Nghỉ hè, thấy 2 con gái suốt ngày ở nhà ôm ipad, dán mắt xem youtube, chị Hường quyết định gửi con về nhà ông bà ngoại ở Lý Nhân (Hà Nam). Chị Hường hy vọng, với không gian thoáng đãng ở quê, con có thể bay nhảy, nô đùa, nghịch ngợm với anh chị em họ hàng ở quê. Vì thế mà con sẽ giảm bớt được thời gian sử dụng công nghệ.
Thế nhưng, mong ước con được vận động ở quê trong dịp hè không thành hiện thực. Bởi, từ hôm về quê, hai con gái chị Hường cả ngày nhốt mình trong phòng máy lạnh và dán mắt vào chiếc smartphone của ông bà. Ngày nào cũng thế, 2 cô con gái không có nhu cầu đi ra ngoài, không có nhu cầu chơi với ai dù thỉnh thoảng anh chị em họ sang rủ ra nhà văn hóa chơi, rủ đi tắm sông. Các con dán mắt vào các trò chơi trên điện thoại tối ngày đến mức mà ăn uống ông bà cũng mang vào tận phòng. Chị Hường góp ý với bố mẹ thì ông bà bênh vực: Chúng nó học hành vất vả cả năm, nghỉ hè cho chúng nó vui chơi thoải mái một chút thì có sao!
Chị Hường khá bực vì các con mất hết nếp sinh hoạt hàng ngày. Bình thường, ở nhà, cô con gái lớp 8 của chị đã phải giúp mẹ làm mọi công việc nhà, từ nấu ăn, rửa bát, dọn dẹp nhà cửa… Giờ về nhà ông bà, cô con gái “quên” hết mọi việc, ung dung ngồi hưởng thụ để ông bà phục vụ. Chị Hường lo rằng, với sự chiều chuộng quá mức của ông bà, cô con gái sẽ quen thói ỉ lại, đánh mất thói quen làm việc nhà mà chị đã rèn rũa từ rất lâu.
Tương tự, gửi cậu con trai lớp 8 về nghỉ hè nhà bà nội ở Thanh Hóa, chị Nguyễn Thúy Mai (Q.Hà Đông, Hà Nội) rất lo vì trong vòng 1 tháng con tăng vọt 5 kg. Nếu con gầy, con có cân nặng bình thường thì việc tăng cân còn khiến chị mừng. Đằng này, con đang ở mức béo phì 80kg. Suốt bao nhiêu năm nay, chị đã phải cố gắng tiết chế việc ăn uống của con để con không tăng cân quá nhanh. Dù đã dặn đi dặn lại bà nội rằng, hạn chế cho cháu ăn uống, vậy mà con trai vẫn tăng cân không kiểm soát.
Trong khi đó, ở quê, bà nội thấy cháu ăn gì cũng ngon miệng thì “tống lấy tống để” cho cháu ăn. Thậm chí, bà còn chịu khó tăng bữa phụ, bữa ăn đêm, bữa chính thì chịu khó nấu hết món nọ đến món kia. Nhìn thằng cháu “đích tôn” ăn lấy ăn để, bà tự hào nói với họ hàng: Khổ thân thằng bé, ở nhà cứ phải “bóp mồm bóp miệng”, thèm khát mà không được ăn. Chỉ có về với bà là sướng! Thấy con tăng cân nhanh như vậy thì chị Mai ngán ngẩm mang cậu con trai ục ịch ra Hà Nội dù mẹ chồng tỏ rõ ý không hài lòng. Để ép cân lại cho con trong thời gian tới thực sự sẽ là “cuộc chiến” với con khi dạ dày của con đã quen với việc chứa một lượng thức ăn nhiều trong suốt 1 tháng vừa qua.
Chị Đặng Hoài Thu (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cũng phải “đấu tranh” với mẹ chồng rất nhiều khi chiều nào bà cũng cho cháu ra sông tắm. Thế nhưng, mẹ chồng chị rất chủ quan khi cho rằng, các cháu đều biết bơi, hơn nữa, có bà đứng trên bờ quản lý thì “không có gì mà lo”. Nghe các vụ đuối nước xảy ra liên tục mà trong đó nhiều nạn nhân biết bơi, chị Thu thấp thỏm không yên. Không phải mẹ chồng chị “điếc không sợ súng” nhưng bà quá chiều các cháu, lại chủ quan vì “bao nhiêu năm nay có ai bị đuối nước ở khúc sông này đâu” nên ngày ngày vẫn cho các cháu đi tắm sông. Không nói được mẹ chồng, chị Thu tìm lớp học thêm cho các con để có cớ mang các con lên Hà Nội đi học.
Các cha mẹ đều mong muốn con có một tuổi thơ tươi đẹp ở quê. Giá như, ông bà không quá chiều chuộng, cung phụng, đáp ứng mọi yêu cầu của các cháu thì cha mẹ sẽ cảm thấy yên tâm, thoải mái hơn khi gửi con về quê nghỉ hè!