Mẹ suýt hại con

27/07/2016 - 08:24
Hai từ “tự kỉ” xuất hiện trong đầu, khiến cô hoang mang, lo lắng…

Một người mẹ trẻ gọi đến cho Thanh Tâm bằng giọng nói trầm buồn, đầy lo lắng. Cô kể, vì kết hôn hơn hai năm cô mới đậu thai nên suốt những năm đầu đời của con, cô dành toàn bộ thời gian ở nhà để chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho bé. Thấy ai bày bất cứ món ăn ngon, bổ dưỡng nào cô cũng cố tìm mua cho bằng được và tỉ mẩn nấu nướng cho con. Đặc biệt, cô rất chú trọng đến chuyện giữ gìn sức khỏe, sao cho con tránh được vi rút gây bệnh. Vì vậy, cô rất ít khi cho con ra ngoài. Khi bắt buộc phải đi đâu đó, cô đều ủ bọc con rất kĩ. Khi con biết trườn, bò, cô cũng cẩn thận mặc quần áo dài tay, lau nền nhà sạch bóng để bé không bị dính bụi bẩn.

Từ khi sinh con, cô xin nghỉ việc cơ quan, chỉ buôn bán hàng Online tại nhà. Công việc tự do nên cô có thể vừa làm vừa chăm con thay vì gửi đi nhà trẻ, vừa đông đúc vừa không đảm bảo bữa ăn đầy đủ và vệ sinh cho con. Phần vì bận online, phần vì không gian ngôi nhà chật hẹp nên suốt ngày cô để bé chơi quanh quẩn trong nhà. Cứ thế, con chơi mặc con, mẹ làm việc mẹ.

Đợt hè vừa rồi, bà ngoại bé giục cô đưa con về quê chơi. Ban đầu cô từ chối vì cô biết về quê nghĩa là phải chịu nắng nóng, bụi bẩn, không gian rộng lại có nhiều trẻ, khó mà quản con theo ý mình. Nhưng vì mọi người nói nhiều quá, cô đành thu xếp cho con về. Cô lúc nào cũng túc trực bên con, cấm con ra ngoài chơi vì sợ con nghịch bẩn, cấm con bốc đất vì sợ vi khuẩn, cấm đi theo anh chị thả diều, đá bóng vì sợ trượt ngã…

tk.jpg
 Cô hãy thả lỏng để con được tự do vui chơi vận động (ảnh minh họa)

Thấy vậy bà ngoại liền can thiệp. Bà bảo cô ủ con kĩ quá, cứ như vậy con chẳng những không khỏe mạnh về thể chất mà lại dễ mắc bệnh tâm lý nữa. Bà bảo cô cần nghiêm túc nhìn nhận thực tế rằng con cô đã hơn 3 tuổi mà nói năng lắp bắp, vốn từ vựng rất hạn chế, vận động chậm chạp hơn bọn trẻ ở quê rất nhiều, lại rất dễ ốm mỗi khi thay đổi thời tiết. Hơn nữa, bé chỉ tha thẩn một mình, không hòa nhập được với bọn trẻ… Lúc này cô mới giật mình. Hai từ “tự kỉ” xuất hiện trong đầu cô, khiến cô hoang mang, lo lắng.

Cô hỏi Thanh Tâm, liệu con cô đã mắc chứng tự kỉ, đó có phải là bệnh và có chữa được không? Thanh Tâm khuyên cô nên bình tĩnh, tạm gạt hai từ tự kỉ ra khỏi đầu. Trước mắt cô cần thay đổi cách chăm sóc con của mình. Hãy coi chuyến về quê lần này là cơ hội để cô thả lỏng con. Để con được làm những việc con thích, được tự do vui chơi, vận động. Bằng bản năng của mình, con sẽ tự biết cách vui chơi, hòa nhập với bọn trẻ và phát triển các kĩ năng như những đứa trẻ cùng trang lứa khác. Việc của cô là dõi theo con để đảm bảo con được an toàn và chỉ can thiệp khi thực sự cần thiết.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm