pnvnonline@phunuvietnam.vn
Muôn kiểu cơm tạo hình siêu ngộ nghĩnh, nhìn ngon mắt, em bé Đồng Nai ăn vèo trong 15 phút
Bản thân từng làm công việc thiết kế nên chị Lê Thị Ngọc Ánh (25 tuổi) ở Đồng Nai có rất nhiều trí tưởng tượng độc đáo. Giờ đây, khi tạm thời nghỉ việc để dành trọn thời gian cho con, chị dồn mọi tâm huyết vào các món ăn của em bé, từ những đồ ăn đơn giản đến các món mang hình thù ngộ nghĩnh. Em bé Mai Đức Duy (23 tháng tuổi) cũng vô cùng thích thú và hợp tác mỗi khi mẹ “chế” ra một món ăn nào đó.
Chị Lê Thị Ngọc Ánh và con trai là bé Mai Đức Duy (tên ở nhà là Bánh Mì sinh ngày 26/4/2018).
Chị Ánh đã vô cùng hồi hộp và lo âu cho giai đoạn ăn dặm của con trai là bé Duy. Chị cho bé ăn dặm lúc 5 tháng rưỡi nhưng trước đó rất lâu, chị đã tìm hiểu tài liệu, sách ăn dặm và tham gia vào các nhóm hội ăn dặm để học hỏi, trau dồi kiến thức.
Chị Ánh chia sẻ: "Sau khi tìm hiểu rất kĩ về các phương pháp, mình chọn cách kết hợp: ăn dặm kiểu Nhật (ADKN), ăn dặm truyền thống (ADTT) và ăn dặm tự chỉ huy (BLW).
Tháng đầu tiên thì mình cho bé ăn dặm kiểu Nhật để giúp bé cảm nhận được mùi vị của từng loại thức ăn, qua tháng sau thì mình chuyển sang ăn truyền thống kết hợp xen kẽ với ăn dặm tự chỉ huy. Ăn dặm truyền thống thì tiết kiệm được thời gian nấu nướng nhưng nếu ăn lâu ngày sẽ làm bé không cảm nhận được mùi vị của thức ăn, dễ dẫn tới chán ăn, biếng ăn và khả năng ăn thô sau này cũng kém hơn, vì thế mình kết hợp xen kẽ với BLW để bé phát triển các kỹ năng cầm nắm, nhai nhả được tốt hơn. Trộm vía bé nhà mình 9 tháng là đã ăn được cơm nát".
Bé Đức Duy của nhà chị cũng như rất nhiều những đứa trẻ khác, con cũng từng trải qua thời kỳ biếng ăn, mọc răng, khủng hoảng vì tâm sinh lý thay đổi, con chán ăn và có biểu hiện bất hợp tác, ngồi lên ghế là khóc, cứ ngậm không nuốt... Mặc dù rất buồn, stress nhưng hai mẹ con chị vẫn luôn kiên trì từng ngày để vượt qua tất cả.
"Mình luôn tôn trọng nhu cầu ăn uống của bé, nếu bé không ăn, mình cũng sẽ không ép bé ăn, để cho bé được thoải mái tâm lý, giúp bé cảm thấy việc ăn uống luôn là niềm vui. Nhờ sự kiên trì ấy, đến giờ mỗi bữa ăn với bé thực sự là niềm vui".
Nói về quy tắc và quan điểm nuôi con, mẹ Đồng Nai thẳng thắn bày tỏ: “Mình có quy tắc trong quá trình cho bé ăn dặm và có thể sẽ theo suốt bé từ khi bắt đầu ăn. Đó là khi ăn thì bé phải ngồi vào ghế ăn riêng, tuyệt đối không sử dụng điện thoại, tivi, máy tính bảng để dỗ ăn, không ép và không bế rong khi ăn. Mỗi bữa ăn của bé chỉ kéo dài 30 phút đổ lại. Nhờ đó mà bé sẽ tập trung hơn khi ăn, bé nhà mình thường mất 15 phút là xong 1 bữa cơm”.
Trong khi nhiều bà mẹ nấu ăn theo sở thích của con nhưng chị Ánh lại ít khi thực hiện điều đó. Chị chia sẻ, "Chi phí để làm những món ăn dặm cho bé không tốn kém. Vì bé sẽ ăn chung với thực đơn người lớn, mẹ sẽ mua đồ ăn cho cả nhà ăn, rồi chia ra 1 phần để nấu cho bé. Có điều khác biệt là, mẹ chỉ thay đổi cách nêm của bé khác với đồ ăn cho người lớn. Vì hệ tiêu hóa của bé chưa thực sự ổn định nên mình chưa cho con tiếp xúc quá nhiều muối hoặc gia vị mặn.
Mỗi ngày mình muốn con làm quen với từng món ăn mới, làm quen từng mùi vị mới trong các món ăn. Mẹ sẽ khéo léo nấu phối các món rau và thịt vào bữa cơm đó để bé cảm nhận được công dụng và độ ngon của đồ ăn. Con không hề kén ăn mà thường xuyên ăn hết những món mẹ nấu”.
Chia sẻ về cách chế biến các món ăn cho con hàng ngày, chị Ánh kể: "Khi chế biến các món ăn cho bé, mình luôn cố gắng cân bằng các nhóm chất dinh dưỡng (tinh bột, đạm, chất xơ, vitamin…). Đặc biệt, mẹ không dùng thêm bất kỳ gia vị đường mắm muối nào khác để nêm vào món ăn của con. Mặt khác, khi cho con ăn, độ mịn - thô của thức ăn cũng là điều mình quan tâm, vì nếu cho bé ăn mịn quá thì sau này khả năng ăn thô của bé sẽ không được tốt, vì thế mình luôn tăng độ thô của thức ăn theo từng giai đoạn của con".
Nhìn con ăn ngon miệng và hào hứng, chị Ánh như càng có thêm động lực để trổ tài được nhiều hơn các món vô cùng phong phú, chẳng hạn như cơm tạo hình con vịt, cơm tạo hình hươu cao cổ, con cừu...
Chị Ánh cũng cho biết, thời gian mẹ vào bếp tùy theo độ phức tạp của mỗi món. Những món đã được chuẩn bị nguyên liệu và công thức sẵn trước đó thì chị làm vô cùng nhanh, để em bé không phải ngồi với chiếc bụng đói meo chờ mẹ.
Thông thường, trước khi nấu một món ăn nào đó, chị sẽ lên kế hoạch trước 2 ngày. Với chị, khi làm đồ ăn cho con, khâu nào cũng đều quan trọng, từ việc lựa chọn thực phẩm đến chế biến, bài trí sao cho ngộ nghĩnh, bắt mắt lại ngon miệng cho em bé.
Nguyên liệu và cách làm một số món cơm ngộ nghĩnh
Món 1. Cơm tạo hình con vịt- chả tôm bọc sả- rau củ hấp
Cơm tạo hình con vịt
Nguyên liệu:
- ½ củ cà rốt gọt vỏ
- 50ml nước sôi
- 1 chén cơm đã chín
- Màng bọc thực phẩm
- Rong biển (mắt) cà chua (mỏ)
Cách làm
- Cho 50ml nước cà rốt vào xay nhuyễn rồi vắt lấy nước cốt.
- 1 chén cơm cho thêm 3 muỗng nước cốt cà rốt trộn đều rồi cho vào nồi cơm bật nấu lại 5 phút.
- Cho ra ngoài và bỏ cơm vào màng bọc thực phẩm tạo hình con vịt rồi thêm mắt, mỏ, bày ra đĩa cho bé là xong.
Chả tôm bọc sả
Nguyên liệu:
- 5 con tôm
- 2 cây sả
- 2 củ tỏi
-2 củ hành tím
-1 xíu tiêu
- ½ muỗng cà phê hạt nêm của bé
- ½ muỗng cà phê bột năng
- Bơ ghee hữu cơ cho bé ăn dặm
Cách làm:
- Tôm lột vỏ, bỏ chỉ, bằm nhỏ. Sả cắt ngắn phía dưới bằm nhỏ, hành tím và tỏi bằm nhỏ, thêm tiêu và bột năng vào trộn chung để 10-15 phút cho ngấm.
- Bọc tôm vào sả hấp chín.
- Bắc chảo lên cho bơ vào chiên sơ cho vàng chả, vớt ra lấy giấy thấm hết dầu là xong.
Món 2. Cơm tạo hình hươu cao cổ- thịt viên xá xíu- bông lơ, đậu bắp luộc
Cơm tạo hình hươu cao cổ
Nguyên liệu:
- 1 muỗng cà phê bột nghệ hữu cơ (có thể dùng nghệ tươi)
- 50ml nước sôi
- 1 chén cơm đã chín
- Màng bọc thực phẩm
- Rong biển
Cách làm:
- Cho 50ml nước bột nghệ trộn đều.
- 1 chén cơm cho thêm 3 muỗng nước nghệ trộn đều rồi cho vào nồi cơm bật nấu lại 5 phút.
- Cho ra ngoài và bỏ cơm vào màng bọc thực phẩm tạo hình hươu cao cổ, cắt rong biển thành mắt, miệng, tai và thân hươu rồi bày ra đĩa cho bé.
Thịt viên xá xíu
Nguyên liệu:
- 50gram thịt lợn
- 1 quả cà chua
- 2 củ hành tím
- Hành
- ½ muỗng cà phê hạt nêm
- 1 chút tiêu
- 2 muỗng cà phê dầu hoa cải
- ½ muỗng cà phê siro
Cách làm:
- Thịt sơ chế sạch rồi xay nhuyễn, thêm hành, hạt nêm, tiêu trộn đều ướp 15 phút tạo thành hình viên tròn.
- Cà chua cắt chữ thập dưới đáy quả rồi cho vào nồi nước sôi 1 phút vớt ra nước lạnh để nguội lột vỏ, bỏ hạt, rồi bằm nhuyễn cà chua.
- Cho dầu hoa cải vào chảo thêm hành tím, phi thơm rồi cho cà chua vào thêm 30ml nước sôi, thêm hạt nêm, siro, đảo đều sau đó cho thịt vào đậy vung để lửa nhỏ nhất, nấu riu riu 10 – 15 phút thêm hành ngò cắt nhỏ cho thơm.
Món 3: Cơm tạo hình con cừu- trứng chiên rau củ- khoai tây chiên- rau cải luộc
Cơm tạo hình con cừu
Nguyên liệu:
- 1 chén cơm đã chín
- Màng bọc thực phẩm
- Rong biển
- Phô mai tách muối Hàn (mắt)
Cách làm:
- Cho cơm vào màng bọc thực phẩm tạo hình cừu, cắt rong biển thành hình oval bọc cơm bên trong để tạo mặt cừu, thêm mắt và tai. Cắt thêm rong biển thành 4 chân rồi bày ra đĩa.
Trứng chiên rau củ
Nguyên liệu:
- 1 quả trứng gà ta
- Cà rốt, hành lá, hành tây (có thể thêm các loại rau củ bé thích ăn)
- ½ muỗng cà phê hạt nêm
- Nước tương tách muối
- Ít tiêu
- Dầu hoa cải
Cách làm:
- Rau củ cắt nhỏ thành hạt lựu.
- Trứng đập bỏ chén thêm hạt nêm, nước tương, tiêu đánh đều sau đó cho rau củ đã cắt nhỏ vào chiên chín đều 2 mặt.
Món 4: Cơm độn bông lơ- Chim cút khìa nước dừa
Nguyên liệu:
- 2 con chim cút
- Hành tím, tỏi
- Nước dừa xiêm
- Nước tương tách muối, hạt nêm của bé
Cách làm:
- Cút sơ chế sạch, cho hành tím, tỏi băm, nước tương, hạt nêm, ướp 30 phút.
- Bắc chảo chiên sơ cút.
- Phi thơm hành tím ở 1 nồi nhỏ cho nước dừa và phần nước ướp cút vào sôi bùng thì cho cút đã chiên vào rim đến khi cạn nước (Nhớ lật đều 2 mặt cho cút ngấm đều).
Món 5: Cơm chiên ngũ sắc
Nguyên liệu:
- 1 chén cơm trắng chín
- 2 con tôm
- Rau ( cà rốt, đậu ve, bắp, hành tây, đậu lăng xanh)
- 1 lòng đỏ trứng gà
- 1 củ hành tím
- ½ muỗng cà phê hạt nêm
- Dưa leo, cà chua (trang trí)
Cách làm:
- Rau củ sơ chế, thái hạt lựu (hấp chín trước, rồi mới thái hạt lựu).
- Cho dầu vào phi thơm hành tím và hành tây, khi hành thơm cho các loại rau củ và tôm đã chín vào đảo đều.
- Cơm trộn với lòng đỏ trứng gà, rồi đổ cơm lên hỗn hợp rau củ, đảo đều tay, đến khi cơm có mùi thơm, bề mặt cơm se lại là đã có 1 dĩa cơm chiên cho bé.
Món 6: Cơm tạo hình nhím- cá hồi sốt cam
Cơm tạo hình nhím
Nguyên liệu
- ½ củ dền
- 50ml nước sôi
- 1 chén cơm đã chín
- Màng bọc thực phẩm
- Rong biển
Cách làm:
- Củ dền bỏ vỏ, xay nhuyễn cùng 50ml nước sôi, vắt lấy nước cốt.
- 1 chén cơm cho thêm 3 - 5 muỗng nước củ dền trộn đều rồi cho vào nồi cơm bật nấu lại 5 phút.
- Cho ra ngoài và bỏ cơm vào màng bọc thực phẩm tạo hình đầu và chân nhím, cắt rong biển thành mắt. Phần cơm củ dền rải đều thành hình nhím là được.
Cá hồi sốt cam
Nguyên liệu:
- Cá hồi
- 1 quả cam úc (ngọt nước)
- ½ muỗng cà phê hạt nêm bé
- Nước tương tách muối
- 2 củ hành tím, 1 củ tỏi nhỏ
- Dầu hoa cải
Cách làm:
- Cá hồi rửa sạch với nước muối, ngâm với sữa tươi 30 phút sau đó thấm khô, chiên sơ đều các mặt..
- Cam vắt lấy nước.
- Cho dầu vào phi thơm hành tím, tỏi, rồi cho nước ép cam vào thêm hạt nêm, nước tương tách muối đảo đều. Cho cá hồi đã chiên sơ vào, nấu lửa nhỏ 5 phút là xong.