Người liệt toàn thân có thể sử dụng não bộ để cử động chân tay

30/03/2017 - 17:33
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Case Western Reserve (Mỹ) vừa lần đầu tiên công bố báo cáo cho biết, 1 người đàn ông Mỹ tham gia phương pháp điều trị mới đã có thể tự ăn uống sau gần 1 thập kỷ bị liệt từ vai trở xuống do tai nạn xe đạp.
Báo cáo đăng trên tạp chí y khoa Lancet cho biết theo phương pháp mới, thay vì điều trị chấn thương cột sống, dây điện, các điện cực và phần mềm vi tính đã được sử dụng để tái tạo các kết nối quan trọng giữa não và cơ của bệnh nhân.

Theo ông Bolu Ajiboye, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, đây là lần đầu tiên, một người bị liệt nghiêm trọng trong nhiều năm có thể trực tiếp sử dụng não bộ để cử động chân tay của chính mình, cũng như thực hiện các cử động chức năng khác. 

Mặc dù thiết bị cấy ghép vẫn cần được thử nghiệm thêm nhưng các nhà nghiên cứu hy vọng trong tương lai, nghiên cứu của họ sẽ giúp những người bị liệt tự làm được những công việc đơn giản hàng ngày.

Cũng theo ông Ajiboye, hệ thống này cần tiếp tục được cải tiến như sử dụng các thiết bị không dây, tăng tuổi thọ và hiệu quả sử dụng các thiết bị cấy ghép trong não bộ. Công nghệ này sẽ tạo tiền đề cho tiêu chuẩn chăm sóc y tế đối với những người bị liệt hoàn toàn trong nhiều năm.

Ông Bill Kochevar, 56 tuổi, là bệnh nhân duy nhất tham gia nghiên cứu, đã được cấy ghép hai điện cực có kích thước bằng viên thuốc aspirin dành cho trẻ em vào đầu để đọc tín hiệu não bộ, sau đó được một máy tính "dịch lại'. 
20170401_stp501.jpg
Phương pháp điều trị mới đã giúp ông Kochevar có thể tự ăn uống sau gần 1 thập kỷ bị liệt từ vai trở xuống.
Các cơ của bệnh nhân sau đó nhận được các chỉ dẫn từ các điện cực đặt trên cánh tay. Để thắng được trọng lực vốn có xu hướng kéo các chi xuống, bệnh nhân Kochevar phải sử dụng một thiết bị hỗ trợ di động cũng do não bộ điều khiển. Sau khoảng 10 năm nằm bất động, đến nay Kochevar đã có thể nhâm nhi cốc cà phê, gãi mũi và ăn khoai tây nghiền trong các bài kiểm tra của phòng thí nghiệm.

Từ năm 2014, sau khi các điện cực được cấy ghép vào cơ thể, ông Kochevar phải học cách sử dụng các bộ phận cấy ghép bắt đầu bằng việc luyện tập mô phỏng một cánh tay xuất hiện trên màn hình. Từ đó, ông có thể học cách sử dụng ý nghĩ của mình để điều khiển các cử động của cánh tay. Ông Kochevar cho biết đối với những người bị liệt 8 năm và không thể cử động thì cử động dù chỉ là chút ít cũng là điều tuyệt vời.

Theo các nhà khoa học, nghiên cứu này là sự đột phá, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi những thiết bị cấy ghép này được sử dụng rộng rãi. Bên cạnh đó, công nghệ này cũng có những hạn chế như bệnh nhân luôn phải nhìn vào cánh tay của mình để có thể điều khiển nó. Điều này là do bệnh nhân đã mất cảm giác về vị trí và chuyển động của phần dưới cơ thể hay còn gọi là mất cảm nhận trong cơ thể do bại liệt.

Hiện các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu phương pháp điều trị các tổn thương cột sống vốn gây ra chứng bại liệt. Vào thời điểm hiện tại, các nhà nghiên cứu đang phát triển giải pháp "làm việc vòng tròn" giúp kết nối não bộ với hệ cơ.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, các thiết bị cấy ghép cũng từng được sử dụng trước đây. Trong báo cáo công bố năm ngoái, các điện cực được cấy dưới da đã giúp Ian Burkhart, một người Mỹ, bị liệt nhẹ đã có thể cử động tay. Ngoài ra, còn có các phương pháp khác cho phép người tham gia sử dụng ý nghĩ của mình điều khiển cánh tay robot.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm