Năm mới - Ước vọng an toàn cho phụ nữ và trẻ em

05/02/2019 - 09:15
Hội LHPN Việt Nam đã lấy chủ đề cho hoạt động của các cấp Hội năm 2019 là "An toàn cho phụ nữ và trẻ em". Nhân dịp đầu xuân Kỷ Hợi 2019, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đã có bài viết xung quanh chủ đề này. Báo PNVN xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Nhà tâm lý học người Mỹ Abraham Maslow (1908-1970) cho rằng an toàn là nhu cầu cơ bản của con người thể hiện cảm giác yên tâm về thân thể, việc làm, gia đình, sức khỏe, tài sản được đảm bảo...

Theo ông, an ninh và an toàn có nghĩa là một môi trường không nguy hiểm, có lợi cho sự phát triển liên tục và lành mạnh của con người, trong đó an toàn sinh mạng là nhu cầu cơ bản nhất, là tiền đề cho các nội dung khác như an toàn lao động, an toàn môi trường, an toàn nghề nghiệp, an toàn kinh tế, an toàn chỗ ở và đi lại, an toàn tâm lý... Nhu cầu an toàn nếu không được đảm bảo thì mọi hoạt động sống khác sẽ không thể diễn ra bình thường và các nhu cầu khác sẽ không thực hiện được.

chu-tich-nguyen-thi-thu-ha.jpg
Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại phiên thảo luận ngày 27/10/2018

 

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2016 - 2020, trong đó khẳng định “tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người” là một trong những nhiệm vụ phải tập trung chỉ đạo thực hiện. Từ phân tích những mô hình phát triển trên thế giới, khuyến nghị các giải pháp lớn để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội ở nước ta, các chuyên gia lý luận đã chỉ rõ: Phải hướng tới sự phát triển bền vững gắn với việc bảo đảm an sinh xã hội, trong đó buộc phải tính đến “các chính sách bảo đảm an ninh, an toàn cuộc sống: Phòng, chống và hạn chế thiệt hại do các rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu; ngăn ngừa và chủ động xóa bỏ các loại tội phạm; hỗ trợ những người dễ bị tổn thương; đề cao phẩm giá, sự chân thành, tín nghĩa, xây dựng đời sống xã hội văn minh” (1).

 

Quyền sống, quyền được bảo đảm an toàn, bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm... là những quyền cơ bản của con người được quy định tại Hiến pháp 2013, Bộ luật Dân sự 2015.

 

Mục tiêu phát triển bền vững đến 2030 của Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh đến vấn đề an ninh, an toàn trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo, môi trường sống, trong đó đặc biệt quan tâm đến phụ nữ, trẻ em gái, người cao tuổi, người khuyết tật.

      

Thực hiện quan điểm, chủ trương trên, trong thời gian qua, cùng với sự ổn định về chính trị, phát triển mạnh mẽ về kinh tế-xã hội, các vấn đề an sinh xã hội, bảo vệ môi trường đã được quan tâm và đạt được kết quả tích cực. Nhiều chính sách xã hội vì hạnh phúc con người được ban hành đã tạo động lực to lớn, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân, thể hiện rõ bản chất, tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo đảm nâng cao đời sống vật chất của mọi thành viên trong xã hội về ăn, ở, đi lại, học tập, nghỉ ngơi, chữa bệnh và nâng cao thể chất. Nhận thức của nhân dân về tự bảo đảm an sinh xã hội, các vấn đề an ninh, an toàn tốt hơn. Nhờ vậy, Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.

 

Tuy nhiên, quá trình phát triển đất nước hiện nay cũng đang đặt ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của con người, trong đó có phụ nữ, trẻ em. So với nam giới, phụ nữ có những đặc điểm rất riêng về sinh học, về sự phân công lao động xã hội, có thiên chức cao quý trong việc tái tạo ra con người, duy trì và phát triển giống nòi nên nhu cầu an toàn đối với phụ nữ càng cấp thiết và đặc biệt quan trọng. Phụ nữ cần an toàn về thân thể, cần được sống, làm việc trong một môi trường an toàn, được bảo vệ về sức khỏe thể chất và tinh thần để cống hiến và phát triển toàn diện. Trẻ em càng cần được chăm sóc, nuôi dưỡng; được bảo vệ để không bị bạo lực, xâm hại, không bị bóc lột sức lao động; không bị bỏ rơi, bị mua bán, bắt cóc...

dsc07963.jpg
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà tặng quà học sinh nghèo trường Tiểu học Bạch Đằng, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, tháng 8/2018

 

Thực tế cho thấy, khi an toàn cho con người không được đảm bảo sẽ là yếu tố tiềm ẩn gây bất lợi xã hội, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

 

Trong khi đó, hiện nay, nhiều vấn đề xã hội đặt ra ảnh hưởng đến sự an toàn cho phụ nữ và trẻ em như: Bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục, buôn bán phụ nữ, trẻ em, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, cháy nổ, thiên tai, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường mạng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm...

 

Đơn cử, trong 5 năm từ 2012-2016, cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước, trong đó, số vụ xâm hại tình dục chiếm tới 65% với mức độ ngày càng nghiêm trọng (2). Tình trạng đuối nước cũng đang là vấn nạn khi mỗi năm cướp đi hàng ngàn sinh mạng trẻ em, khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu có tỉ lệ trẻ em tử vong do đuối nước, cao nhất khu vực Đông Nam Á và gấp 8 lần các nước phát triển (3).

 

Mất an toàn thực phẩm đang là mối lo của các gia đình và toàn xã hội, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe các thành viên trong gia đình. Sức khỏe sinh sản vị thành niên và mang thai ở tuổi vị thành niên, đặc biệt là tình trạng quan hệ tình dục, phá thai không an toàn còn nhiều vấn đề nhức nhối. Tình trạng bạo lực gia đình mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em vẫn diễn biến phức tạp.

 

Trước thực trạng trên, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã thực hiện nhiều hoạt động như tổ chức tập huấn, truyền thông nâng cao nhận thức, kiến thức của cán bộ, hội viên về công tác bảo vệ quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em; phát hiện, tiếp nhận, tham gia giải quyết và hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp; xây dựng các mô hình hỗ trợ phụ nữ, trẻ em; giám sát và phản biện xã hội góp phần hoàn thiện pháp luật về bảo vệ phụ nữ và trẻ em.

 

 Để tiếp tục phát huy vai trò của phụ nữ và các cấp Hội, đồng thời vận động sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác bảo đảm an toàn cho phụ nữ và trẻ em, Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã quyết định chọn chủ đề hoạt động năm 2019 là “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Đây sẽ là nội dung hoạt động xuyên suốt của các cấp Hội trong thời gian tới. Các hoạt động hỗ trợ của Hội sẽ hướng tới việc trang bị kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là ý thức, khả năng tự bảo vệ chính mình của phụ nữ và trẻ em. Tùy tình hình thực tế, Hội Phụ nữ các cấp chủ động xác định vấn đề của địa phương, đơn vị để lựa chọn nội dung phù hợp, xây dựng kế hoạch và triển khai đảm bảo hiệu quả thiết thực, góp phần tạo môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

 

Tết đến xuân về, ai cũng ước vọng một năm mới bình an, hạnh phúc. Hãy bắt đầu hành động ngay từ hôm nay để mang lại sự an toàn cho mọi người, cho mọi nhà, cho phụ nữ, trẻ em bằng kỷ cương, ý thức, trách nhiệm và bằng trái tim của tất cả chúng ta!

(1)- Tài liệu tham khảo phục vụ nghiên cứu văn kiện Đại hội Đảng XII do Ban Tuyên giáo Trung ương phát hành năm 2016, trang 291.

 (2)- Báo cáo của Bộ LĐTBXH tại cuộc họp ngày 27/3/2017, của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về “Việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em”.

(3)- Theo thống kê của Bộ LĐTB &XH - Trang Thông tin điện tử Bộ LĐTB &XH, ngày 4/1/2017.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm