pnvnonline@phunuvietnam.vn
Người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nên tập thể dục với cường độ như thế nào?
Bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính vẫn có thể tập thể dục thường xuyên mỗi ngày miễn là các bài tập vừa với sức của mình. Việc luyện tập thể dục thể thao sẽ giúp người bệnh tăng cường sức khoẻ, giúp việc hô hấp hiệu quả hơn, giảm bớt cảm giác khó thở.
Bên cạnh đó, việc tập thể dục cũng sẽ giúp cho máu lưu thông tốt, từ đó cơ thể cũng cần ít oxy hơn. Luyện tập cũng là một phần trong chương trình điều trị của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Vậy người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nên tập những bài tập như thế nào? Cường độ ra làm sao?
1. Nguyên tắc vận động cho người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
Để việc vận động ở người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) an toàn và đạt hiệu quả cao, người bệnh cần tuân thủ một số nguyên tắc như sau:
- Nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa về chương trình luyện tập trước khi bắt đầu.
- Nên tập ở những trung tâm phục hồi chức năng hô hấp gần nhà để được hướng dẫn đúng cách và giám sát quá trình luyện tập. Việc tự tập luyện ở nhà chỉ khuyến khích khi bệnh nhân gặp bất tiện trong vấn đề đi lại.
- Việc luyện tập cần phải kiên nhẫn do hiệu quả của việc vận động khá chậm.
- Chỉ nên luyện tập vừa sức của mình. Nếu cảm thấy mệt mỏi trong lúc luyện tập có thể nghỉ ngơi 1 thời gian ngắn.
- Do mức độ bệnh cũng như tình trạng sức khoẻ của mỗi bệnh nhân là khác nhau, vì vậy nên lựa chọn các bài tập, cường độ luyện tập sao cho phù hợp với bản thân.
Ngoài ra, có một số yêu cầu cần thiết trong quá trình luyện tập dành cho người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cần ghi nhớ bao gồm:
- Để đạt được hiệu quả như mong muốn thì thời gian tập nên là tối thiểu từ 6 đến 8 tuần. Mỗi tuần cần ít nhất 3 buổi tập và mỗi buổi tập nên kéo dài 30 phút.
- Nếu chưa quen với thời gian luyện tập là 30 phút, bệnh nhân có thể xen kẽ những khoảng nghỉ nhỏ và tăng dần thời lượng luyện tập.
- Sau một thời gian, chất lượng cuộc sống sẽ dần được cải thiện. Các cơn khó thở sẽ được giảm bớt, người khoẻ khoắn hơn đồng thời có thể làm được một số việc cần gắng sức. Nếu ngưng tập thì hiệu quả này sẽ giảm dần và mất đi theo thời gian.
- Nếu dễ bị mệt khi đang gắng sức, có thể dùng thuốc giãn phế quản trước khi tập. Ngoài ra, bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính cũng có thể kết hợp với thở oxy lúc đang tập để giúp cho việc tập luyện dễ dàng hơn.
2. Người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nên tập những bài tập gì?
Dù cho có tập các bài tập như thế nào, buổi tập của bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính COPD nên kéo dài 30 phút và có đầy đủ các phần như:
- Khởi động để làm tăng dần nhịp tim, nhịp thở, giúp cơ thể có thể chuẩn bị, thích nghi với vận động.
- Thực hiện các bài tập tay và chân.
- Thư giãn để làm giảm dần nhịp tim, nhịp thở giúp cơ thể người bệnh dần dần trở lại trạng thái bình thường.
2.1. Các động tác khởi động
Ở phần khởi động, người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nên tập các động tác tay và chân nhẹ nhàng để giúp làm nóng cơ thể, chuẩn bị cho phần vận động chính. Có thể thực hiện các động tác sau đây:
- Đứng thẳng, tay để ngang vai. Bàn tay chạm bờ vai sau đó xoay người sang phải và hít vào. Tiếp tục trở về tư thế ban đầu rồi thở ra. Lặp lại động tác này 10 lần liên tiếp.
- Đứng thẳng, hai tay đưa ra phía trước. Xoay người san phải rồi hít vào. Sau đó trở về tư thế ban đầu đồng thời thở ra. Lặp lại động tác 10 lần liên tiếp.
- Đứng thẳng, hai tay đưa lên cao rồi hít vào. Sau đó trở về tư thế ban đầu và thở ra. Lặp lại động tác này 10 lần liên tiếp.
Trong trường hợp bệnh nhân không thể đứng được lâu, có thể chọn một số động tác khởi động ngồi trên ghế như sau:
- Ngồi trên ghế, hai tay đưa lên cao. Xoay người, đưa tay phải chạm vào chân trái đồng thời hít vào. Sau đó trở về tư thế ban đầu và thở ra. Tiếp tục động tác với bàn tay trái chạm chân phải và thực hiện liên tục 10 lần.
- Ngồi trên ghế, hai tay giữ chặt ghế. Nâng chân phải lên cao và giữ đầu gối gập rồi hít vào. Trở về tư thế ban đầu đồng thời thở ra. Sau đó lặp lại động tác với chân trái và thực hiện 10 lần liên tiếp.
2.2. Thực hiện các bài tập
Người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nên tập những bài tập chân và tay. Các bài tập chân sẽ giúp tăng cường sức lực các bắp thịt ở chân, tăng cường độ dẻo dai của toàn cơ thể và cải thiện chức năng tim – phổi. Các bài tập tay sẽ giúp tăng cường sức lực và độ dẻo dai của các bắp thịt ở vai và cánh tay nhờ đó hỗ trợ tốt cho động tác hô hấp.
Các bài tập vận động thường bao gồm vận động tăng sức bền và vận động tăng sức cơ. Trong đó:
- Vận động tăng sức bền bao gồm các động tác lặp đi lặp lại nhiều lần để cơ thể dẻo dai, bền bỉ hơn. Một số bài tập phổ biến có thể kể đến như đi bộ, sử dụng thảm lăn, đạp xe, đạp xe đạp lực kế hay sử dụng máy tập quay tay…
- Vận động tăng sức cơ là các bài tập có kháng lực hoặc chịu đựng trọng lượng nhằm tăng cường lực của một số nhóm cơ cần thiết. như tập giữ thăng bằng, tập ngồi - đứng, tập đi cầu thang, tập nâng chân có trọng lực. Ngoài ra có thể luyện tập nâng tạ với mức bắt đầu là sử dụng các vật dụng nhẹ thay cho tạ như chai nước, sau đó tăng dần lên tạ 1kg, 2kg, 3kg…
2.3. Các động tác thư giãn
Sau khi thực hiện các bài tập vận động chính, dù cho cơ thể có mệt mỏi nhưng người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính vẫn cần thực hiện các động tác nhẹ nhàng, chậm dần để đưa cơ thể để trở về trạng thái bình thường. Ở giai đoạn này, mọi người nên chọn lựa các động tác căng – giãn như:
- Đứng thẳng trong góc phòng hoặc cửa ra vào. Bàn tay và vai đặt trong khung cửa. Một chân bước ra phía ngoài sau đó đẩy người về phía trước sao cho đến khi có cảm giác căng ở cơ ngực.
- Ngồi trên giường, duỗi thẳng 1 chân. Gập người về phía trước, yêu cầu giữ thẳng khớp gối đến khi thấy đau ở khoeo chân.
- Gập cánh tay lại và đưa khuỷu tay lên cao sát gần tai. Dùng bàn tay còn lại đẩy khuỷu tay về phía sau đến khi có cảm giác căng đau xuất hiện.
3. Một số điều cần lưu ý khi tập dành cho bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính
Việc tập thể dục và vận động đúng cách, vừa sức là một phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả nên được áp dụng đều đặn và thường xuyên mỗi ngày. Tuy nhiên khi tập, người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cần lưu ý những điều sau:
- Nên thực hiện phương pháp thở chúm môi trong khi tập.
- Không nên ăn quá no trong vòng 1 đến 2 giờ trước khi tập và 30 phút sau khi tập xong.
- Nên bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể trong lúc tập.
- Khi tập tại các đơn vị phục hồi chức năng hô hấp, bệnh nhân sẽ được theo dõi nhịp tim, huyết áp và lượng oxy trong máu trong lúc luyện tập.
- Nếu trong lúc đang tập các bài tập mà xuất hiện cơn khó thở, người bệnh cần thở chậm lại, tập trung vào việc thở chúm môi với thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào.
- Đặc biệt lưu ý nên dừng tập ngay khi có các triệu chứng như đau ngực, khó thở nhiều và không cải thiện sau khi dừng lại vài phút, đau co thắt ở chân kèm theo cảm giác choáng váng, lảo đảo, vã mồ hôi. Nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc tới cơ sở y tế gần nhất để có những trợ giúp thích hợp.