Vào đầu tháng 10 dương lịch hàng năm, đồng bào Chăm tổ chức Lễ hội Katê để tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc, ông bà tổ tiên và cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt…

Nét văn hóa đặc sắc trong Lễ hội Katê của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận


Vào đầu tháng 10 dương lịch hàng năm, đồng bào Chăm tổ chức Lễ hội Katê để tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc, ông bà tổ tiên và cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt…

Lễ hội Katê diễn ra trong 3-4 ngày đầu tháng 7 (theo lịch Chăm), khoảng đầu tháng 10 dương lịch. Các nghi lễ thiêng liêng thường được diễn ra tại khu đền tháp thờ thần vua Po Rame, Po Klaong Girai.

Lễ hội Katê-nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận - Ảnh 1.

Bánh trái, những món lễ vật không thể thiếu dâng lên thần linh trong Lễ hội Katê

Lễ hội Katê diễn ra tại 3 khu vực thuộc tỉnh Ninh Thuận: Đền thờ Nữ thân Po Ina Nagar, tháp vua Po Klong Girai và tháp vua Po Rame. Trong lễ hội Katê, nghi lễ rước y trang (y phục) là quan trọng nhất, thường diễn ra ở 3 địa điểm: Rước y trang vua Po Klaong Girai (từ làng Phước Đồng lên tháp tại đồi Trầu, phường Đô Vinh, TP Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận); rước y trang từ làng Phước Hậu lên tháp Po Rame; rước y trang của Nữ thần Po Ina Nagar (từ xã miền núi Phước Hà, huyện Thuận Nam về đền thờ ở làng Hữu Đức, xã Hữu Phước (Ninh Phước, Ninh Thuận).

Lễ hội Katê-nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận - Ảnh 2.

Lễ vật của các hộ gia đình dâng cúng thần linh trong Lễ hội Katê

Riêng y trang của Nữ thần Po Ina Nagar do người Raglai cất giữ cẩn thận. Đến ngày cúng tế Nữ thần thì người Chăm phải làm lễ đón rước y trang từ làng dân tộc Raglai đưa về làng Chăm và cùng với đồng bào Chăm tiến hành nghi lễ rước y trang về các đền thờ ở làng và lên tháp như tháp Po Klaong Garai, Po Rame...

Theo truyền thuyết, "người Chăm và Raglai là chị em ruột, Chăm là chị cả, người Raglai là em út" (Cham sa-ai Raglai adei). Theo chế độ mẫu hệ của người Chăm, con gái út thừa kế tài sản và phụ trách thờ cúng tổ tiên nên người Raglai có nhiệm vụ giữ trang phục thần vua Chăm. Y trang của vua Chăm được sắp xếp theo từng loại và đựng trong vài cái giỏ tre rồi mang đặt vào trong cái kiệu phủ vải màu, trang trí hoa văn, hình dáng khá bắt mắt.

Vũ điệu dâng lễ ở làng Chăm

Ngày đầu tiên người Chăm tổ chức Lễ rước y trang của nữ thần xứ sở Po Ina Nagar tại đền thờ bà ở làng Hữu Đức. Tại đây diễn ra cuộc đón rước, trao y trang của nữ thần giữa người Chăm và người Raglai. Khi y trang về đến làng, bà con Chăm nô nức cùng nhau ra chào đón.

Lễ hội Katê-nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận - Ảnh 4.

Lễ rước y phục lên tháp Pô Klaong Girai trong Lễ hội Katê

Ngày hôm sau diễn ra nghi lễ rước y trang lên tháp thờ thần vua: tháp Po Klong Girai và tháp Po Rame. Vào lúc 6 giờ sáng, ngày mùng 1 tháng 7 (Chăm lịch) đồng bào tiến hành Lễ rước y trang (Raok khan aw Po Yang) lên đền tháp. Đây là nghi lễ mở đầu cho ngày hội, được diễn ra rất trọng thể. Trong ngày lễ rước y trang, đoàn người Raglai tập trung đầy đủ, ông Từ giữ đền dâng cúng lễ vật như: rượu, trứng, trầu, cau… xin phép Thần cho rước y trang về tháp cúng lễ.

Đoàn người rước y trang được sắp xếp như sau: dẫn đầu là 5 đến 6 người Raglai đánh mã la (chiêng bằng, không có núm); tiếp đến là sư cả chủ trì đền tháp; thầy kéo đàn Kanhi; bà Bóng (Muk Bajau); đội vũ nhạc; ở giữa là những thanh niên trai tráng khiêng kiệu đựng y phục của vua; hai bên là những thanh niên cầm cờ và những người phụ lễ đi theo.

Đón kiệu y phục vừa rước lên tháp và nghi lễ tắm tượng thần Shiva để mở cửa đền

Đoàn rước đi trên con đường dài 4km từ đền thờ làng đến tháp Po Klaong Girai. Nét sinh động nhất trong đoàn rước lễ là hàng chục thiếu nữ thướt tha trong bộ trang phục truyền thống, vừa đi vừa múa quạt trong nhịp trống Ginăng, kèn Saranai... Khi đoàn rước kiệu vua Po Klaong Garai về đến tháp thì đội múa lễ của đoàn múa mừng trước tháp. Đây cũng là điệu múa mừng khi kết thúc một công đoạn trong nghi thức hành lễ rước y trang của người Chăm.

Lễ hội Katê-nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận - Ảnh 6.

Lễ vật dâng cúng thần linh được chuẩn bị trước cửa tháp

Khi y trang đã được rước lên đền tháp, thầy cả Chăm, bà Bóng và các vị chức sắc tiến hành nghi lễ xin phép các thần linh cho mở cửa tháp, đền để đưa y trang vào tháp. Các nghi lễ thiêng liêng được thực hiện là lễ tắm rửa tượng và thay y phục mới cho vua. Sư cả mang bình nước thiêng ra để tưới tắm, tẩy rửa tượng vua (pamưnay yang) rồi dâng lễ, thay lễ phục cho vua. Thầy Kadhar vừa kéo đàn Kanhi vừa hát bài tụng ca, mô tả thao tác vua thần Chăm hiện về tháp: Vua tắm sạch sẽ, đội mão, mặc áo, thắt dây lưng và cuối cùng mang đôi giày về hưởng lễ vật dâng cúng. Những người tham gia cùng khấn tế mời vua nhận lễ và cầu xin vua thần phù hộ cho con cháu.'

Lễ hội Katê-nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận - Ảnh 7.

Lễ tắm tượng thần vua Pô Klaong Girai bên trong tháp cổ

Katê là lễ hội lớn và thiêng liêng nhất của dân tộc Chăm. Lễ hội phản ánh rõ nét đời sống tâm linh của người Chăm, đó là tín ngưỡng thờ thần, vua. Đây là lễ hội mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn của đồng bào đối với người đi trước qua nghi lễ dâng cúng y trang cho các vị thần, vua, tái hiện nghi lễ đặc sắc nhất trong di sản văn hóa của người Chăm ở nước ta.

Năm nay, trước tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu chính quyền các địa phương có đồng bào Chăm sinh sống không tổ chức các hoạt động lễ hội, văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí… tại các đền, tháp Chăm, cơ sở thờ tự, các tộc, họ, nơi công cộng trong thời gian diễn ra lễ hội.

Người dân được yêu cầu chỉ thực hiện nghi lễ Katê trong phạm vi gia đình, không tổ chức tiệc tùng và mời khách tham dự, kể cả người thân trong gia đình từ nơi khác đến. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Hội đồng Chức sắc Chăm Bàlamôn tỉnh Ninh Thuận cũng đã có văn bản gửi các cả sư phụ trách các đền, tháp; các chức sắc, chức việc; Ban Phong tục các thôn, khu phố thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh, tăng cường tuyên truyền cho toàn thể người Chăm chấp hành tốt các quy định nêu trên và thực hiện nghiêm thông điệp "5K", nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho bản thân, gia đình và xã hội, góp phần chung tay đẩy lùi dịch Covid-19 trên địa bàn.

Dân tộc Chăm có lịch riêng. Theo Chăm lịch, đầu tháng 7 (khoảng đầu tháng 10 dương lịch) là vào lễ hội Katê - lễ cúng tế trời đất, tưởng nhớ ông bà tổ tiên và các vị anh hùng dân tộc đã được nhân dân thần hóa.

Lễ hội Katê đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2017.

Nhuận Kiệt

Tấn Vịnh
Tấn Vịnh
04/10/2021 00:00