Mùa Vu lan báo hiếu: Ai còn cha xin đừng làm cha khổ, ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc

22/08/2021 06:11
Lễ Vu lan báo hiếu là mùa báo ân, báo hiếu của tất cả những người con dành cho bố mẹ đã sinh thành và dưỡng dục mình. Ảnh minh họa

Lễ Vu lan báo hiếu là mùa báo ân, báo hiếu của tất cả những người con dành cho bố mẹ đã sinh thành và dưỡng dục mình. Ảnh minh họa

Lễ chính mùa Vu lan là ngày rằm tháng 7 hàng năm theo lịch âm. Đây là dịp dịp để mỗi chúng ta nhắc nhở mình: Ai còn cha xin đừng làm cha khổ, hãy nhớ câu đạo hiếu làm đầu. Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng làm buồn đôi mắt mẹ nghe không.

Hôm nay là ngày lễ Vu lan 2021. Mọi năm, khi không có dịch Covid-19, vào dịp lễ Vu lan, phật tử thường đến chùa cầu nguyện với mong muốn những người đã khuất và chúng sinh được yên nghỉ và ấm cúng, còn với những người đang sống có một sức khỏe tốt để ở mãi bên con cháu. Ngoài ra, mọi nhà đều chuẩn bị mâm cơm tươm tất cho ngày lễ Vu lan để dâng lên gia tiên, cửa Phật và cúng chúng sinh.

Một nét đẹp trong ngày Vu lan là chương trình bông hồng cài áo. Trong buổi lễ thiêng liêng ấy, ai còn cha mẹ sẽ sung sướng được cài lên ngực áo đấng sinh thành một đóa hoa hồng, ai mất mẹ lại buồn tủi cài lên ngực đóa hồng trắng. Thế nhưng dù cha mẹ còn hay đã mất thì mỗi người con lúc này đang dâng lên một tình cảm biết ơn cha mẹ sâu lắng và mỗi người tâm niệm sẽ sống hết lòng với bổn phận làm con của mình.

Mùa Vu lan báo hiếu: Ai còn cha xin đừng làm cha khổ, ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc - Ảnh 1.

Phật giáo có bốn ơn lớn: Ơn tam bảo; ơn quốc gia xã hội; ơn cha mẹ sinh thành và thầy cô dạy bảo; ơn tất cả mọi loại chúng sinh. Riêng tháng 7 âm lịch, Phật giáo nặng về ơn cha mẹ sinh thành nhất, vì vậy mới có quan niệm: "Cúng cả năm không bằng Rằm tháng 7". Như vậy, lễ Vu lan báo hiếu không chỉ có ý nghĩa tôn giáo mà còn mang tính xã hội, tính giáo dục đạo đức sâu sắc. Lễ Vu lan đã trở thành truyền thống văn hóa thiêng liêng, là ngày lễ có sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam và các nước Á Đông theo đạo Phật.

Có 5 điều để một người thông thường báo hiếu cha mẹ mà Đức Phật răn dạy, đó là: Cung kính, vâng lời cha mẹ; phụng dưỡng khi cha mẹ già yếu; giữ gìn thanh danh và truyền thống gia đình; bảo quản tài sản do cha mẹ để lại; lo tang lễ chu đáo khi cha mẹ qua đời. 5 điều này tưởng chừng như đơn giản nhưng để thực hiện trọn vẹn là điều không hề dễ dàng, có khi chúng ta dành cả cuộc đời của mình cũng chưa chắc đã hoàn thành.

Mỗi ngày là một lễ Vu lan

Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội cho rằng, lễ Vu lan báo hiếu là một trong những đại lễ quan trọng của Phật giáo Đại thừa. Trên thực tế, vào dịp lễ Vu lan, không ít người dâng lễ cúng linh đình, thế nhưng không phải ai cũng hiểu hết đạo hiếu và ý nghĩa báo ân trong mùa Vu lan. Lễ Vu lan tổ chức vào rằm tháng 7 trùng với tết Trung nguyên theo phong tục Trung Hoa là ngày mở cửa ngục (xá tội vong nhân) nên dân gian hay gọi tháng 7 là tháng cô hồn. Vì theo thuyết này vào dịp rằm tháng 7 là dịp mọi người tiến cúng phẩm vật không chỉ cho gia tiên tiên tổ mình mà còn tiến cúng cho thập loại cô hồn.

Mùa Vu lan báo hiếu: Ai còn cha xin đừng làm cha khổ, ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc - Ảnh 2.

Vu lan là ngày lễ báo hiếu vô cùng cao đẹp của Phật giáo nói riêng và là ngày lễ báo hiếu nói chung của mọi người con hiếu nghĩa trên thế gian. Ảnh: ST

Thực tế, không ít người khi cha mẹ còn sống, vì một lý do nào đó, ít quan tâm đến cha mẹ. Thậm chí có trường hợp nhiều anh em, gia đình đều khá giả nhưng không ai muốn nhận nuôi, phụng dưỡng cha mẹ, đôi khi còn hắt hủi cha mẹ. Cũng có không ít người con, vì tranh giành tài sản mà xảy ra mâu thuẫn, khiến cha mẹ sầu héo…

Trong khi đó, khi cha mẹ mất đi, những người này lại cúng lễ long trọng, mâm cao cỗ đầy, đốt vàng mã vô tội vạ. Đây là sự suy đồi đạo đức, không hiểu đúng tinh thần báo ân báo hiếu của Đức Phật dạy. Trong kinh Phật dạy: "Dù cho vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ đi khắp thế gian này cũng không đền đáp được công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ…". Do đó, cách báo hiếu tốt nhất là chăm lo cha mẹ khi đấng sinh thành còn sống, ai còn cha xin đừng làm cha khổ, ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc.

Theo Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự – Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương, nếu cha mẹ còn sống thì không đợi phải đến ngày Tết, lễ Vu lan mới biếu tấm áo mới, mới dâng bát canh ngọt, hãy thường xuyên về bên cha mẹ, thăm hỏi, an ủi, động viên; hỏi thăm, săn sóc cha mẹ khi ốm đau. Còn báo hiếu với ông bà tiên tổ quá vãng, chúng ta làm nhiều việc thiện-chăm lo cho mọi người, làm chùa, tô tượng đúc chuông, làm cầu, bắc quán, cứu người đau khổ, giúp đỡ kẻ nghèo, thương trẻ mồ côi…

Mùa Vu lan báo hiếu: Ai còn cha xin đừng làm cha khổ, ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc - Ảnh 3.

Lễ Phật cầu bình an. Ảnh minh họa

Một mùa Vu lan nữa lại đang đến, mỗi người dường như đều dành cho mình một khoảng lặng để nghĩ về chữ hiếu và đau đáu báo hiếu cha mẹ. Nhưng đừng đợi tới ngày lễ mới tỏ lòng thành tâm kính hiếu cha mẹ, mà hãy biến mỗi ngày đang sống đều là một ngày lễ Vu lan, khi đó chúng ta mới thực sự hoàn thành trọn vẹn đạo hiếu làm con.

Lễ Vu lan năm nay diễn ra khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương bị giãn các xã hội, nhà nào phải ở nhà đó. Vì thế, nhiều người nếu không ở cùng cha mẹ thì không thể đến thăm hỏi, động viên, chăm sóc đấng sinh thành; không thể về quê hương khói tổ tiên; đi chùa lễ Phật cầu bình an…

Tuy nhiên, đạo Phật quan niệm rằng, Phật ở trong tâm, tâm mà có Phật thì ở đâu cũng có thể cầu Phật mong may mắn. Hương khói tưởng nhớ công ơn tổ tiên cũng có thể làm tại gia. Còn báo hiếu cha mẹ, chúng ta có thể thể hiện đạo hiếu với đấng sinh thành qua hình thức online, thường xuyên kết nối, hỏi thăm sức khỏe của cha mẹ. Đấy cũng là một liều thuốc tinh thần, bông hồng cài áo vô giá, giúp cha mẹ có thêm niềm vui và sống khỏe, hạnh phúc cùng con cháu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.