Naga Panchami, lễ hội tôn thờ rắn thiêng của tín đồ đạo Hindu

16/08/2021 12:00
Cho rắn uống sữa - một hành động tôn thờ rắn trong lễ hội Naga Panchami. Ảnh: Ravi Posavanike

Cho rắn uống sữa - một hành động tôn thờ rắn trong lễ hội Naga Panchami. Ảnh: Ravi Posavanike

Naga Panchami là lễ hội truyền thống thờ thần Nagas (thần rắn) của những người theo đạo Hindu ở Ấn Độ, Nepal và một số quốc gia khác trên thế giới.

Lễ hội Naga Panchami được bắt đầu vào ngày thứ 5 của tháng Kindu theo lịch Hindu (tương đương với tháng 7 hoặc tháng 8 hằng năm). Lễ hội Naga Panchami thu hút sự quan tâm của rất đông tín đồ Hindu và du khách mỗi năm. Đây cũng là dịp mà mọi người sẽ được tận mắt nhìn thấy và tiếp xúc với số lượng rắn nhiều nhất ở khu vực Nam Á, nhất là Ấn Độ.

Đến với lễ hội, rất nhiều người sẽ mang theo những con rắn lớn đi diễu hành quanh sự kiện. Xung quanh là đám đông tín đồ và tiếng trống, tiếng nhạc inh ỏi. Chính vì lẽ đó, những du khách yếu bóng vía hoặc sợ rắn chưa chắc đã dám tham gia lễ hội độc đáo này.

Naga Panchami, lễ hội tôn thờ rắn linh thiêng của tín đồ đạo Hindu - Ảnh 1.

Lễ hội Naga Panchami được bắt đầu vào ngày thứ 5 của tháng Kindu theo lịch Hindu (tương đương với tháng 7 hoặc tháng 8 hằng năm). Ảnh: IANS Photo

Trong những ngày diễn ra lễ hội Naga Panchami, các cô gái đã có chồng thường về thăm cha mẹ. Còn nông dân không ra đồng cày cấy trong ngày này. Vào ngày chính lễ, từng đoàn người thức dậy từ sáng sớm, dập dìu ra sông tắm rửa để "tẩy uế" trước khi tiến hành nghi thức tắm sữa cho rắn. Trong khi đó, nhiệm vụ của những người luyện rắn là đi đến từng nhà chúc phúc cho dân làng, đồng thời đây cũng là dịp mọi người được chiêm ngưỡng thần rắn.

Là một trong những nghi thức quan trọng của lễ hội, thần Naga làm bằng bạc, đá, gỗ… sẽ được tắm bằng sữa trong sự tôn kính của các tín đồ Hindu. Trong quá trình thực hiện nghi lễ, họ cầu khấn những điều tốt lành sẽ đến cho bản thân cũng như cho gia đình của mình. Những chú rắn sống, nhất là rắn hổ mang, cũng được thờ cúng trong dịp này.

Naga Panchami, lễ hội tôn thờ rắn linh thiêng của tín đồ đạo Hindu - Ảnh 2.

Naga Panchami là một trong những lễ hội cổ xưa và quan trọng nhất trong năm đối với đời sống tôn giáo của các tín đồ Hindu. Ảnh: IANS Photo

Trẻ em sẽ ngồi trong các đền thờ ở Allahabad và nhiều thành phố khác, trên cổ là những con rắn lớn quấn quanh. Với các tín đồ Hindu, những người vốn tôn sùng loài rắn, đó là những con vật linh thiêng và họ đang được thần rắn ban phước lành. Do đó, không ai cảm thấy sợ hãi trong quá trình tiếp xúc với loài bò sát này.

Theo quan niệm của đạo Hindu, nhìn thấy rắn hổ mang là một điều may mắn và dấu hiệu cho thấy tương lai hạnh phúc, ăm ắp tiền tài. Họ cũng cho rằng, những ai được hôn những chú rắn trong dịp lễ hội sẽ được may mắn cả năm.

Hằng năm, có tới hơn 800.000 người luyện rắn và các hậu duệ tới tham gia vào các lễ hội Naga Panchami tại nhiều nơi ở khu vực Nam Á. Hoạt động tôn vinh rắn này đang vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ Tổ chức Bảo vệ Quyền lợi Động vật Quốc tế (PETA). Những thành viên trong đơn vị này chỉ trích việc dùng rắn sống, nuôi nhốt chúng trong những chiếc túi ngột ngạt và buộc chúng phải uống sữa là hành động tàn nhẫn.

Naga Panchami, lễ hội tôn thờ rắn linh thiêng của tín đồ đạo Hindu - Ảnh 3.

Các tín đồ Hindu cho rằng, những ai được hôn những chú rắn trong dịp lễ hội sẽ được may mắn cả năm. Ảnh: Ravi Posavanike

PETA cũng kêu gọi Ấn Độ, Nepal và một số quốc gia khác nên hủy bỏ lễ hội hoặc dùng rắn giả thay thế rắn sống để giảm thiểu số lượng rắn bị săn bắt, giết hại hoặc số người bị rắn cắn trong các lễ hội. Tuy nhiên, điều này không nhận được sự hưởng ứng từ những tín đồ Hindu.

Naga Panchami là một trong những lễ hội cổ xưa và quan trọng nhất trong năm đối với đời sống tôn giáo của các tín đồ Hindu và họ không muốn thay đổi bất kỳ điều gì khi tổ chức sự kiện này.

Nguồn: zeenews.india.com

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.