Người Ainu với nghi lễ hiến tế gấu độc nhất vô nhị

22/07/2021 18:19
Theo ước tính của chính phủ Nhật Bản, bộ lạc Ainu hiện có khoảng 24.000 người. Ảnh: The Japan Times

Theo ước tính của chính phủ Nhật Bản, bộ lạc Ainu hiện có khoảng 24.000 người. Ảnh: The Japan Times

Người Ainu, hay còn gọi là bộ lạc Ezo trong lịch sử, là một tộc người thiểu số có nguồn gốc từ khu vực phía Bắc ở Nhật Bản, đặc biệt là vùng Hokkaido, quần đảo Kuril.

Người Ainu có nguồn gốc từ phương Tây?

Đến nay, số lượng chính xác về tộc người Ainu ở Nhật Bản vẫn còn gây tranh cãi. Theo ước tính của Chính phủ Nhật Bản, bộ lạc Ainu hiện có khoảng 24.000 người, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng con số thực lên đến hơn 180.000 người.

Nguồn gốc của người Ainu vẫn luôn là đề tài gây tranh cãi đối với các nhà nhân chủng học. Nguyên nhân xuất phát từ việc người Ainu chỉ mới được phát hiện bởi các nhà nghiên cứu phương Tây từ cuối thế kỷ 19. Họ được xác nhận là không phải người Nhật hay người Đại chủng Á.

Người Ainu với nghi lễ hiến tế gấu độc nhất vô nhị  - Ảnh 1.

Đàn ông và phụ nữ của bộ tộc Ainu. Ảnh: Smithsonian Magazine

Người Ainu có màu da sáng, cơ thể có nhiều lông, đôi mắt tròn và sâu, tóc hơi xoăn kiểu gợn sóng. Không giống như người Nhật hiện tại, đàn ông Ainu có râu dày, dáng người cao to. Do đó mà cũng có nhiều giả thuyết cho rằng, người Ainu có nguồn gốc từ phương Tây.

Phụ nữ Ainu thời xưa có hình xăm trên môi, trông như nụ cười của những chú hề. Mục đích của hình xăm này mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Có tài liệu cho rằng hình xăm này sẽ giúp những người phụ nữ chưa có gia đình trở nên thu hút hơn, đồng thời đây cũng là một biểu hiện của đức hạnh.

Bên cạnh đó, một số tài liệu khác lại cho rằng, hình xăm này mang ý nghĩa là "nụ cười trên môi" với hàm ý ở những nơi lạnh lẽo như Hokkaido, việc nở một nụ cười là rất khó khăn nên hình xăm sẽ giúp người phụ nữ trông như luôn nở nụ cười.

Người Ainu với nghi lễ hiến tế gấu độc nhất vô nhị  - Ảnh 2.

Người Ainu mặc trang phục truyền thống trong Lễ hội tảo cầu Marimo tại hồ Akan. Ảnh: The Japan Times

Cả đàn ông và phụ nữ Ainu đều để tóc dài tới vai và thường mặc trang phục truyền thống. Đàn ông, không cạo râu cho đến một độ tuổi nhất định, và họ cũng có xu hướng thích nuôi râu dài.

Người Ainu chủ yếu sống nhờ vào săn bắn và hái lượm. Thức ăn phổ biến gồm nai, gấu, thỏ, cáo, cá hồi, rễ cây... Khác với dân tộc khác ở Nhật Bản, người Ainu luôn nấu chín thức ăn, không bao giờ ăn sống. Vũ khí săn bắn chủ yếu gồm giáo tẩm độc và cung tên.

Trong bộ lạc Ainu, người đàn ông rất giỏi làm mộc, nhất là chạm khắc gỗ. Còn người phụ nữ thường tạo ra các sản phẩm dệt, may thủ công. Ngày nay, khi đi đến các ngôi làng của người Ainu, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những sản phẩm thủ công mang đầy tính nghệ thuật truyền thống này.

Nghi lễ hiến tế gấu

Có một điểm tương đồng giữa người Ainu với người Nhật Bản trong khía cạnh tôn giáo. Họ theo thuyết vật linh, tin rằng tất cả sự vật trong tự nhiên đều có linh hồn, được gọi là "kamuy". Người Ainu thờ rất nhiều vị thần khác nhau nhưng quan trọng nhất là thần "Kim-un", tức thần gấu. Trong văn hóa của người Ainu, tất cả loài động vật đều được cho là hiện thân của những vị thần trên Trái Đất nhưng gấu là vị thần tối cao, đứng trên tất cả.

Người Ainu với nghi lễ hiến tế gấu độc nhất vô nhị  - Ảnh 3.

Người Ainu thực hành nghi lễ hiến tế gấu. Ảnh: Ichiro Ushiroyama

Người Ainu thực hành nghi lễ hiến tế gấu với niềm tin rằng hành động "giết hại" gấu sẽ giúp giải phóng linh hồn vị thần khỏi xác thịt trần thế và siêu thoát, trở về với thế giới tinh thần.

Khi gấu được bắt về, người Ainu sẽ nuôi dưỡng nó trong một chiếc cũi lớn. Họ chăm sóc gấu cẩn thận như thể nó là thành viên trong gia đình mình, nuôi chú gấu bằng thức ăn dành cho người. Thậm chí, nếu chú gấu còn quá bé, nó sẽ được uống sữa của người.

Nghi lễ hiến tế chỉ diễn ra khi gấu được 2 đến 3 tuổi và thường được tổ chức vào mùa đông, thời điểm lớp lông của gấu dày nhất và thịt béo nhất. Nghi lễ kéo dài suốt 3 ngày đêm, trong đó, đêm đầu tiên là quan trọng hơn cả, được gọi là Keo-mante, có nghĩa là "gửi xác đi". Nghi lễ được cử hành đúng nửa đêm nhằm giúp linh hồn vị thần dễ dàng siêu thoát. Mắt, não và lưỡi của gấu được lấy đi và thay bằng những bông hoa.

Trong suốt quá trình diễn ra nghi lễ, người Ainu sẽ mặc những bộ trang phục đẹp nhất để tham gia vào một bữa tiệc linh đình với rất nhiều đồ uống, sau đó sẽ cùng nhau nhảy múa. Ngoài lễ hiến tế gấu, người Ainu cũng tổ chức nhiều sự kiện quan trọng khác gắn với tự nhiên như: lễ hội tảo cầu Marimo tại hồ Akan, lễ hội tưởng nhớ tổ tiên Shakushain ở thị trấn Shizunai…

Người Ainu với nghi lễ hiến tế gấu độc nhất vô nhị  - Ảnh 4.

Hình ảnh gia đình người Aniu thời xưa. Ảnh: Suppressed Histories Archives

Ngày nay, người Ainu có xu hướng kết hôn với người Nhật Bản nên số lượng người Ainu thuần chủng đã giảm đi rất nhiều. Hơn nữa, vì những tổn thương trong quá khứ mà những người Ainu dường như không dám thừa nhận gốc gác của mình để tránh sự phân biệt đối xử.

Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản ngày nay vẫn đang có những nỗ lực thiết thực nhằm mang đến sự bình đẳng cho cộng đồng dân tộc thiểu số Ainu. Điển hình là việc xây dựng khu bảo tàng về người Ainu ở Shiraoi, tỉnh Hokkaido (mở cửa đón du khách tham quan vào năm 2003) và một số công trình giới thiệu văn hóa Ainu đến với du khách quốc tế trước thềm Thế vận hội Olympic Tokyo 2021.

Nguồn: Theo The Japan Times, Ainu Upopoy

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.