Mẹ phản ứng khi con lớp 1 bị cô phạt nhặt rác ở sân trường

17/01/2018 - 12:20
Ngay trong bữa ăn cơm, cậu con trai lớp 1 “thú tội” với mẹ: Hôm nay, trong tiết tập viết, do con quên bút nên đã bị cô giáo phạt đi nhặt rác ở sân trường.
Không ít cha mẹ thấy con bị phạt nặng thường làm lớn chuyện. Ảnh minh họa

Vừa nghe con trai nói như vậy, anh Đức Duy (Đống Đa, Hà Nội) “giãy nảy” lên, rối rít hỏi con: Chỉ vì quên bút thôi mà cô giáo phạt con nặng thế! Con không được học cả tiết đó à? Thế con cứ lang thang nhặt rác khắp sân trường một mình à?...

Anh Duy cảm thấy máu dồn lên não, vô cùng nóng giận vì xót con. Anh kéo vợ sang phòng khác cằn nhằn: Sao cô giáo ra hình phạt nặng thế này! Đứa trẻ lớp 1 quên bút, quên vở là chuyện bình thường. Trời rét mướt như vậy, đẩy một đứa trẻ ra sân trường nhặt rác thì thật… quá quắt. Làm như thế, con sẽ cảm thấy xấu hổ, nhục nhã với các bạn… Không thể chấp nhận cách phạt học sinh của cô giáo như thế. Thực sự là phản giáo dục… Ngày mai, anh sẽ gặp cô làm cho “ra nhẽ”…

Để cho chồng nói chán chê, chị Thương Huyền (vợ anh Duy) bảo chồng bình tĩnh và đề nghị được“xử lý” vụ này.

Chị Huyền nói với con: Con thấy thế nào? Cô phạt con thế có nặng không? Con có ghét cô giáo vì đã phạt con không?

Cậu bé trả lời: Con thấy bình thường. Con không ghét cô. Con làm sai thì bị cô phạt là đúng.

Chị Huyền nhẹ nhàng ngồi tâm sự cùng con: “Hôm trước mẹ đi họp phụ huynh, cô có nhắc các bố các mẹ nên để con tự soạn sách vở để các con có trách nhiệm với việc học của mình, bởi vì đã nhiều lần ở lớp con có nhiều bạn hay để quên sách vở và bút nhưng khi cô hỏi thì lại đổ tội cho bố mẹ, và thấy việc học là việc của bố mẹ chứ không phải của mình. Việc con để quên bút, mẹ không trách con, nhưng từ lần sau khi con soạn sách vở thì con nên cẩn thận soạn đầy đủ cả sách vở và đồ dùng học tập nhé. Còn việc cô giáo phạt con là việc rất bình thường, để con nhớ lần sau mình không quên bút nữa. Suy nghĩ của con, mẹ rất tán thành: Mình làm sai thì mình phải nhìn thấy cái sai của mình, chứ không phải là oán ghét người khác hoặc vì việc đó ảnh hưởng đến việc học, tâm lý của mình.

Cha mẹ lúc nào cũng bênh con chằm chặp, lúc nào cũng bao bọc con thì sau này con khó trưởng thành được. Ảnh minh họa

Quay sang chồng, chị Huyền nói: Cứ cho con chịu phạt như vậy để lần sau con rút kinh nghiệm. Sau này, ra cuộc sống, con còn gặp nhiều khó khăn hơn, còn đối diện với nhiều hình phạt hơn. Nếu lúc nào cũng bênh con chằm chặp, lúc nào cũng bao bọc con thì sau này con khó trưởng thành được.

Chị Huyền cũng nhấn mạnh, việc con bị phạt nhặt rác ở sân trường giữa trời rét, nếu nhìn đơn giản chỉ là hình phạt để răn đe trẻ thì chuyện sẽ không có gì, vì trẻ cũng cảm thấy điều đó là bình thường. Tuy nhiên, nếu bố mẹ coi đó là “chuyện lớn”, đến trường gặp cô để làm ầm ĩ thì tự nhiên việc đó là lớn và đứa trẻ nhìn nhận mọi việc theo cách tiêu cực hơn. Trẻ sẽ có ấn tượng xấu về cô giáo và thấy việc nhặt rác của mình là đáng xấu hổ với bạn bè, trẻ không bao giờ chấp nhận bị phạt…

Chỉ khi việc đối xử của giáo viên ảnh hưởng không tốt đến thể xác, tinh thần của trẻ thì mới cần bố mẹ “ra tay”. Còn nếu không, cứ nhìn mọi việc theo đúng bản chất của nó.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm