Người phụ nữ dân tộc Mường làm giàu từ nuôi gà thương phẩm

23/09/2022 09:00

Nhờ chăm chỉ, chăn nuôi theo hướng áp dụng khoa học kỹ thuật, mỗi năm gia đình chị Hương thu về 55 tấn gà, cho thu nhập khoảng 200-250 triệu đồng/năm.

Hưởng ứng phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới", thời gian qua, đã có nhiều tấm gương hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Lương Sơn (Hòa Bình) phát huy đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, tích cực trong học tập, lao động sản xuất, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. 

Nhiều chị đã biết vượt qua khó khăn, vươn lên làm kinh tế giỏi, ổn định cuộc sống gia đình và góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Chị Bùi Thị Hương (SN 1978, Dân tộc Mường), hội viên Chi hội phụ nữ thôn Đồng Thành (xã Cao Dương, huyện Lương Sơn) là một trong những điển hình ấy.

Chị Hương sinh ra và lớn lên ở Xóm Chỉ Bái (xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi, Hòa Bình). Năm 1997, chị kết hôn với anh Bùi Văn Tươi, thôn Đồng Thành (xã Cao Dương, huyện Lương Sơn) rồi lần lượt sinh 2 con. Cuộc sống gia đình chị Hương những năm ấy rất vất vả, khó khăn, gia đình thuộc diện hộ nghèo.

Năm 2008, được Chi hội Phụ nữ xóm hỗ trợ giúp đỡ cho vay 100.000 đồng, chị dùng số tiền đó đi mua 50 con gà giống về nuôi. Lúc đó, chị nuôi gà với suy nghĩ chân chất là nuôi thả và cho ăn rau, ăn cây chuối thái nấu với cám, ngô nhà sẵn và cứ thế đàn gà lớn bán lấy tiền, một phần tiếp tục mua gà giống và trang trải cuộc sống gia đình. 

Thời gian đó, chị được mời tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà cho lao động nông thôn do Hội LHPN xã phối hợp mở tại xóm. Từ kiến thức có được, năm 2010, được sự hỗ trợ và hướng dẫn thủ tục làm hồ sơ của Hội LHPN xã vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 50 triệu đồng.

Người phụ nữ dân tộc Mường làm giàu từ nuôi gà thương phẩm - Ảnh 1.

Chị Hương trong khu chuồng trại nuôi gà của gia đình.

Chị bàn với chồng lên kế hoạch xây dựng nhà ở đồi, làm trang trại nuôi 10.000 con gà (giống gà Sơn Tây), theo phương thức thả vườn trên diện tích 7.000m2. Do chưa có kinh nghiệm trong chăn nuôi nên những năm đầu việc chăn nuôi đạt chất lượng không đồng đều, không thu được lãi là mấy, có khi chỉ hòa vốn. Nhưng với sự kiên trì, không sợ khó khăn, chị Hương không nản chí, thường xuyên động viên và cùng chồng nghiên cứu tài liệu, học hỏi kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội phụ nữ phối hợp tổ chức, chị chuyển sang nuôi gà ta. 

Qua nhiều năm, đến nay mô hình chăn nuôi gà của gia đình chị đã phát triển mạnh. Hàng năm thu về khoảng 55 tấn gà, cho thu nhập khoảng 200-250 triệu đồng/năm; ngoài ra, chị trồng hàng trăm gốc cây ăn quả như nhãn, bưởi,… và các loại rau để phục vụ cho bữa ăn gia đình thêm phong phú, đa dạng.

Từ kinh nghiệm thành công của gia đình, chị Hương không ngần ngại chia sẻ những kinh nghiệm hay, những cách làm có hiệu quả trong sản xuất với bà con nhân dân trong thôn, trong xã. Chị mong muốn bà con tích cực tham gia thực hiện các mô hình do xã xây dựng, tích cực trong phát triển kinh tế, áp dụng mô hình mới, góp phần đẩy mạnh các phong trào, mô hình do phụ nữ đảm nhiệm trong thôn... Nhờ thế, nhiều chị em trong thôn đã mạnh dạn làm theo và áp dụng các mô hình trồng trọt, sản xuất đạt hiệu quả tốt.

Người phụ nữ dân tộc Mường làm giàu từ nuôi gà thương phẩm - Ảnh 2.

Đàn gà trong trang trại của gia đình chị Hương.

Chị Hương chia sẻ: "Để có được thành quả như ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu lao động của bản thân và gia đình. Ở địa phương chúng tôi, muốn làm nghề nông thành công, trước hết phải chọn hướng đi đúng, và quan trọng hơn là phải kiên trì, chịu khó, biết phát huy tiềm năng thế mạnh tại chính địa phương mình. Ban đầu, chăn nuôi cũng gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ tích lũy kinh nghiệm và học hỏi thêm trong quá trình chăn nuôi nên dần mang lại hiệu quả cao hơn. Tôi thấy trên báo đài đưa tin nhiều phụ nữ làm kinh tế giỏi nhờ phát triển mô hình chăn nuôi , tôi cũng mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô để phát triển kinh tế của gia đình mình".

Bà Nguyễn Thị Chi, Chủ tịch Hội LHPN xã Cao Dương cho biết, dù bận rộn với công việc gia đình, thế nhưng chị Hương vẫn luôn nhiệt tình tham gia  sinh hoạt chi, tổ phụ nữ; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động; thực hiện, rèn luyện tốt phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam "Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang". Gia đình chị luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nhiều năm liên tục, gia đình chị được nhận danh hiệu gia đình văn hóa và bản thân chị được Hội cấp trên, địa phương biểu dương là nhân tố điển hình về phát triển kinh tế. 

Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế hộ gia đình, chị Hương đã xây dựng mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi mang lại nguồn thu nhập ổn định, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.