Ngân vang tiếng đàn giao duyên của người Chứt ở chân núi Ka Đay

26/11/2022 15:15

Giữa thăm thẳm nơi chân núi Ka Đay, tiếng đàn Chư Ra Bon của người Chứt ở bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) ngân vang làm sống động cả núi rừng. Đây không chỉ là nhạc cụ mà còn là nơi gửi gắm tình cảm, nỗi niềm chân thành mộc mạc và thể hiện đời sống tâm linh của họ.

Clip: Tiếng đàn Chư Ra Bon dưới chân núi Ka Đay


"Báu vật" dành cho phái đẹp

Từ đường Hồ Chí Minh, theo tỉnh lộ 17 hơn 20km với hàng chục khúc cua tay áo vắt qua những quả đồi, chúng tôi mới tới được bản Rào Tre nơi có 46 hộ với 155 nhân khẩu sống trong những ngôi nhà sàn giữa núi rừng trùng điệp.

Giữa tiết trời se lạnh của những ngày đầu đông, văng vẳng nơi xa một thứ thanh âm mê hoặc, hòa với tiếng hát của một người đàn bà.

Tiếng đàn Chư Ra Bon kéo bước chân chúng tôi đến một căn nhà nhỏ dưới chân núi. Một phụ nữ da ngăm đen, chừng hơn 50 tuổi, vừa chơi đàn vừa ngân nga bài hát. Thấy tôi như bị mê hoặc bởi thứ âm thanh lúc trầm bổng, lúc lại da diết, Trung tá Nguyễn Văn Thiên - Tổ trưởng Tổ công tác cắm bản Rào Tre (Đồn Biên phòng Bản Giàng thuộc Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) - dẫn tôi vào bản và kể: "Người đang kéo đàn là bà Hồ Thị Lịnh, là một trong số ít người biết làm và chơi được đàn Chư Ra Bon, cây đàn độc đáo của người Chứt".

Ngân vang tiếng đàn giao duyên dưới chân núi Ka Đay - Ảnh 2.

Bên chân núi Ka Day, tiếng đàn Chư Ra Bon của người Chứt ngân vang cả núi rừng.

Theo Trung tá Thiên, người Chứt là một tộc người ở trong hang đá, sống bằng cách săn bắt, hái lượm. Cuộc sống bấp bênh, nay đây mai đó nhưng với phụ nữ người bộ tộc này thì đàn Chư Ra Bon trở thành "vật bất ly thân". Đây không chỉ là nhạc cụ mà còn là nơi gửi gắm tình cảm, nỗi niềm chân thành mộc mạc và thể hiện đời sống tâm linh của họ.

Thấy có khách đến, bà Lịnh dừng tay, rồi chào cán bộ. Bà chẳng nhớ mình đã sống qua bao nhiêu mùa rẫy nhưng cách làm và chơi đàn Chư Ra Bon được mẹ dạy cho thời con gái bà vẫn nhớ như in. Cách chế tác và chơi đàn ống khá đơn giản, hầu như ai nhìn qua một lần đều có thể làm được nhưng để chơi đúng điệu, bảo đảm âm vần thì rất khó.

Chiếc đàn Chư Ra Bon của bà Lịnh được làm bằng 1 ống nứa dài khoảng 50cm, cột 2 sợi dây cước chạy song song, cái cần kéo qua sợi dây cước để phát lên âm thanh là 1 thanh nứa mỏng giống như cây vĩ kéo nhị của người dưới xuôi.

Bà Lịnh cho hay, việc chế tác và chơi đàn ống chủ yếu là phụ nữ người Chứt. Cách làm tưởng như đơn giản nhưng để chế tác ra được cây đàn ống đạt chuẩn rất kỳ công, đòi hỏi sự khéo léo mà không phải ai cũng làm được.

Tiếng đàn tìm bạn tình

Cách đây hơn 30 năm, người Chứt đang còn sống len lỏi khắp núi rừng, trong các hang đá. Cuộc sống bấp bênh, nay đây mai đó nhưng với phụ nữ người bộ tộc này thì đàn Chư Ra Bon trở thành "vật bất ly thân". Đây không chỉ là nhạc cụ mà còn là nơi gửi gắm tình cảm, nỗi niềm chân thành mộc mạc và thể hiện đời sống tâm linh của họ.

Đàn Chư Ra Bon thường được người phụ nữ Chứt chơi trong các dịp cưới hỏi, ma chay, tết Chăm Cha Bới… Tùy vào mỗi hoàn cảnh, họ sẽ đánh đàn theo nhịp điệu khác nhau. Đặc biệt với người phụ nữ Chứt, tiếng đàn là âm thanh của giao duyên, của tình yêu đôi lứa.

Theo quy ước của người Chứt, phụ nữ kéo đàn Chư Ra Bon, tiếng khèn môi là lời đối đáp của những người đàn ông. Chiếc khèn môi của người Chứt có hình dáng gần giống chữ U, được uốn từ một mảnh đồng mà thành, ở giữa được xuyên một thanh đồng để gảy. Khoang miệng của người thổi chính là cái bầu rỗng cộng hưởng phát ra tiếng to nhỏ, thanh trầm, luyến láy theo ý của người thổi. Âm sắc của khèn môi tạo ra một thứ ngôn ngữ âm nhạc rất riêng biệt và độc đáo, như là lời tâm tình thủ thỉ, yêu thương, trìu mến mà chỉ người ở gần mới có thể hiểu được.

Ngân vang tiếng đàn giao duyên dưới chân núi Ka Đay - Ảnh 3.

Theo quy ước của người Chứt, phụ nữ kéo đàn Chư Ra Bon, tiếng khèn môi là lời đối đáp của những người đàn ông.

Vừa dứt đàn, bà Lịnh nói: "Nhờ biết chơi đàn mà ta nên duyên với chồng ta đó. Nay ta cũng muốn dạy cho con cháu trong bản chơi đàn nhưng khó lắm".

Theo bà Lịnh, để tiếng đàn Chư Ra Bon được trong trẻo, trước khi kéo đàn, người chơi phải dùng lưỡi liếm theo chiều dài thanh giang. Các giai điệu vang lên khác nhau là do những ngón tay trái bấm lên 2 dây cước.

Khi nói về chuyện tình từ cây đàn Chư ra bon se duyên các cặp đôi trong bản, ông Hồ Phượng nhớ lại:  "Khi các chàng trai trong bản đến tuổi dựng vợ gả chồng, vào những đêm trăng sáng, thanh niên lại lên rừng tìm bạn tình. Khi nghe tiếng đàn của người phụ nữ, ưng bụng con trai sẽ thổi kèn môi để đáp lại. Khi hai bên thông qua tiếng đàn, hiểu tình ý của nhau, đợi các chàng trai trong bản về hết, người con trai sẽ đốt đuốc đi tìm củi, rồi mang đến trước nhà cô gái. Nếu cô gái ưng bụng, sẽ đưa bó củi vào nhà. Sáng hôm sau, chàng trai đến nhà cô gái không thấy bó củi trước cổng nhà thì có nghĩa cô gái chấp nhận làm vợ chàng trai và đám cưới cũng sẽ diễn ra sau đó".

Nỗ lực bảo tồn nhạc cụ truyền thống

Cây đàn trông thô ráp nhưng tiếng nhạc phát ra đầy vẻ hoang sơ, bí ẩn, réo rắt như lối sống tự nhiên, phóng khoáng của bà con dân tộc Chứt. Bà Lịnh nói rằng, làm được đàn Chư Ra Bon dễ nhưng để kéo kéo lên được giai điệu của đàn thì không phải ai cũng làm được. Bởi vậy mà các thế hệ sau này nản chí, người biết kéo đàn thưa dần theo thời gian. Ra khỏi rừng sâu, người Chứt được tiếp xúc với cuộc sống văn minh, những người con của núi rừng càng không mặn mà với loại nhạc cụ này nữa.

"Trước kia, đa phần phụ nữ trong bản đều biết chơi đàn này nhưng khoảng hơn 20 năm lại đây, người chơi đàn Chư ra bon ít dần đi. Cả bản chỉ còn ta biết chơi thôi nhưng giờ cũng đã lớn tuổi rồi, không biết về với ông bà khi nào. Bọn trẻ bây giờ nó chẳng ham học loại nhạc cụ này nữa", bà Lịnh thở dài.

Ngân vang tiếng đàn giao duyên dưới chân núi Ka Đay - Ảnh 4.

Bà Lịnh là một trong số ít những người biết làm và chơi đàn Chư Ra Bon

Trưởng bản Hồ Kiên cho biết: "Hơn 7 năm được bà con trong bản tín nhiệm làm trưởng bản, thỉnh thoảng tôi cũng nghe tiếng đàn của bà Lịnh, da diết lắm. Nhưng tiếc là lớp trẻ bây giờ không còn mặn mà với loại nhạc cụ này nữa".

Trước những nét văn hoá của người Chứt đang có nguy cơ mai một, việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống là một vấn đề cấp bách.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Thương, Phó trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Hương Khê cho biết: "Việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc Chứt trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, là nhiệm vụ rất quan trọng, đặc biệt là trong xu thế hội nhập hiện nay. Đặc biệt, với nhạc cụ truyền thống Chư Ra Bon, hiện nay chúng tôi đang cho phục dựng lại nhạc cụ truyền thống này, đồng thời lên phương án để bà Lịnh có thể truyền lại cách làm, cách chơi loại nhạc cụ này cho giới trẻ".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn