pnvnonline@phunuvietnam.vn
Ngõ xóm xanh - bức tường xanh
Cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia vẽ tranh hưởng ứng mô hình “ngõ xóm xanh”
Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Chủ tịch Hội LHPN quận Ngô Quyền (TP. Hải Phòng), cho biết, Hội LHPN quận đã xây dựng kế hoạch triển khai các mô hình bảo vệ môi trường, tập trung vào các vấn đề nổi cộm như: Sử dụng túi nylon, chai nhựa, đồ nhựa một lần, tình trạng mất vệ sinh tại các xóm, ngõ. Hội đã chỉ đạo các cơ sở Hội tổ chức khảo sát thực trạng, những vấn đề nổi cộm, bức xúc tại địa phương để đăng ký thực hiện mô hình phù hợp. Sau khi khảo sát, các cơ sở Hội đã thành lập "Đội truyền thông xung kích thay đổi hành vi" làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền đến cán bộ, hội viên, phụ nữ. "Sau khi tuyên truyền thì ý thức của cán bộ, hội viên và người dân đã có sự thay đổi tích cực. Từ việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, hội viên và người dân đã chuyển sang sử dụng túi giấy, túi sử dụng nhiều lần, cốc giấy, chai thủy tinh", bà Ngọc Hà chia sẻ.
Trong những năm qua, Hội đã thực hiện nhiều mô hình hiệu quả như: "Sống xanh - ngõ xóm xanh", "Xây nhà vệ sinh bằng gạch nhựa Ecorbic", "Tái chế bạt in thành túi đựng tài liệu", "Phân loại rác thải tại nguồn"… Năm 2021, Hội đã ra mắt 50 ngõ xanh, bức tường xanh, đoạn đường hoa với tổng kinh phí trên 300 triệu. Đặc biệt, Hội đã bàn giao công trình "Sân chơi cộng đồng" tại phường Đông Khê, quận Ngô Quyền; khánh thành "Sân chơi cộng đồng" tại tổ dân phố 40, phường Vạn Mỹ nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập quận… Cùng với đó, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ hạn chế sử dụng túi nylon, duy trì có hiệu quả việc dùng làn và các loại túi tái sử dụng khi đi chợ.
Theo Chủ tịch Hội LHPN quận Ngô Quyền, các mô hình đều mang lại hiệu quả trong bảo vệ môi trường. Trong đó, mô hình "Ngõ xóm xanh - bức tường xanh" đạt hiệu quả cao, làm thay đổi rõ rệt cảnh quan đô thị. Để tiếp tục phát huy hiệu quả của các mô hình, ngay từ những ngày đầu năm 2022, Hội LHPN quận Ngô Quyền đã triển khai kế hoạch thực hiện chủ đề năm của thành phố và quận. Đó là "Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - thực hiện chuyển đổi số" và "Tăng cường quản lý đất đai, đô thị và giải phóng mặt bằng". Đồng thời, Hội đã tổ chức phát động, đăng ký triển khai thực hiện các công trình, phần việc thiết thực, ý nghĩa xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.
"Hội tiếp tục duy trì 12 "đội truyền thông xung kích thay đổi hành vi" để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền. Các công trình, phần việc về vệ sinh môi trường, xây dựng đô thị văn minh được các cấp Hội xây dựng theo tiêu chí thiết thực, rõ việc, rõ địa chỉ, rõ hiệu quả tác động. Hiệu quả các mô hình phải được cấp uỷ, chính quyền địa phương, đơn vị và nhân dân ghi nhận. Kết quả thực hiện sẽ là một trong những tiêu chí để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và bình xét thi đua năm 2022 đối với Hội LHPN các phường, đơn vị trực thuộc", bà Ngọc Hà cho biết.
Theo đánh giá, việc khó nhất trong công tác bảo vệ môi trường và thực hiện các mô hình chính là thay đổi hành vi và nhận thức của phụ nữ, người dân. Vì vậy, các cấp Hội phải thực hiện tuyên truyền không chỉ một lần đối với một đối tượng mà phải tác động từ nhiều thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó, việc giám sát được đẩy mạnh để mọi người có ý thức hơn và có hành động tích cực trong bảo vệ môi trường.