Gia đình đang êm ấm, giờ chồng bỏ chị đi vĩnh viễn khiến chị thêm phần gánh nặng. Vượt qua nỗi đau, chị một thân, một mình nuôi cậu con trai khôn lớn. Khi đó mẹ con chị sống trong cảnh thiếu thốn trăm bề. Đất đai thì rộng, nhưng kiếm được cái ăn trên đất quả là cơ cực. Khu đất của gia đình xưa kia là vườn keo, vườn bạch đàn, chị đã mạnh dạn trồng toàn bộ cây ăn quả.

Người đàn bà trên đất thép  - Ảnh 5.

Vào vụ, trang trại của chị Hiền tạo công ăn việc làm cho cả chục lao động của xã. Đa phần lao động đến làm cho chị là phụ nữ.

Để có vốn phát triển cây ăn quả, chị trồng cây ngắn ngày dưới tán như mít, chè, dứa. Mục đích của việc này là lấy ngắn nuôi dài. Bao mồ hôi, công sức của chị đã đổ xuống đất này. "Khu đất của tôi lại xa xóm làng. Mẹ con ở trong ngôi nhà bé tẹo, dựng tạm nơi góc đồi. Mỗi khi trái gió, trở trời, nhà có chuyện gì cũng chỉ có 2 mẹ con động viên nhau vượt qua gian khó", chị Hiền nhớ lại. 

Người đàn bà trên đất thép  - Ảnh 6.

Trong trang trại của chị Hiền trồng rất nhiều loại cây đan xen nhau. Tầng trên chị trồng trám, trồng mít, tầng dưới trồng sim, chè và dứa. Ngày nào trang trại của chị cũng thu tiền triệu.

Làm nông nghiệp, không phải lúc nào mọi chuyện cũng hanh thông, cây mít, cây dứa nhiều khi "ế ẩm", chẳng có ai mua. Vốn là người phụ nữ biết lo xa, chị một thân một mình chở mít lên thành phố Thái Nguyên bán. Mỗi ngày 2-3 lượt là cũng có tiền để trang trải cuộc sống. Đến mùa dứa, chị còn mạnh dạn mua máy ép để làm nước dứa bán. Mùa nọ nối tiếp mùa kia trôi qua, bằng sự chịu thương, chịu khó, cuộc sống của mẹ con chị cũng dần được cải thiện. Có tiền là chị lại quay vòng đầu tư vào trang trại. Suốt mấy chục năm dày công gây dựng, trang trại mới dần thành hình hài như bây giờ. Chị đã xây được ngôi nhà mới khang trang, bề thế hơn. 

Người đàn bà trên đất thép  - Ảnh 7.

Những nỗ lực và cố gắng của chị Hiền đã cho thu quả ngọt.

Trang trại của chị nằm trong vùng du lịch của hồ Núi Cốc nên có nhiều người muốn mua lại. Họ đã trả cả mấy chục tỷ đồng, nhưng chị không bán. Chị bảo: "Mình cả đời người gắn bó với cây, với đất rồi. Giờ trang trại "sờ" chỗ nào cũng ra tiền, mình việc gì phải bán. Hơn nữa, mình giữ lại trang trại là nhiều chị em trong xóm có công ăn việc làm, có thu nhập", chị Hiền chia sẻ. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.