Nan giải việc dạy và học trực tuyến với học sinh vùng sâu, biên giới

09/09/2021 09:28
Một học sinh vùng cao tìm đến nơi có mạng internet để học trực tuyến. Ảnh minh họa: Quỳnh Nguyễn

Một học sinh vùng cao tìm đến nơi có mạng internet để học trực tuyến. Ảnh minh họa: Quỳnh Nguyễn

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, với phương châm “Dừng đến trường, không ngừng việc học”, các trường, địa phương tại Nghệ An đang triển khai nhiều giải pháp giúp việc dạy và học diễn ra thuận lợi, trong đó có triển khai dạy học trực tuyến với học sinh vùng sâu, biên giới.

Bất cập với học sinh miền núi

Việc dạy học trực tuyến trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp không chỉ là mối quan tâm của ngành giáo dục, các thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh mà các địa phương cũng rất quan tâm, đặc biệt là khu vực miền núi.

Em Xòng Bá Y, học sinh lớp 8, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú – THCS Tam Hợp, xã biên giới Tam Hợp, huyện Tương Dương (Nghệ An) cho biết: "Trường em chưa thấy triển khai học trực tuyến, nhưng nếu học như thế chắc em cũng không theo được vì nhà em không đủ điều kiện. Máy tính em không có, còn điện thoại, thiết bị thông minh cũng không có. Em mong muốn dịch qua nhanh để được đi học trở lại".

Chị Pịt Thị Thỏa, phụ huynh em Pịt Thị Mơ, học sinh lớp 6, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú – THCS Tam Hợp, xãTam Hợp, chia sẻ: "Ở bản chúng tôi không có internet, cũng chẳng có điện thoại hay máy tính để cho con học. Nếu như nhà trường tổ chức học trực tuyến thì không chỉ có con cái chúng tôi mà rất nhiều hộ gia đình trong bản đều không thể cho con theo học được".

Nan giải việc dạy học trực tuyến với học sinh vùng sâu, biên giới - Ảnh 1.

Ông Lê Hồng Thái - Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp, huyện Tương Dương cho rằng, việc học trực tuyến đối với học sinh của địa phương là vô cùng khó khăn nan giải

Ông Lê Hồng Thái - Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp, huyện Tương Dương cho biết, hiện xã Tam Hợp có 100% đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống bà con gặp nhiều khó khăn. Việc học trực tuyến đối với học sinh của địa phương là vô cùng bất cập và khó khăn, nan giải bởi cuộc sống thường ngày chưa đảm bảo thì việc học trực tuyến đối với các cháu học sinh là điều vô cùng xa xỉ.

"Hàng ngày, người dân các bản đều phải lo cái ăn, cái mặc. Toàn xã có 5 thôn bản thì có tới 3 thôn bản chưa có mạng internet, 2 thôn bản còn lại có mạng internet thì mạng yếu hoặc không có sóng. Bên cạnh đó, phụ huynh và học sinh quanh năm lam lũ trên nương rẫy, làm gì có điều kiện để mua máy tính, điện thoại thông minh. Đó là chưa nói đến việc năng lực sử dụng công nghệ thông tin của họ đều hạn chế bởi chưa từng được tiếp cận thì làm sao học được online", ông Thái trăn trở.

Tại huyện miền núi Thanh Chương (Nghệ An) cũng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Thầy Đậu Đình Đức, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Tiến, xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) cho rằng, việc học trực tuyến hay học qua truyền hình cho học sinh ở xã vùng 3 đặc biệt khó khăn này là không khả thi. Bởi xã Ngọc Lâm là địa bàn còn nhiều khó khăn, khoảng 70% học sinh là con em các gia đình thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Ý thức của người dân với việc học của các con còn hạn chế, tất cả đều gửi gắm hết cho thầy cô giáo nên việc triển khai học trực tuyến với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số là hết sức khó khăn.

Nan giải việc dạy và học trực tuyến với học sinh vùng sâu, biên giới - Ảnh 2.

Cô giáo vùng cao đến tận nhà phát phiếu bài tập cho học sinh. Ảnh: Bảo Trung

Hỗ trợ giáo viên và học sinh gặp khó khăn khi học trực tuyến

Trao đổi với PNVN, ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng, việc dạy học trực tuyến là tùy điều kiện cụ thể của từng đơn vị, phụ huynh và học sinh từng lớp, hiệu trưởng nhà trường chủ động, linh hoạt sử dụng nhiều giải pháp, hình thức tổ chức dạy học như: Trực tuyến, trực tuyến kết hợp với trực tiếp, hay các giải pháp khác như giao bài trực tiếp, phiếu giao bài, qua zalo, messenger...

"Trong thời gian này, vừa dạy học vừa tiến hành kiểm tra, rà soát, chuẩn bị, bổ sung các điều kiện cần thiết đảm bảo cho dạy học trên hệ thống LMS. Từ ngày 7/10/2021 trở đi, việc dạy học trực tuyến phải được triển khai đồng bộ trong tất cả các cơ sở giáo dục trên hệ thống LMS", ông Thành cho biết thêm.

Theo ông Thành, Sở cũng đã yêu cầu các cơ sở giáo dục rà soát, nắm bắt điều kiện, hoàn cảnh của từng học sinh, có phương án kịp thời hỗ trợ cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn không đủ thiết bị, không có khả năng tham gia học trực tuyến.

"Các cơ sở giáo dục thống kê cụ thể danh sách từng học sinh không đủ thiết bị và các điều kiện khác để học trực tuyến, từ đó có phương án hỗ trợ phù hợp. Bố trí cán bộ có trình độ, kinh nghiệm dạy học trực tuyến hỗ trợ các trường, giáo viên gặp khó khăn khi triển khai dạy học trực tuyến trên hệ thống LMS", ông Thành nói.

Phụ huynh trở thành "trợ giảng" đắc lực khi học trực tuyến

Để việc dạy học trực tuyến bảo đảm chất lượng và hiệu quả, cô Lê Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Sơn (huyện Thanh Chương) cho biết, trường đã xây dựng thời khóa biểu để tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh khoa học, vừa sức, không gây căng thẳng cho học sinh.

Nan giải việc dạy học trực tuyến với học sinh vùng sâu, biên giới - Ảnh 2.

Việc dạy học trực tuyến là phương án tối ưu nhất trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Ảnh: KH

Cô Hạnh cũng yêu cầu giáo viên trong trường cập nhật hàng ngày số lượng và tình hình học tập của từng lớp, hỗ trợ học sinh tham gia học trực tuyến, thường xuyên có biện pháp kiểm tra, đánh giá để kịp thời điều chỉnh phương pháp tổ chức dạy học. Việc học trực tuyến được thực hiện nghiêm túc, có nề nếp ngay trong những tiết học đầu tiên sau ngày lễ khai giảng.

"Riêng với học sinh lớp 1, đây là năm học đầu tiên các em học chương trình mới, sách giáo khoa mới. Để việc dạy học trực tuyến đạt hiệu quả, không gây căng thẳng cho học sinh, trường cũng đã thực hiện dạy học theo khung giờ học buổi tối từ 17h-21h để phụ huynh có thể hỗ trợ tối đa cho việc học của con", cô Hạnh cho biết thêm.

Ông Trình Văn Nhã, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: "Nếu giáo viên có sự phối hợp chặt chẽ của phụ huynh thì các con sẽ từng bước làm quen dần. Lớp 1, 2 ưu tiên kiến thức cơ bản môn Toán, tiếng Việt. Nhiều phụ huynh sẽ trở thành "trợ giảng" đắc lực và như vậy sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giai đoạn này cần phải chặt chẽ hơn".

"Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay của các cháu học sinh là dụng cụ học tập như: Máy tính, điện thoại thông minh, mạng Internet… bởi không phải gia đình nào cũng có thể đủ điều kiện kinh tế đáp ứng được. Vì vậy, Sở GD&ĐT cũng như Phòng GD&ĐT cần chỉ đạo khảo sát, yêu cầu hiệu trưởng các trường tổng hợp chính xác, khách quan để có lựa chọn hình thức dạy học phù hợp", ông Nhã nêu quan điểm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.