'Nàng tiên bồ hóng' ở Đức

11/09/2015 - 12:28
Tại nhiều nơi trên thế giới, thợ nạo ống khói được coi là những người mang lại may mắn. Ở Đức, những cô gái nạo ống khói được gọi với cái tên dễ thương: 'Nàng tiên bồ hóng'.
Không ngại bẩn, không sợ… nhện
"Trong nghề của tôi, người ta không thể để thời tiết xấu làm ảnh hưởng đến công việc", Katja Panner, một cô gái ở Munich, khẳng định. Chính vì thế, cô leo lên mái nhà ngay cả khi trời mưa tầm tã. Theo Katja, phụ nữ muốn trụ được trong nghề nạo ống khói phải giỏi hơn nam giới.
Cô gái 28 tuổi này theo nghề của bố. Ông có một xí nghiệp nạo ống khói và đã cho cô con gái rượu vào học nghề, năm Katja mới 16 tuổi. "Ngay ngày đầu tiên, một anh chàng đã kéo tôi lên mái nhà để xem tôi có bị chóng mặt không" Katja kể.

Phụ nữ muốn trụ được trong nghề nạo ống khói phải giỏi hơn nam giới

Cô gái không những chẳng chóng mặt mà còn có đủ những điều kiện cần thiết khác. "Muốn học nghề nạo ống khói, người ta phải khá các môn toán, lý và hóa. Ngoài ra còn phải biết giao tiếp với mọi người và tất nhiên không ngại bẩn, không sợ… nhện!", cô tiết lộ. Có không ít bạn bè khi gặp cô đi làm về người ngợm đen thui đã lắc đầu ái ngại.
Thế nhưng đối với Katja, điều đặc biệt nhất trong nghề của cô là được tiếp xúc với rất nhiều người. "Ví như những người già sống độc thân và luôn vui mừng khi gặp tôi", cô kể. Có những khách hàng đã trở thành bạn bè thân quen của Katja.
 
Chẳng hối hận khi chọn nghề cực nhọc
Sáng sáng, khi mặt trời mới lên và thành phố Hanau còn yên tĩnh, cô gái Natascha Guenther ngồi lên dãy ngói bò ngắm thành phố từ độ cao 25 mét. Những tòa nhà đang dần dần rũ bỏ bóng đêm khoe dáng trong ánh bình minh, những tháp làm lạnh của khu công nghiệp vùng ngoại ô… "Thỉnh thoảng tôi mang theo bánh mì lên ăn sáng trên mái nhà", Natascha nói và cười thật vô tư. Một người qua đường hỏi vọng lên: "Cô trẻ và nhỏ bé thế kia sao làm nghề nạo ống khói được?". Cô gái lại cười vang, tiếng cười thật dễ thương.
Tại sao lại không kia chứ? Natascha làm nghề này 7 năm nay rồi và sắp lấy bằng thợ cả. Cô phải học nhiều môn toán, lý, hóa, phải biết được các chất độc hại và những tác dụng phụ của chúng. Cô còn phải học kiến thức để tư vấn khách hàng về cách sử dụng năng lượng có hiệu quả cao nhất, về mức độ sưởi phù hợp cho một căn phòng cao bao nhiêu, rộng bao nhiêu.
Hôm nay là ngày Natascha lên mái nhà làm việc và cô mặc bộ trang phục truyền thống của thợ nạo ống khói: áo vest màu đen bằng vải sợi bông dày chịu được bồ hóng. Phía trước ngực được "gia cố" bằng da và đính hai hàng cúc bạc có hình thánh Saint Florian che chở cho những người nạo ống khói.
Trong 7 năm làm nghề này, Natascha đã quen biết rất nhiều người trong thành phố, những người cô đến nạo ống khói mỗi năm 1 lần, đến đo khí thải hoặc tư vấn về cách dùng năng lượng hiệu quả trong gia đình. Lúc nào Natascha cũng cười vô tư, nên ai cũng thấy quý mến cô.
Sau khi Natascha học hết lớp 10, mẹ muốn cô học tiếp đại học. Tuy nhiên, Natascha đã quyết định theo học một nghề thủ công và "bí mật" xin học nghề nạo ống khói. Khi giấy gọi gửi đến, mẹ cô không nói được lời nào, còn bố cô chỉ cười. Sau đó, cô phải "làm công tác dân vận" nhưng Natascha biết được chính xác điều mình muốn. Chính điều đó làm Natascha thêm mạnh mẽ và đã thuyết phục được bố mẹ cô. Cho đến nay, Natascha chưa từng hối hận vì đã chọn nghề này.
Tự hào nhất là chiếc mũ hình trụ
Sabine Steinbach là 1 trong số 2 nữ thợ nạo ống khói của cả thành phố Leipzig. Công việc của cô không chỉ là thông, nạo ống khói, mà cả việc kiểm tra thiết bị thoát khí thải và đo hàm lượng khí thải CO2.
Công việc của một thợ nạo ống khói là công việc của một kỹ thuật viên và người tư vấn chuyên môn. Sabine học nghề thợ nạo ống khói trong 3 năm. Cô kể: "Khó nhất là môn toán kỹ thuật”. Cô phải đo tốc độ khí bốc lên trong ống khói, phải hiểu được thành phần của khí thải và nhiều vấn đề kỹ thuật khác. Tuy khó nhưng Sabine đã học xong và hạnh phúc được theo nghề của bố mình. Nay, cô đã có chứng chỉ thợ cả trong túi và có thể đào tạo học sinh học nghề.

Thứ trang phục mà người thợ nạo ống khói tự hào nhất là chiếc mũ hình trụ cao ngất nghểu 

Khi leo lên mái nhà "hành nghề", Sabine phải mang theo tất cả những thứ đồ nghề cần thiết và mặc đồng phục của dân nạo ống khó, trong đó thứ trang phục mà người thợ nạo ống khói tự hào nhất là chiếc mũ hình trụ cao ngất nghểu. Lúc mới vào nghề, Sabine cũng sợ độ cao như bao người khác nhưng giờ đây cô đã có thể bình thản leo lên mái nhà cao chót vót chiêm ngưỡng quang cảnh thành phố
Để thông, nạo một chiếc ống khói, Sabine cần trung bình 30 phút. Có nghĩa là trong một ngày làm việc, cô phải đến gặp nhiều khách hàng, chỗ này nạo ống khói, chỗ kia đo khí thải và thỉnh thoảng cũng làm công việc chính của mình. Đó là mang may mắn đến cho mọi người. Theo phong tục xưa thì thợ nạo ống khói đem may mắn đến cho người có ống khói được nạo, vì nhà nào có óng khói sạch sẽ, thông thoáng, nhà đó sẽ tránh được hỏa hoạn, nhất là khi bước sang năm mới. "Vậy tôi thực ra là một cô tiên mang lại may mắn phải không?”, Sabine cười vang.
Nước Đức có khoảng 20.000 thợ nạo ống khói, trong đó hơn 5% là phụ nữ. Như tại Hamburg, mỗi năm, 1 cô thợ nạo ống khói phải leo lên khoảng 4.000 mái nhà.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm