Kết quả điều tra toàn cầu về sức khỏe học sinh dựa vào trường học ở Việt Nam năm 2013 cho thấy, tỷ lệ học sinh 13-17 tuổi uống nước ngọt có ga ít nhất 1 lần trong ngày chiếm tới 31%. Nghĩa là có tới 1/3 số trẻ thường xuyên sử dụng nước ngọt hằng ngày.
Sử dụng nhiều nước ngọt có ga dễ khiến trẻ bị sâu răng, hỏng răng |
Theo PGS TS Lê Thị Bạch Mai, các loại nước ngọt, nước ngọt có ga thường rất nghèo vi chất dinh dưỡng trong khi lại chứa rất nhiều đường đơn và đường đôi (loại đường cung cấp năng lượng nhanh). Trẻ em tiêu thụ đồ uống nghĩa là đang tăng sử dụng đường đơn, đường đôi. Điều này ngược lại khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới hiện nay là sử dụng năng lượng đường đơn, đường đôi không quá 5% năng lượng mỗi ngày.
Giả sử, với 1 học sinh 15 tuổi, cần năng lượng 2.000 kcal/ngày thì lượng đường đôi nạp vào chỉ nên ở ngưỡng 25g đường đôi, đường đơn cho tất cả đường từ phẩm bao gồm bánh kẹo, mứt, nước sốt... Tuy nhiên, chỉ cần uống 1 lon nước ngọt, trẻ đã nạp 36g đường, 1 lon bò húc đã nạp 42g đường.
Như vậy, chỉ cần 1 ngày trẻ uống 1 món đồ uống có gas thì tỷ lệ đường đơn, đường đôi được khuyến cáo đã vượt ngưỡng, chưa kể lượng đường từ các thực phẩm chế biến sẵn hay gia vị.
Năng lượng từ nước ngọt là năng lượng rỗng rất dễ tạo mỡ. Mỗi ngày tích lũy một chút, lâu dần trẻ sẽ bị thừa cân béo phì và hậu quả gần nhất là đái tháo đường, tăng huyết áp, các bệnh về tim mạch.
Ngoài ra, trẻ uống quá nhiều nước ngọt có gas sẽ làm tăng đào thải canxi qua nước tiểu. Chế độ ăn hằng ngày của nhiều trẻ ở nước ta lại chưa đáp ứng được lượng canxi cần thiết. Nguồn canxi đầu vào vốn đã thiếu, lại thêm uống nhiều nước ngọt có gas gây đào thải canxi nhanh, sẽ khiến trẻ thiếu canxi, còi xương, răng cũng trở nên mỏng manh, dễ tổn thương và nguy cơ sâu răng càng cao.