Vậy là đã rõ, nam ca sĩ Ngọc Sơn tự điền vào bản khai cá nhân ở mục “Chức vụ” là “Danh ca – Nhạc sĩ – Giáo sư âm nhạc” để được nhận chiếc Bằng khen vinh danh sự cống hiến của anh đối với “sự nghiệp bảo tồn, phát triển di sản văn hóa Việt Nam” từ Hội… Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam. Đúng như ông Lê Ngọc Dũng – Chủ tịch Hội - phát ngôn: “Anh ấy khai thế nào thì chúng tôi ghi thế thôi. Hiểu không? Người ta khai thì người ta chịu trách nhiệm chứ liên quan đến chúng tôi đâu”.
Có lẽ, ca sĩ Ngọc Sơn hiểu rất rõ quy trình cấp bằng khen cởi mở của Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam nên chẳng ngại ngần xưng hô “Giáo sư âm nhạc”. Dẫu sao, cái danh xưng tự phong này nghe vẫn sang trọng hơn danh hiệu “ông hoàng nhạc sến” mà anh được tụng ca bấy lâu.
Giải thích với truyền thông, Ngọc Sơn một mặt nhận mình đã đi giảng dạy và là “giáo sư ở Nhật Bản” từ lâu, một mặt lại khẳng định “Tôi không phải giáo sư, cũng không dám nhận bằng giáo sư nhưng nếu ai nói tôi chưa đủ tư cách, chỉ trích tôi thì xin kính mời tất cả những giáo sư, nhạc sĩ nào nếu cần hãy đến phỏng vấn trực tiếp, đối chiếu về âm nhạc với Ngọc Sơn, có thể trực tiếp truyền hình hoặc quay phỏng vấn, nói có sách mách có chứng". Rốt cuộc thì Ngọc Sơn chắc chắn không phải giáo sư âm nhạc ở Việt Nam rồi, nhưng có phải giáo sư ở Nhật Bản không thì vẫn chưa có xác nhận lại từ “chính chủ”.
Ồn ào là vậy, nhưng trong một showbiz Việt loạn danh xưng tự phong với đầy đủ cả công chúa, hoàng tử, ông hoàng, bà chúa…, việc xuất hiện thêm một “giáo sư” như Ngọc Sơn cũng chẳng phải điều gì quá quắt. Làng giải trí đã có “nữ hoàng nội y” Ngọc Trinh, đã có “công chúa châu Á và Việt Nam” Lý Nhã Kỳ, đã có “ông hoàng nhạc Việt” Đàm Vĩnh Hưng, đã có “nữ hoàng giải trí” Hồ Ngọc Hà… Thành ra, thêm một “Giáo sư âm nhạc” Ngọc Sơn không làm loạn hơn được nữa. Vả lại, với một người từng bỏ ra 1.000 cây vàng để tạc tượng mình đặt trước sân nhà, từng bỏ ra 1 triệu đô để mua bảo hiểm “trinh tiết đời trai”, thì việc anh ấy có nhận mình là Giáo sư, Viện sĩ đâu đáng để bàn!
Thực tế thì, người có tài năng thực thụ như Ngọc Sơn không cần đến những danh xưng “Ông hoàng nhạc sến”, “Giáo sư âm nhạc” hay những chiêu trò dị thường để được thành danh. Ở tuổi đôi mươi, Ngọc Sơn đã gặt hái về vô số những giải thưởng danh giá lớn nhỏ cho giọng ca vàng mười của mình. Song, làng giải trí dường như có một quy luật riêng của nó. Những danh xưng “danh chính ngôn thuận” đôi khi lại không có sức lôi kéo công chúng như những danh xưng tự phong sặc mùi cung điện.
Thế nên, kiện tướng dancesport Khánh Thi mới phải chêm danh “Nữ hoàng khiêu vũ” vào tấm poster quảng bá cho liveshow cá nhân, Lý Nhã Kỳ phải sắm thêm vai “Công chúa châu Á và Việt Nam” sau khi mãn nhiệm chức danh đại sứ du lịch, còn Ngọc Trinh kiên quyết giữ chiếc mũ “Nữ hoàng nội y” bên mình dù cô đã có thể đường hoàng xuất hiện trong showbiz với danh xưng “diễn viên” sau 2 bộ phim bỏ tiền túi ra làm.
Rất may cho các Hội và riêng Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam, chưa thấy các ngôi sao showbiz đưa những danh xưng ông hoàng, bà chúa ấy vào những lá đơn xin cấp Bằng khen, chứng nhận. Có lẽ họ hiểu rằng, cái danh xưng tự phong mà họ đang dùng có chỗ đứng riêng của nó, chứ không đứng ở những tấm bằng khen. Bởi nếu không, chỉ cần một chút “phấn khích” mất kiểm soát như Ngọc Sơn, rất có thể một ngày kia sẽ có những tấm bằng ghi “Tặng Bằng khen cho Giáo sư nội y Ngọc Trinh”, “Tặng Bằng khen cho công chúa châu Á và Việt Nam Lý Nhã Kỳ”, thậm chí có thể là tặng bằng khen cho “Giáo sư scandal” Hồ Ngọc Hà hay "Giáo sư scandal" Đàm Vĩnh Hưng. Ai mà biết được. Bởi như ông Lê Ngọc Dũng đã nói rồi, khai gì thì cấp nấy thôi. Hiểu không?