Nâng cao giá trị dược liệu vùng Tây Nguyên

An Khê - Ảnh: NVCC
08/07/2021 - 11:50
Nâng cao giá trị dược liệu vùng Tây Nguyên

Chị Lương Thị Mỹ Huệ - Giám đốc Công ty TNHH Tây Nguyên

Với mong muốn xây dựng đặc sản đặc trưng cho tỉnh Kon Tum nói chung và Huyện Đăk Tô nói riêng từ việc trồng, chế biến, nâng cao giá trị các loại cây dược liệu, chị Lương Thị Mỹ Huệ (sinh năm 1982) đã bắt tay vào nghiên cứu và tạo ra những sản phẩm dược liệu tây nguyên từ vùng đất mẹ.

Cuộc hành trình đi tìm vùng nguyên liệu

Chị Lương Thị Mỹ Huệ sinh ra và lớn lên tại Tam Kỳ - Quảng Nam, Sau khi tốt nghiệp đại học, chị công tác tại huyện ủy Đăk Tô, tỉnh Kon Tum. Trong quá trình làm việc công chức, chị luôn ấp ủ kế hoạch khởi nghiệp với những sản vật từ quê nhà.

Chia sẻ về những ấp ủ này, chị Huệ cho biết, nhờ có dãy núi Ngọc Linh mà Kon Tum có nguồn dược liệu phong phú, chất lượng cao với 853 loài thực vật có khả năng sử dụng làm thuốc, nổi bật như sâm Ngọc Linh, sâm dây, đương quy, sa nhân tím... Tuy nhiên, dược liệu đa phần được khai thác từ tự nhiên hoặc trồng tự phát, chủ yếu bán thô chứ chưa được chú trọng vào chế biến, xây dựng thương hiệu, chưa phát triển được kinh tế tương xứng với tiềm năng.

Nâng cao giá trị dược liệu vùng Tây Nguyên - Ảnh 1.

Chị Huệ mong muốn xây dựng đặc sản đặc trưng cho tỉnh Kon Tum

Ngoài ra, ở Kon Tum đồng bào dân tộc thiểu số sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp với tập quán đốt nương làm rẫy, khai thác lâm sản, phụ nữ là chủ hộ và là lao động chính với nguồn thu từ cây lúa, cây mỳ… do đó cuộc sống còn nhiều khăn.

Trong thời gian làm công chức, chị Huệ có cơ hội tiếp cận việc phát triển việc kinh doanh dược liệu từ gia đình và nhận thấy tiềm năng lớn của các dược liệu quý của Kon Tum. Từ đó chị đã ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp của mình với mong muốn xây dựng đặc sản đặc trưng cho tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Đăk Tô nói riêng từ việc trồng, chế biến để nâng cao giá trị các loài dược liệu, qua đó, tạo công ăn việc làm, giúp các chị em đồng bào thiểu số phát triển kinh tế bền vững, giảm đốt nương làm rẫy và phụ thuộc vào rừng.

Nâng cao giá trị dược liệu vùng Tây Nguyên - Ảnh 2.

Sản phẩm của công ty được người tiêu dùng đón nhận

Đầu năm 2019 sau khi nghỉ việc nhà nước, chị Huệ đã đi thực tế tại Đồng Nai, Vĩnh Long, Tây Ninh,… tìm hiểu thuần hóa khổ qua rừng để trồng tại Đăk Tô. Từ một hộ dân trồng thử nghiệm 3 sào ban đầu chị đã phát triển mở rộng vùng nguyên liệu, đến nay đã có khoảng 15 hộ tham gia trồng với diện tích hơn 10ha. Tiếp đó, chị Huệ kết hợp phụ nữ địa phương phát triển thành công gần 4ha sâm dây Ngọc Linh tại thôn Đăk Sanh, Xã Văn Lem, Huyện Đăk Tô. Đây là một đột phá quan trọng bởi từ trước đến nay sâm dây Ngọc Linh chủ yếu tập trung ở 2 huyện Tumơrông và Đăk Lây chứ chưa được trồng thành công tại Đăk Tô.

"Chúng tôi ký hợp đồng và bao tiêu toàn bộ sản phẩm của người nông dân với giá ổn định bao gồm quả và đọt non khổ qua rừng, củ và lá sâm dây. Nhờ có nguồn nguyên liệu ổn định, chúng tôi mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị để sản xuất ra các sản phẩm đặc sản chất lượng của Kon Tum", chị Huệ cho biết.

Vượt qua khó khăn thời đại dịch

Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên được chị Lương Thị Mỹ Huệ đứng ra thành lập trong bối cảnh đại dịch với nhiều khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn đầu thuyết phục bà con tham gia liên kết trồng nguyên liệu.

Chị Huệ cho biết: "Đối với trái khổ qua rừng, chúng tôi đã tiếp xúc và vận động gần 20 hộ mới có 1 hộ dân nhận trồng thử vì mọi người đều sợ trồng thất bại, năng xuất không đạt, trồng ra không mua… Ngoài ra, một trong nhưng khó khăn nữa là vấn đề tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để có nguồn lực phát triển kinh doanh vì doanh nghiệp còn mới, còn nhiều khó khăn".

Nâng cao giá trị dược liệu vùng Tây Nguyên - Ảnh 3.

Từng bước vượt qua khó khăn, chị Huệ đã đưa công ty đi lên và tạo việc làm ổn định cho nhiều hộ gia đình

Một trong những động viên lớn nhất của công ty trong quá trình khởi nghiệp là luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền từ huyện đến tỉnh. Công ty đã nhận được nhiều hỗ trợ, tạo điều kiện của tỉnh như sử dụng sản phẩm làm quà tặng, sử dụng trong các dịp đặc biệt, hỗ trợ tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại…

Tự hào về các sản phẩm sinh ra từ trong những khó khăn của đại dịch, chị Huệ cho biết, trà khổ qua rừng DATO của công ty là loại trà được làm từ 95% đọt non khổ qua rừng, phần đắng và nhiều dược tính nhất của cây khổ qua. Trà được làm tự nhiên, không qua quá trình nấu cao, không sử dụng hương liệu, chất bảo quản do đó an toàn và giữ được phần lớn dược tính với nhiều công dụng hỗ trợ bảo vệ sức khỏe. Trà sâm dây Ngọc Linh cũng là sản phẩm được nhiều người tin dùng khi làm từ 95% sâm dây, không trải qua quá trình nấu cao nên giữ được phần lớn dược tính của sâm dây. Trà sâm dây Ngọc Linh DATO là sản phẩm OCOP 3 sao và là đặc sản được nhiều khách du lịch chọn mua khi đến Kon Tum.

Nâng cao giá trị dược liệu vùng Tây Nguyên - Ảnh 4.

Chị Huệ (bên phải) thăm vườn sâm dây cùng chị em đồng bào

Chia sẻ về những khó khăn do dịch Covid-19, chị Huệ cũng cho biết, dịch bệnh ảnh hưởng đến hầu hết các doanh nghiệp tuy nhiên đối với doanh nghiệp vừa mới khởi nghiệp thì dịch bệnh ảnh hưởng khá nặng nề. Du lịch gần như đóng băng do đó kênh bán hàng là các cửa hàng đặc sản, nhà hàng, trạm dừng chân sản lượng bán giảm rất nhiều. Ngoài ra, đây là giai đoạn công ty cần nổ lực để tăng cường xúc tiến thương mại, tiếp cận khách hàng, tuy nhiên việc cấm các hoạt động tổ chức đông người để phòng dịch khiến cho các động này không thể thực hiện được.

Kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế sau đại dịch, chị Huệ cho biết kế hoạch trong thời gian tới, công ty sẽ tiến hành xây dựng vùng nguyên liệu sâm dây Ngọc Linh, khổ qua rừng đạt tiêu chuẩn GACP (Thực hành tốt trồng trọt và thu hái), xây dựng nhà xưởng đạt tiêu chuẩn ISO 22000, tiếp tục cải tiến bao bì cho các sản phẩm hiện tại để định hướng đến việc xuất khẩu trong năm 2022-2023.

Nâng cao giá trị dược liệu vùng Tây Nguyên - Ảnh 5.

Chị Huệ cho biết, mặc dù dịch bệnh nhưng doanh thu năm 2020 đã tăng gấp đôi 2019

Chị Huệ chia sẻ: Một trong những điều chị tâm đắc và thấy có ý nghĩa nhất trong hành trình của mình đi là giúp đc một số chị em đồng bào dân tộc thiểu số có công ăn việc làm, tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo. Sắp tới, trong quá trình mở rộng vùng nguyên liệu chị sẽ tiếp tục ưu tiên các hộ gia đình chị em phụ nữ đồng bào xê đăng bản địa, vì khi giúp được chị em thoát nghèo, đằng sau đó là 1 gia đình thoát nghèo và con trẻ được đến trường, được sống đầy đủ hơn... Chị muốn hành trình của Thảo dược Tây Nguyên đi là một con đường nhân văn, ý nghĩa, thực sự đồng hành cùng bà con tại chỗ, có vậy mới thực sự đem lại giá trị lâu dài và bền vững.

Ngoài ra, công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển các sản phẩm từ sâm dây Ngọc Linh và các dược liệu vùng Ngọc Linh để giới thiệu đến khách hàng trong thời gian tới. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh kênh siêu thị và bán hàng online để thích ứng với tình hình dịch Covid-19 hiện nay.

Với những nỗ lực đưa doanh nghiệp vượt bão, hiện nay sản phẩm của Dược liệu tây nguyên Kon Tum đã có lợi thế vùng miền và có thế mạnh tại hệ thống siêu thị lớn như Co.opmart, AEON... Chị Huệ cho biết, mặc dù dịch bệnh nhưng doanh thu năm 2020 đã tăng gấp đôi 2019. Công ty hiện đang tạo việc làm cho 6 lao động trực tiếp có ký hợp đồng và 8 lao động thời vụ với mức lương trung bình hơn 4 triệu đồng/tháng, 100% lao động là nữ giới, tạo thu nhập cho hơn 40 hộ gia đình chị em phụ nữ đồng bào thiểu số vùng trồng nguyên liệu.

Chị Lương Thị Mỹ Huệ - Giám đốc Công ty TNHH thảo dược Tây Nguyên;

Địa chỉ: 298 Hùng Vương, Thị Trấn Đăk Tô, Huyện Đăk Tô, Tỉnh Kon Tum.

Điện thoại: 0985.797.368;

Email: luonghue0605@gmail.com;

Website: https://thaoduoctaynguyen.vn/

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm