Ngôi chùa độc nhất vô nhị ở TPHCM

30/08/2021 07:02
Tượng đức Phật Tỳ Lô Giá Na tại chùa Vạn Phật

Tượng đức Phật Tỳ Lô Giá Na tại chùa Vạn Phật

Chùa Vạn Phật có tên đầy đủ là Phật Quang Đại Tòng Lâm, tọa lạc trong khu phố trên đường Nghĩa Thục, quận 5, TPHCM. Do chùa có rất nhiều tượng Phật nên mọi người gọi là chùa Vạn Phật.

Chùa Vạn Phật nằm lọt thỏm giữa những dãy nhà cao tầng. Chùa được xây dựng vào năm 1959 bởi hai vị hòa thượng là Đức Bổn và Diệu Hoa, với mục đích làm nơi tu học, lễ bái cho các tăng, ni, phật tử người Hoa ở TPHCM và các tỉnh lân cận.

Khởi đầu, chùa khá đơn sơ và tạm bợ, chỉ sau đợt đại trùng tu kéo dài 10 năm (1998 - 2008), chùa Vạn Phật mới có diện mạo như ngày nay. Chỉ với diện tích khoảng 600m2, chùa được xây dựng với quy mô 5 tầng, gồm 3 tầng lầu, 1 tầng trệt và 1 sân thượng.

Chùa Vạn Phật, ngôi chùa độc nhất vô nhị ở Việt Nam - Ảnh 1.

Tượng đức Phật Tỳ Lô Giá Na tại chùa Vạn Phật

Nhìn bề ngoài, không ai nghĩ đó là chùa. Bước vào trong, du khách hoàn toàn ngỡ ngàng bởi sự tận dụng tài tình không gian nhà phố thành chốn linh thiêng, trầm mặc. Từ cuộc sống nhộn nhịp, sôi động; chỉ mấy bước là du khách được lạc vào chốn Phật tĩnh lặng; mỗi tầng có cách bài trí riêng, sắp xếp khéo léo; tạo cảm giác thoáng rộng hơn thực tế.

Ngay lối vào, bên hông chùa Vạn Phật là quầy bán văn hóa phẩm Phật giáo. Trước cửa hàng có máy xin xăm tự động. Khách lấy đồng xu bên cạnh, bỏ vào máy. Một thiếu nữ mang trên mình trang phục lịch sự, cầm khay có lá xăm cuộn trong ống nhựa nhỏ đặt lên máy. Vài người giật mình vì tượng mà ngỡ là người thật. Khách lấy lá xăm bằng cách cầm ống nhựa đẩy nhẹ vào trục sắt nhỏ, trả ống nhựa vào khay và cầm lá xăm nhờ giải.

Màu sắc kiến trúc của người Hoa thể hiện rõ ở chùa Vạn Phật, từ cổng vòm, hoa văn trên mái ngói đến màu đỏ hiện diện khắp nơi. Chánh điện (Đại điện Quang Minh) uy nghi và trang nghiêm với một loạt pho tượng đa dạng và nhiều loại kích cỡ khác nhau từ Thích Ca Mâu Ni, Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Phổ Hiền...

Đặc biệt, đài sen bằng đồng dưới chân tượng Phật Thích Ca Mâu Ni được chế tác công phu, tinh xảo. Trên tường của Đại điện là 10.000 tượng nhỏ, được đặt cạnh nhau thật ấn tượng, tạo ra sự độc nhất vô nhị của chùa Vạn Phật.

Chùa Vạn Phật, ngôi chùa độc nhất vô nhị ở Việt Nam - Ảnh 2.

Tượng Phật nhỏ được đặt ở trong mỗi cánh sen

Tầng 1 của chùa Vạn Phật là nơi thờ Thiên thủ Thiên nhãn Thập nhất Diện Quán Thế Âm Bồ Tát. Hai bên hông là các bài vị đặt trong tủ kính. Phía sau là khu vực gửi tro cốt của người đã khuất, được người thân nhờ nhà chùa hương khói, tụng kinh. Tại đây, nhà chùa cho đặt một tượng Phật bằng đá để người dân tới dâng hương, chiêm bái.

Tầng 2 là nơi thờ Đức Phật Dược Sư – Lưu Ly Quán Như Lai. Hai bên thờ Bồ Tát Nhật Quang Biến Chiếu và Bồ Tát Nguyệt Quang Biến Chiếu. 2 bên tường trưng bày 18 vị La Hán và kinh phật trong tủ kính.

Ấn tượng và độc đáo nhất là tầng 4 với chánh điện, với tượng thờ Phật Thích Ca tọa trên 1.000 cánh sen. Điều đặc biệt, nhìn kỹ mới thấy, ẩn sau 1.000 cánh sen này là những bức tượng Phật nhỏ có màu trắng ngà. Chung quanh đài sen có 4 tượng Tứ đại Thiên vương. Hai bên Phật Thích Ca là Bồ Tát Văn Thù Sư Lệ cưỡi sư tử và Bồ Tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng 6 ngà.

Chùa Vạn Phật, ngôi chùa độc nhất vô nhị ở Việt Nam - Ảnh 3.

Màu sắc kiến trúc của người Hoa thể hiện rõ ở chùa Vạn Phật, từ cổng vòm, hoa văn trên mái ngói đến màu đỏ hiện diện khắp nơi

Trên sân thượng của chùa Vạn Phật có tòa tháp 5 tầng và mộ tháp của hai Hòa thượng sáng lập. Dòng chữ trên tháp mộ ghi "Tào Động chánh tông đời 53 Hòa thượng Thích Đắc Bổn. Tào Động chánh tông đời 48 Hòa thượng Thích Thanh Diệu". Không ghi năm sinh và mất. Hòa thượng Thích Đắc Bốn (1917 – 2000). Hòa thượng Thích Thanh Diệu, không rõ năm sinh và mất. Phía trước có bức Cửu Long Bích, chạm nổi 9 con rồng đang uốn lượn trong mây.

Hơn 60 năm qua, chùa Vạn Phật vừa là trung tâm tu học, thuyết giảng Phật pháp cho đông đảo phật tử, vừa là nơi đứng ra tổ chức các hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo địa phương nhằm cứu trợ, giúp đỡ người nghèo có hoàn cảnh khó khăn cũng như trẻ em cơ nhỡ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.