Mùa lá rụng nhớ một thời tuổi thơ trong trẻo

08/09/2021 11:52
Ảnh minh họa: ST

Ảnh minh họa: ST

Chiều nay, tôi nhìn lên lịch đã sang tháng 8 âm, vậy là đã sang thu được cả tháng. Tôi kéo rèm mở cửa sổ nhìn ra sau vườn, những chiếc lá trên cây đã ngả màu vàng úa, trên mặt đất cũng nhiều lá rụng...

Đứng bần thần nhìn những chiếc lá rụng trong nắng chiều chênh chếch, tôi thấy có cái gì hơi nuối tiếc. Ngày chúng tôi còn bé, lá khô cũng quý ra trò. Vì chỉ cần lưng tải lá và biết cách nấu, kiểu gì cũng xong một bữa cơm, hay thêm chút nữa là chín được cả nồi cám lợn to.

Bọn trẻ chúng tôi thường một buổi đi học, một buổi đi kiếm củi, quét lá. Chúng tôi lên những vườn bạch đàn, vườn keo của mấy cơ quan gần nhà. Ngày ấy đất của các cơ quan rất rộng, với những dãy nhà cấp bốn, có cả khu tập thể, chứ không chỉ là những khối nhà tầng như bây giờ. Ngoài ra, có cơ quan còn có cả một vạt đồi, hay một khu đất rất rộng để trồng cây.

Đất quê tôi toàn đá sỏi, nên chẳng thể trồng được gì ngoài những cây lấy gỗ. Chúng tôi tha thẩn nhặt những cành bạch đàn, cành keo khô rụng xuống, thường là những cành nhỏ, đã khô trên cây, gió thổi mạnh là rụng. Lá cây vào mùa rụng thì khỏi phải nói, chỉ cần dùng cái chổi cọ quyết gom lại thành từng đống rồi nhét vào bao tải. Chỉ hai tiếng, hay hơn chút là đã được một tải lá khô ấn chặt, lại thêm một, hai bó củi cành khô nhỏ nhỏ.

Mùa lá rụng nhớ một thời tuổi thơ trong trẻo - Ảnh 1.

Trẻ em vui đùa cùng những chiếc lá mới rụng xuống trong mùa thu. Ảnh minh họa

Tôi thích đun lá bạch đàn, lá cháy trong bếp bắn ra những đốm nhỏ, rồi lại tắt vụt đi rất nhanh. Lá bạch đàn cháy, phát ra những tiếng nổ lép bép nghe rất vui tai, dầu trong lá cháy có mùi vừa hăng hăng, lại khen khét rất khó tả. Đun bằng lá bạch đàn quả thực rất khác những loại lá khác, mà lửa cháy to hơn nên nấu thức ăn cũng nhanh hơn.

Ngoài những vườn keo, vườn bạch đàn, gần khu nhà tôi là trường cấp ba. Trường nằm trên một khu đất rất rộng, được xây dựng từ đầu những năm 1960. Những dãy lớp học, mà trong cái nhìn của tôi hồi đó, nó dài và to lắm, được quét ve màu vàng, ngoài thềm giữa các hàng cột là những vòm nối với nhau, giống như những vòm nhà như ở bên châu Âu mà tôi đã có lần thấy trên ti vi.

Những dãy lớp học to, dài nằm dưới tán cây xà cừ rất to. Tán cây khép vào nhau giúp râm mát cho cả khu trường, giữa buổi trưa mà gần như chỉ thấy rất ít tia nắng chiếu xiên qua khe lá xuống sân trường. Xà cừ được trồng xung quanh và trước các dãy lớp học, thân cây to và cao. Có gốc phải mấy đứa bọn tôi ôm mới hết. Tôi nghe người lớn nói, những cây xà cừ đó được trồng từ ngày trường vừa xây xong, thế thì lúc chúng tôi thả thẩn chơi ở đó, chúng cũng đã có trên dưới ba mươi tuổi.

Mùa lá rụng nhớ một thời tuổi thơ trong trẻo - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Đến mùa lá rụng, thường là vào cuối thu, đầu đông, lá xà cừ rụng nhiều, phủ kín sân trường. Những chiếc lá vàng rụng xuống, thân lá vẫn còn dày, hai mặt nhẵn bóng, cầm lên rất mát tay, có cảm giác như lá vẫn còn tươi. Vì lá xà cừ dầy, lại nhẵn nên khi quét, nhét vào tải cũng nhanh, bởi nó không bị phồng như những thứ là khô khác, nên một tải cũng khá nặng.

Chúng tôi còn được đi quét lá gần nhà về đun, chứ ở các làng dưới, người ta còn phải đi xe thồ từ tinh mơ vào các huyện miền núi cắt cây, rồi thồ về phơi khô lấy cái đun. Xa hơn, mẹ tôi kể, thời mẹ tôi chưa có nhiều xe đạp, phải đi bộ, dậy từ gà gáy, nắm cơm mang theo để đi cắt cây, nhặt củi tận trong rừng gánh về, khi đến nhà trời đã tối mịt.

Khi chúng tôi vào cấp ba thì trường đã được xây mới, với những dãy lớp học cao tầng nên phần lớn xà cừ đã bị chặt đi. Cả khu trường chỉ còn lại vài cây ở những chỗ không vướng đến xây dựng. Sau này khi về học ở Hà Nội, mỗi lần đi qua các đường Nguyễn Trãi, Láng hay Kim Mã... thấy những hàng xà cừ cổ thụ, tôi lại nhớ đến những cây xà cừ "khổng lồ" ở trường huyện ngày xưa.

Ngoài vườn gió thu thổi nhẹ, thỉnh thoảng làm lật mấy chiếc lá trên mặt đất. Tôi lan man suy nghĩ rồi tự hỏi: Bây giờ ở nông thôn đồng bằng, có ai còn nấu cơm bằng lá cây khô nữa không? Còn với lũ trẻ, chắc chẳng bao giờ phải đi quét lá khô về giúp bố mẹ có cái để nấu cơm, để khi lớn lên, khi đi qua những hàng cây cổ thụ hay vào mùa lá rụng, sẽ có chút hoài niệm về một thời tuổi thơ trong trẻo.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.