Ở tuổi 40, chị Nguyễn Thị Bích Lệ là chủ một cơ sở chế biến hạt sen có tiếng tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai từ nhiều năm nay. Không hẳn ai cũng biết cơ duyên để chị trở thành một nữ doanh nhân thành công như hiện nay.
Đó là câu chuyện cách đây hơn 20 năm, một doanh nghiệp nước ngoài đến đặt vấn đề hợp tác với người nông dân ở huyện Nhơn Trạch để trồng sen và cam kết bao tiêu sản phẩm. “Lúc đó, người dân quê tôi trồng lúa. Phía công ty nước ngoài cung cấp giống, kỹ thuật lại còn bao tiêu sản phẩm nên mọi người quyết định chuyển sang trồng cây sen với mong muốn có được cuộc sống ngày càng tốt hơn”, chị Lệ kể.
Sau nhiều tháng ngày dày công chăm sóc, cây sen cũng đến kỳ thu hoạch. Thế nhưng, đối tác chỉ thu mua gương sen to, đều, còn những gương sen không đủ chất lượng như yêu cầu đặt ra thì không được thu mua. Mặt khác, doanh nghiệp chỉ tổ chức một điểm thu mua, trong khi sản lượng sen thu hoạch lớn nên việc bán gương sen của bà con nông dân gặp rất nhiều khó khăn. “Lúc đó, gia đình tôi cũng có một diện tích sen rất lớn, gương sen không được thu mua phải đổ bỏ đi. Có những vụ, người nông dân bỏ luôn sen khô ngoài ruộng vì giá bán quá rẻ. Cuộc sống của người trồng sen lao đao”, chị Lệ nhớ lại.
Từ thực tế “đau thương” đó, chị Lệ không cam chịu mà nghĩ đến việc sẽ tự bóc hạt sen tươi đem đi bán. Từ những khó khăn ban đầu, khi sản phẩm ngày càng có nhiều người mua thì chị mạnh dạn thuê thêm người để chế biến và thành lập cơ sở chế biến hạt sen Trường Phát. Không chỉ hạt sen, những bộ phận khác của cây sen cũng được đưa vào chế biến để làm trà, bột sen…. cung cấp ra thị trường.
Sự dấn thân, ham học hỏi giúp cho việc kinh doanh của chị ngày càng thuận lợi. Dần dà, cơ sở chế biến hạt sen Trường Phát không chỉ thu mua nguyên liệu trên địa bàn huyện mà còn mở rộng ra nhiều khu vực khác trên địa bàn tỉnh để đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Đến nay, cơ sở chế biến hạt sen của chị Lệ đã có đến 10 sản phẩm như trà sen, sen tươi, hạt sen sấy, bột sen dinh dưỡng… Cơ sở cũng tạo việc làm ổn định cho 40 lao động trên địa bàn, chủ yếu là phụ nữ. Hiện tại, trung bình mỗi ngày, cơ sở chế biến hạt sen của chị bán hàng trăm cân sản phẩm ra thị trường Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương…
Chị cũng đang bắt tay vào xây dựng khu nhà xưởng theo quy chuẩn mới để nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường. “Mục tiêu của tôi là tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm đến hệ thống các siêu thị, để người tiêu dùng được tiếp cận với sản phẩm chất lượng cũng như tiếp tục tạo thị trường ổn định cho sản phẩm”, chị nói.
Cũng theo chủ cơ sở chế biến hạt sen Trường Phát, để làm được điều đó thì bản thân phải nỗ lực nhiều hơn nữa, cũng như mong muốn các đơn vị hỗ trợ thêm trong việc phát triển bao bì, mẫu mã sản phẩm và khâu tiếp thị. “Tôi có thể khẳng định những sản phẩm từ cây sen do cơ sở làm ra đảm bảo chất lượng, giá cả phải chăng. Tôi mong muốn được hỗ trợ nhãn mác, công nghệ thông tin để hàng hóa được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn. Điều này vừa giúp cho người nông dân trồng sen có cuộc sống tốt hơn mà cơ sở ngày càng phát triển”, chị Lệ bày tỏ.