Một lần được tái sinh

06/04/2015 - 17:40
Cơ thể cảm thấy mệt mỏi, thường xuyên khó thở, chị Nèang Nhây tìm đến buổi khám bệnh từ thiện của một đoàn bác sĩ từ TPHCM xuống An Giang. Kết quả xét nghiệm: chị có dấu hiệu bị ung thư tuyến giáp… 

Nhận “án tử”

Chị Nèang Nhây 43 tuổi, là người dân tộc Khmer. Sinh trưởng trong một gia đình khó khăn tại ấp Tô Lợi, xã Cô Tô, huyện Tri Tôn (An Giang), thay vì được đến trường như những đứa trẻ cùng trang lứa, Nèang Nhây phải phụ giúp ba mẹ làm ruộng để nuôi các em. Sau kết hôn, gia đình 2 bên đều khó khăn, chị động viên chồng: “Có sức khỏe là có tất cả, vợ chồng mình chịu khó làm ăn, em tin con chúng mình rồi sẽ thoát nghèo”.

Trong khi chị nhận làm thuê bất kỳ công việc nào để có tiền, từ cấy lúa, làm cỏ đến tát nước… thì chồng chị, anh Châu Nghanh, cần mẫn đi theo các công trình để làm nghề phụ hồ. Nhưng đời sống ngày càng khó khăn, số người có nhu cầu thuê việc làm ít dần khiến gia đình chị rơi vào tình trạng “chạy ăn từng bữa”. “Con trai tui không có tiền đóng học phí nên bỏ học giữa chừng, lên TPHCM mần thuê. Tui tự nhủ sẽ ráng để đứa bé ở nhà được học hành tử tế nhưng…”, chị Nhây bỏ lửng câu nói.

Theo lời kể của chị Nhây, khoảng 1 năm trước, chị cảm thấy cơ thể xuất hiện những dấu hiệu rất lạ, mệt mỏi, thường xuyên đau họng, mất ngủ, ăn yếu và sụt cân. Chị dự định sẽ dành dụm tiền lên thị xã khám bệnh nhưng hết ngày này qua ngày khác, chị vẫn chưa thực hiện được. “May thay, có đoàn bác sĩ từ TPHCM xuống khám miễn phí, tui liền đăng ký để biết có bị bệnh gì, rồi bác sĩ nói tui có nguy cơ ung thư tuyến giáp, nếu không phẫu thuật và điều trị, khối u sẽ di căn. Nghe vậy, tui biết chắc chắn mình sẽ chết, vì tiền đâu mà lên thành phố chữa bệnh”, chị kể.

“Phao cứu sinh”

Chị Nhây trình bày hoàn cảnh với bác sĩ, rằng chị chấp nhận “chờ chết” bởi không có tiền đi bệnh viện. Trong sâu thẳm trái tim, chị chỉ nghĩ một điều: “Mình sẽ không thể thấy mặt các con nữa”. Nhưng, như một người đang chới với thì gặp được chiếc phao cứu sinh, một bác sĩ trong đoàn tình nguyện đã đưa cho chị Nhây mảnh giấy ghi rõ địa chỉ bệnh viện tại TPHCM và dặn: “Chị thu xếp lên thành phố sớm, chúng tôi sẽ quyên góp tiền mổ miễn phí cho chị”. Sau khi từ chỗ khám bệnh miễn phí trở về, chị Nhây nói mọi chuyện với chồng và tìm cách lên TPHCM chữa bệnh - quyết định mà trước đó chị chưa bao giờ dám nghĩ tới.

Tìm đến bệnh viện và nhận được sự hỗ trợ từ đoàn bác sĩ, chị Nhây nhanh chóng được làm thủ tục nhập viện, siêu âm và sinh thiết để có kết luận chuẩn xác, rồi chị được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u. Sau khi phẫu thuật, chị Nhây được đưa về phòng bệnh để theo dõi, mọi thứ diễn ra suôn sẻ khiến vợ chồng chị mừng vui khôn tả.

Sau ca mổ, chị Nhây như được tái sinh (Ảnh chụp 6/4/2015)

Trong phòng bệnh nằm cuối hành lang của Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM, anh Nghanh không rời vợ nửa bước. Anh bảo: “Ca phẫu thuật diễn ra thành công, trên này rất nhiều bác sĩ giỏi và tốt bụng nên vợ tui mới được cứu chữa kịp thời. Vợ chồng tui vay mượn được vài trăm ngàn lấy tiền đi xe đò lên, từ hôm nằm viện, bệnh nhân trong phòng mỗi người giúp một ít, người thì gói xôi, hộp cơm, ổ bánh mỳ… động viên vợ chồng tui vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Hướng đôi mắt về phía cửa sổ đang ngập tràn ánh sáng, chị Nhây luôn miệng bảo cuộc đời chị như vừa được tái sinh một lần nữa, bởi nếu không gặp được đoàn bác sĩ, chẳng biết chị sẽ sống được bao lâu nữa? “Bác sĩ nói ngày mai tui được xuất viện rồi, sau đó vẫn phải điều trị bằng đồng vị phóng xạ để giết hết các tế bào còn sót lại. Tui chưa biết có tiền để lên điều trị không nhưng tui thấy nhiều hy vọng lắm!”, chị Nhây không giấu nổi xúc động.


Thạc sĩ, bác sĩ Lê Quang Đình (chuyên khoa Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM)

Ung thư tuyến giáp (UTTG) là loại ung thư tuyến nội tiết thường gặp nhất. Nguyên nhân thường do những rối loạn trong quá trình sản sinh và biệt hóa tế bào giáp, làm hình thành những dòng tế bào ác tính. Ngoài ra, những yếu tố làm tăng nguy cơ UTTG như: Tiếp xúc với nồng độ cao bức xạ; tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị bệnh bướu cổ, viêm tuyến giáp; thừa hưởng hội chứng di truyền; không bổ sung đủ iốt trong lượng thức ăn hàng ngày, thừa cân, nghiện rượu, thuốc lá…

Có thể phát hiện UTTG bằng nhân giáp, khối u được sờ thấy hoặc phát hiện qua siêu âm tuyến giáp với hình ảnh khác biệt với mô tuyến giáp bình thường xung quanh. Ngoài ra, có thể siêu âm màu tuyến giáp nhằm đánh giá tính chất và số lượng nhân giáp và phát hiện hạch cổ bất thường hoặc làm sinh thiết để xác định chẩn đoán ung thư tuyến giáp.

Tùy theo những triệu chứng biểu hiện, có thể chia UTTG thành 4 loại: UTTG thể nhú, đặc điểm của loại này là có khối u dần phình to ở cổ và không đau; UTTG thể nang, khối u ở tuyến giáp phát triển rất nhanh nên người bệnh rất dễ nhận biết; UTTG thể tủy, khối u cứng không đau, nổi nhiều hạch bạch huyết và có thể gây khàn giọng; UTTG không biệt hóa, có khối u cứng ở cổ, sưng to và phát triển nhanh.

So với các loại ung thư khác, UTTG đáp ứng tốt được với quá trình điều trị, bệnh có thể chữa khỏi được, sau điều trị bệnh nhân có tỉ lệ sống cao và kéo dài nhất. Tuy nhiên, điều trị UTTG là điều trị đa mô thức, cần phải phối hợp nhiều phương thức điều trị với nhau để có kết quả tối ưu.

Một số phương pháp điều trị như: Phẫu thuật cắt tuyến giáp theo nguyên tắc ung thư học, có hoặc không kèm nạo hạch cổ. Đối với UTTG kích thước nhỏ, một khối duy nhất, chưa xâm lấn vỏ bao, có thể điều trị bằng cách cắt một thùy tuyến giáp; xạ trị với iốt 131, cho đồng vị phóng xạ iốt 131 vào cơ thể để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại; liệu pháp hormone tuyến giáp, điều trị trong nhiều năm để đè nén những tế bào ung thư còn sót lại nhằm giúp giảm tỉ lệ tái phát hay làm chậm lại thời gian tái phát.

Sau phẫu thuật và điều trị iốt phóng xạ, người bệnh cần có chế độ điều trị nội tiết và theo dõi chặt chẽ, dài hạn nhằm giảm tỉ lệ tái phát ở mức thấp nhất và đưa người bệnh trở lại cuộc sống với sức khỏe như một người bình thường. Nên đi tái khám bệnh 3-6 tháng/lần tại các cơ sở chuyên khoa. Bệnh nhân sẽ được chỉ định chụp X-quang, xạ hình phát hiện di căn, định lượng hormone tuyến giáp để có thể theo dõi được diễn tiến của bệnh và điều trị kịp thời.



Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm