Ưu đãi nhiều nhưng vẫn… thất sủng
Đó là thực trạng vừa diễn ra mùa tuyển sinh năm nay tại trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) với 80 chỉ tiêu cho 4 ngành sư phạm được “đặt hàng” từ tỉnh hẳn hoi kèm nhiều ưu đãi, nhưng tình hình tuyển sinh vẫn hết sức chật vật. Thậm chí có ngành vẫn chưa tuyển được sinh viên nào.
Thanh Hóa là tỉnh tiên phong trong cả nước đưa ra đề án đào tạo chất lượng cao trình độ đại học ngành sư phạm theo diện "đặt hàng" và có đầu ra cho sinh viên. Theo đó, các ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng đề án đào tạo sinh viên sư phạm chất lượng cao trình độ đại học và “đặt hàng” Trường ĐH Hồng Đức đào tạo 80 chỉ tiêu cho 4 ngành sư phạm.
Các ngành đại học sư phạm đào tạo chất lượng cao theo diện “đặt hàng”, như: Toán, Vật lý, Ngữ văn và Lịch sử, mỗi ngành có chỉ tiêu đào tạo 20 sinh viên. Thí sinh phải có điểm thi đầu vào đại học từ 24 điểm trở lên của tổ hợp 3 môn thi xét tuyển đại học (không tính điểm nhân hệ số của từng môn thi). Trong đó, không có môn nào dưới 5,0 điểm và môn chủ chốt của ngành đào tạo phải đạt từ 8,0 điểm trở lên hoặc ứng viên có đủ điều kiện tuyển thẳng vào đại học theo quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT.
Với diện “đặt hàng” từ đề án này, sinh viên tốt nghiệp loại khá trở lên, có sức khỏe đảm bảo phục vụ công tác giảng dạy và học tập lâu dài sẽ được tuyển dụng để bổ sung nguồn giáo viên chất lượng cao cho các trường THPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2030. Tuy nhiên, hiện nhiều ngành vẫn chưa tuyển đủ. Trường tiếp tục thông tin tuyển bổ sung các ngành sư phạm chất lượng cao nói trên.
Trước đó tại Nghệ An, trong 200 chỉ tiêu tuyển sinh của trường CĐ Sư phạm tỉnh thì mới "lấp đầy" khoảng 130 thí sinh. Thống kê số lượng nguyện vọng (nguyện vọng 1, 2, 3, 4…) thí sinh đăng ký xét tuyển qua hệ thống đăng ký trực tuyến của Bộ GD&ĐT thì mỗi ngành chỉ có vài thí sinh đăng ký, thậm chí có ngành không có thí sinh nào đăng ký xét tuyển.
Tình trạng này xuất phát từ thực tế hiện nay số giáo viên THCS tại Nghệ An dôi dư rất nhiều, do vậy, cơ hội việc làm khi ra trường rất thấp. Trong mùa tuyển sinh năm 2017, Trường CĐ Sư phạm Nghệ An thậm chí không tuyển sinh được sinh viên nào cho 3 ngành Toán, Văn và Sinh học.
Giảng viên sư phạm thiếu việc làm?
Với tình trạng không tuyển được người học, nhiều tỉnh lâm vào cảnh “dở khóc dở cười” khi giáo viên “bơ vơ” không có tiết dạy. Ông Trịnh Đào Chiến - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai cho biết, năm học 2017-2018, trường dôi dư khoảng 20-30 giảng viên không có tiết dạy vì không có sinh viên.
“Số giảng viên này được nhà trường bố trí kiêm nhiệm việc ở các phòng ban để tính đủ giờ dạy, nhưng đến năm học 2018-2019, số lượng dôi dư là hơn 60 giảng viên nên nhà trường không thể bố trí việc làm được nữa” – ông Chiến nhấn mạnh.
Không chỉ riêng năm nay, nhiều năm trở lại đây, Trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai không tuyển sinh được , nhất là các ngành đặc thù như âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục thể chất. Các ngành lịch sử, địa lý, kỹ thuật và toàn bộ ngành khối THCS , lượng sinh viên đăng ký không đủ để mở lớp.
Riêng năm 2018, Bộ GD&ĐT đưa ra điểm sàn cho ngành sư phạm khiến lượng sinh viên nộp hồ sơ vào ngành sư phạm Gia Lai càng ít đi, bởi với điểm sàn sư phạm của Đại học là 17, Cao đẳng là 15, Trung cấp là 13, các em có thể theo học ở một số trường đại học khác tại các thành phố lớn.
Khoa Tự nhiên là một trong những khoa lâu nay có số lượng sinh viên đông nhất của trường. Trước đây, Khoa Tự nhiên có gần 40 giảng viên, nhưng năm nay chỉ còn 14 giảng viên được tham gia giảng dạy, số còn lại không có việc làm. Chỉ tiêu của trường năm nay là 375 sinh viên nhưng hiện tại chỉ có 180 học viên đăng ký học, chủ yếu ở cấp Tiểu học và Mầm non.