"Có hôm đi phượt đến Quảng Ninh, dù đã hơn 8h tối, mọi người vẫn đợi và ra tận ngoài đường đón mẹ con tôi. Điều này khiến tôi rất xúc động và cảm nhận được sự ấm áp, ruột già của những người cùng thờ cúng Bàn Vương-thủy tổ của người Dao", chị Dương Thị Kim Cảnh chia sẻ.

Mẹ đơn thân đưa con 2 tuổi đi phượt bằng xe máy: Xúc động vì sự ấm áp của đồng bào người Dao

"Có hôm đi phượt đến Quảng Ninh, dù đã hơn 8h tối, mọi người vẫn đợi và ra tận ngoài đường đón mẹ con tôi. Điều này khiến tôi rất xúc động và cảm nhận được sự ấm áp, ruột già của những người cùng thờ cúng Bàn Vương-thủy tổ của người Dao", chị Dương Thị Kim Cảnh chia sẻ.

Dù chỉ mới 23 tháng tuổi, nhưng cậu bé Dương Phúc Bảo, tên thường gọi là Giàng đã được mẹ là chị Dương Thị Kim Cảnh (SN 1985, dân tộc Dao, trú quán tại huyện Đại Từ, Thái Nguyên) đưa đi phượt bằng xe máy trọn vẹn đến các tỉnh thuộc vùng Tây Bắc và Đông Bắc.

Chị Cảnh là mẹ đơn thân. Trước khi lập gia đình, chị là giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn huyện Đại Từ. Chị đã có nhiều năm một mình đi phượt bằng xe máy. Trong tất cả tỉnh, thành tại Việt Nam, chỉ còn hai tỉnh – Đắk Nông và Bình Phước là chị chưa đến.

Qua những chuyến đi tưởng như gian khó ấy, chị Cảnh được rèn luyện ý chí, bản lĩnh trước mọi vấn đề của cuộc sống, tự tin và quyết đoán hơn trong mọi việc. Cùng với đó, những hiểu biết về đời sống, văn hóa, ẩm thực và phong cảnh quê hương cũng theo đó được trau dồi.

Mẹ đơn thân người Dao đưa con trai 2 tuổi đi phượt bằng xe máy các vùng Tây Bắc, Đông Bắc - Ảnh 1.

Chị Cảnh đi phượt xuyên Việt khi chưa có con

Lựa chọn đưa con đi trên đường chứ không đưa con vào viện

Với những trải nghiệm quý báu từ những chuyến đi xuyên Việt, chị Cảnh mong muốn rằng, cậu bé Giàng của mình cũng có thể tiếp nhận được.

"Không phải để dạy con đi phượt giống mình, mà qua những vùng đất, thời tiết, khí hậu khác nhau – con được trải nghiệm nhiều loại môi trường khác nhau. Từ đó, nâng cao khả năng thích ứng cũng như sức đề kháng của con", chị Cảnh chia sẻ.

Tháng 10/2021, khi Giàng được 18 tháng tuổi, chị Cảnh đã giấu gia đình đưa con đi phượt bằng xe máy. Chuyến đi đầu tiên này kéo dài 11 ngày qua các tỉnh vùng Đông Bắc – Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn...

Mẹ đơn thân người Dao đưa con trai 2 tuổi đi phượt bằng xe máy các vùng Tây Bắc, Đông Bắc - Ảnh 2.

Hành trang của hai mẹ con chỉ gồm những vật dụng đơn giản gồm lều trại, quần áo, các vật dụng y tế thiết yếu (bông băng, gạc, ô-xy già, cồn...), đồ ăn vặt, sữa hộp. Nếu trong trường hợp xe bị thủng săm hoặc trùng xích, chị Cảnh cũng có thể tự sửa chữa bằng bộ dụng cụ sửa xe máy mang theo.

Trước mỗi chuyến đi, để đảm bảo an toàn cho con và tránh những trường hợp bất trắc, với lợi thế là chủ nhiệm một câu lạc bộ có tiếng về phượt trên địa bàn tỉnh, chị Cảnh thường liên hệ với bạn bè trên cung đường sẽ đi.

"Tuy nhiên hai mẹ con tôi không gặp khó khăn gì để các bạn hỗ trợ, mà chủ yếu đây là cơ hội để gặp gỡ, giao lưu và kết nối với những đồng bào người Dao ở vùng miền khác thôi", chị Cảnh cho hay.

Mẹ đơn thân người Dao đưa con trai 2 tuổi đi phượt bằng xe máy các vùng Tây Bắc, Đông Bắc - Ảnh 3.

Người mẹ đơn thân không đặt mục tiêu mỗi ngày phải di chuyển bao nhiêu cây số. Nên có những ngày hai mẹ con chỉ di chuyển được 50 - 60km, và có những ngày đi tới 300km. Cứ trung bình di chuyển khoảng từ 1,5-2h, hai mẹ con sẽ dừng lại nghỉ ngơi.

Ngại nhất là khi phải dừng lại đổ xăng, hoặc khi trời mưa, con chị Cảnh không hợp tác mặc áo mưa, nên phải dừng lại rất lâu. Mỗi lần thấy hai mẹ con, mọi người thường hay hỏi chuyện, có người trầm trồ thán phục, có người tỏ vẻ ái ngại và thương cảm cho đứa bé.

"Nhưng những người đó họ cũng phải thừa nhận, con họ ở nhà nhưng đi viện suốt. Còn con tôi, cho đến nay chưa từng uống một viên thuốc nào, chưa một lần nào nằm viện. Sau cùng, tôi muốn chia sẻ rằng, đây là cách dạy con của riêng mình. Mình lựa chọn đưa con đi trên đường, chứ không lựa chọn đưa con vào bệnh viện", chị Cảnh chia sẻ.

Mẹ đơn thân người Dao đưa con trai 2 tuổi đi phượt bằng xe máy các vùng Tây Bắc, Đông Bắc - Ảnh 4.

Bé Giàng thường không hợp tác khi mặc áo mưa

Mẹ đơn thân người Dao đưa con trai 2 tuổi đi phượt bằng xe máy các vùng Tây Bắc, Đông Bắc - Ảnh 5.

Khoảnh khắc cậu bé Giàng chinh phục đỉnh Chiêu Lầu Thi (2.402m, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) cùng mẹ

Trong chuyến đi Đông Bắc, mẹ con chị Cảnh đã chinh phục đỉnh Chiêu Lầu Thi (2.402m, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang). Ít tháng sau, khi con vừa được 20 tháng tuổi, chị Cảnh lại tiếp tục đưa con đi trải nghiệm 13 ngày Tây Bắc (Điện Biên, Lai Châu, Sơn La...).

Chưa đầy 2 tuổi, cậu bé Giàng đã được trải nghiệm cái lạnh âm 1 độ C ở đèo Ô Quy Hồ (Lai Châu) và "thành phố trong sương" (Sa Pa, Lào Cai). "Cứ dừng xe là con vui cười, gặp người lạ là con tương tác rất tốt", chị Cảnh cho biết.

Rắc rối trên đường vì quên mang giấy khai sinh của con

Mới đây nhất (từ ngày 5 - 9/5), mẹ con chị Cảnh vừa hoàn thành cung đường tuần tra biên giới kéo dài từ Cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) cho tới Cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Quảng Ninh), dài hơn 160km.

Trong số đó, cung đường tuần tra biên giới Bình Liêu (Quảng Ninh) dài 40km là cung đường mà chị Cảnh thích nhất. "Cung đường này tôi rất đam mê, đây là lần thứ 5 tôi trải nghiệm và cũng là lần đầu tiên của bé Giàng", chị Cảnh chia sẻ.

Khởi hành từ quê nhà (huyện Đại Từ), mẹ con chị check-in tại Khu di tích khởi nghĩa Bắc Sơn (huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn), cửa phía Bắc (Quỷ môn quan) và cửa phía Nam (Ngõ Thề) của Ải Chi Lăng (Lạng Sơn).

Bé Giàng check-in tại các điểm di tích lịch sử ở Lạng Sơn

Tuy nhiên đến đường tuần tra biên giới, bắt đầu từ Cửa khẩu Chi Ma cho tới Cửa khẩu Bắc Phong Sinh, chị Cảnh gặp vấn đề khi phải chứng minh quan hệ nhân thân (mẹ - con) với bé Giàng trước các đồng chí bộ đội biên phòng tại các chốt tuần tra, kiểm soát tại khu vực biên giới.

Vì quên mang giấy khai sinh của con, cứ đến mỗi chốt, chị Cảnh lại phải lôi tất cả các giấy tờ tùy thân của bản thân cùng với thẻ bảo hiểm y tế của con ra để chứng minh. Thêm vào đó, chị còn dùng cuống vé máy bay mà hai mẹ con vừa đi chơi Đà Lạt (Lâm Đồng) - Nha Trang (Khánh Hòa) về, và cho các chú bội đội xem bộ sưu tập ảnh mà cả hai cùng chụp trong thời gian qua.

Cũng vì lẽ đó, mẹ con chị đã chậm trễ hành trình và không check-in được hết các cột mốc biên giới. Trong đó có những cột mốc có view rất đẹp như: 1297 (xã Bắc Xa, huyện Đình Lập, Lạng Sơn), 1305 (xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh)...

Bé Giàng check-in tại các cửa khẩu, cột mốc trên đường tuần tra biên giới

"Tình trạng buôn bán trẻ em qua biên giới diễn biến hết sức phức tạp, cho nên các chú bộ đội rất cẩn thận. Tôi đã phải chứng minh 4 lần như vậy ở đường tuần tra biên giới kể trên. Vì sự thiếu hiểu biết của bản thân, hai mẹ con đã bị chậm mất hành trình và phải ngủ lại ở Bình Liêu vào lúc trời rất tối", chị Cảnh kể lại. 

Tuy nhiên bù lại việc trên, buổi tối hôm đó, hai mẹ con chị đã có một bữa cơm ấm lòng với đồng bào Dao Thanh Thán tại thôn Khe Tiền (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh). "Khi hai mẹ con sang đến đây, dù đã hơn 8 rưỡi tối rồi, mọi người vẫn đợi và ra tận ngoài đường đón. Điều này khiến tôi rất xúc động và cảm nhận được sự ấm áp, ruột già của những người cùng thờ cúng Bàn Vương, thủy tổ của người Dao", chị Cảnh chia sẻ.

Một điều đáng tiếc nữa là do mưa lớn, hai mẹ con không thể đến mũi Sa Vĩ (Quảng Ninh) để check in – điểm đánh dấu địa đầu cực Đông Bắc của đất nước và là nơi đặt bút vẽ đầu tiên cho đường bờ biển dài 3.260km của Việt Nam, mà buộc phải trở về sau khi dự Lễ hội Bàn Vương (thủy tổ của người Dao) tại huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh). 

Mẹ con chị Cảnh dự Lễ hội Bàn Vương tại huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh), ngày 7 - 8/5/2022

Mẹ đơn thân người Dao đưa con trai 2 tuổi đi phượt bằng xe máy các vùng Tây Bắc, Đông Bắc - Ảnh 9.

Đồng bào Dao Thanh Phán đón tiếp, mới mẹ con chị Cảnh ăn bữa cơm thân mật

Kết hợp đi phượt để tìm kiếm vùng nguyên liệu

Sau gần 9 năm dạy học, năm 2018, chị Cảnh quyết định nghỉ biên chế giáo viên để về nhà theo nghề thuốc Nam gia truyền của gia đình và kết hợp với bán hàng online – các món ăn đặc sản, chè sạch và các bài thuốc cổ truyền của người Dao – thảo dược tắm em bé, thảo dược xông tắm, ngâm chân thảo dược, siro trị ho.

Tất cả những sản phẩm thuốc Nam gia truyền ấy đều mang thương hiệu "Mẹ Giàng". Thông qua việc xây dựng kênh bán hàng online, cũng là cách để chị Cảnh có kinh phí để theo đuổi đam mê đi phượt của mình, đặc biệt là khi đưa con nhỏ đi cùng.

Khi kênh đã vận hành ổn định, trung bình mỗi tháng giúp chị có thu nhập từ 30-40 triệu đồng, tháng cao điểm có thể được tới 70-80 triệu đồng. Với sự tiện lợi của dịch vụ nhận và giao hàng tận nhà, chị Cảnh vẫn có thể vừa đi phượt vừa quản lý đơn hàng.

Những ngày đi phượt, mỗi khi dừng lại nghỉ chân, mẹ con chị vẫn thay nhau sử dụng các bài thuốc tắm cổ truyền của đồng bào mình. Nhờ vậy mà sức khỏe được đảm bảo, việc di chuyển được tỉnh táo và an toàn hơn.

Mẹ đơn thân người Dao đưa con trai 2 tuổi đi phượt bằng xe máy các vùng Tây Bắc, Đông Bắc - Ảnh 11.

Bé Giàng nô nghịch với cún con trong một lần đi chơi

Trong mỗi chuyến đi, chị Cảnh tranh thủ kiếm tìm các loại lá thuốc quý hiếm ở các vùng miền khác nhau. Nếu điều kiện về khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp, chị sẽ nghiên cứu để tiến hành xây dựng vùng nguyên liệu. Đấy cũng là lý do, chị thường chọn những cung đường khó khăn như đường tuần tra biên giới.

Mẹ đơn thân người Dao đưa con trai 2 tuổi đi phượt bằng xe máy các vùng Tây Bắc, Đông Bắc - Ảnh 12.

Chị Cảnh và con trai trong trang phục truyền thống của người Dao Quần Chẹt dừng chân ở núi Cao Ly (Bình Liêu, Quảng Ninh) chụp ảnh lưu niệm

Mẹ đơn thân người Dao đưa con trai 2 tuổi đi phượt bằng xe máy các vùng Tây Bắc, Đông Bắc - Ảnh 13.

Hai mẹ con du lịch tại "Hoang đảo Robinson", vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa).

Mẹ đơn thân người Dao đưa con trai 2 tuổi đi phượt bằng xe máy các vùng Tây Bắc, Đông Bắc - Ảnh 14.

Mẹ con chị Cảnh tham quan dinh thự của vua Bảo Đại ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng)

Những bước đi này để chuẩn bị cho sự ra đời của một hợp tác xã chuyên về các sản phẩm thuốc Nam, chè sạch, dịch vụ tắm lá thuốc người Dao mang tên "Mẹ Giàng" mà chị Cảnh đã lên ý tưởng. Hiện chị đã nộp hồ sơ đăng ký thành lập hợp tác xã tới cơ quan chuyên môn, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới. Qua hợp tác xã này, chị Cảnh muốn quảng bá các sản phẩm của người Dao rộng rãi hơn tới các địa phương trong cả nước.

Được biết, tới đây bé Giàng tròn 2 tuổi. Sau khi tổ chức sinh nhật cho con xong, chị Cảnh sẽ đưa Giàng xuyên Việt bằng xe máy. Những năm sau đó khi con đã đi học, khi thoảng hai mẹ sẽ có những chuyến phượt ngắn ngày. Cùng với đó, chị cũng trau dồi thêm tiếng Anh để cùng con trai đi du lịch một số nước như Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Malaysia.

Trường Hùng
NVCC

Xuất bản: 13/05/2022