Người phụ nữ hơn 20 năm chăm sóc các mẹ bầu cơ nhỡ

15/10/2022 14:05
Cô Trâm "mê" làm việc thiện.

Cô Trâm "mê" làm việc thiện.

Cô Đặng Thị Bích Trâm (TP. Nha Trang, Khánh Hòa) hơn 20 năm nay luôn chăm sóc cho những mẹ bầu cơ nhỡ với suy nghĩ thường trực "Không cần biết con là ai, không cần biết con từ đâu. Chỉ cần biết con đang đau, mẹ sẽ ôm vào lòng...".

Mẹ của 47 người con, bà ngoại của 47 đứa cháu

Từ khi còn là một cô sinh viên, cô Trâm đã tham gia đi gom nhặt xác thai nhi về chôn cất. Vì không có một nghĩa trang cố định nên sau khi thu nhặt được phải kí gửi ở các nghĩa trang khác nhau. Có khi có chỗ cho các bé yên nghỉ, có khi lại không có. Cô cùng nhóm bạn đã quyên góp được 100 triệu mua mảnh đất để chôn cất các bé nhưng vị trí không tốt, mỗi mùa mưa gió lại làm trôi hết quan tài. Vậy nên cô Trâm nghĩ bụng chắc mình không có duyên với việc này. Từ đấy cô cũng nảy ra một suy nghĩ: "Tại sao mình không cứu các con từ lúc chưa sinh ra mà lại phải để các con đi xa thế giới này như vậy?"

Cô đã quyết định mở một mái ấm, chăm sóc các mẹ từ lúc mang bầu tới khi đi sinh và sau sinh cô vẫn chăm sóc cho đến khi có thể tự ra ngoài hoặc có gia đình đến đón. Năm 2015, mái ấm chính thức có một cái tên đầy ấm áp "Vòng tay mẹ".

Ban đầu việc làm của cô chỉ trong phạm vi phường, xã, sau đó lên đến tỉnh huyện và lan rộng ra nhiều người biết đến. Các mẹ bầu thông qua các hội nhóm trên mạng xã hội từ khắp nơi tìm về mái ấm của cô Trâm. Đến nay group "Mái ấm Vòng tay mẹ" có gần 1.500 thành viên tham gia. Các mẹ bầu từ Hà Giang, Huế, Thái Bình,… mọi lứa tuổi, mọi thành phần cần giúp đỡ là cô sẵn sàng giúp. Ai đến với mái ấm cũng gọi cô một tiếng thân thương là "Mẹ", là câu nói nghẹn lòng "Mẹ ơi, mẹ đừng bỏ con". Cô Trâm chia sẻ suy nghĩ của mình khi giúp đỡ các mẹ bầu: "Không cần biết con là ai, không cần biết con từ đâu. Chỉ cần biết con đang đau, mẹ sẽ ôm vào lòng...".

Mỗi người đến với mái ấm "Vòng tay mẹ" đều có những câu chuyện khác nhau. Có cô bé từ Huế mang thai 8 tháng nhưng giấu gia đình. Hằng ngày cô phải quấn chặt bụng để không ai biết. Cô bỏ nhà đi và tìm đến "Vòng tay mẹ" được mẹ Trâm cưu mang, rồi sinh con. Nhưng không may mắn, đứa trẻ bị dị dạng và qua đời. Người mẹ biết tin con mình mất cũng trở nên hóa điên, không còn nhận ra ai. Trong tiềm thức của cô gái trẻ ấy chỉ nhận ra một người, đó là mẹ Trâm – người đã đồng hành cùng mình những ngày tháng gian khó nhất, nắm tay mình lúc vượt cạn khó khăn nhất.

Các mẹ bầu đến với mái ấm đều gặp phải những vấn đề tâm lý nặng. Mẹ Trâm như một bác sĩ tâm lí, giúp các con giải tỏa mọi căng thẳng trong lòng. Mẹ Trâm chia sẻ: "Mình đến với các con bằng cả chân tình, không moi móc chuyện gia đình hay quá khứ mà chỉ quan tâm tình hình sức khỏe hiện tại. Dần dần các con cảm thấy tin tưởng, tự chia sẻ với mình những vấn đề, từ đó mình mới tháo gỡ những vướng mắc trong lòng các con". Cô chăm lo cho gia đình mình như thế nào thì các mẹ bầu cũng vậy. Mẹ hiểu rằng các con đã thiếu thốn nhiều thứ nên phải cố gắng tạo không khí gia đình để các con cảm nhận được, giúp các con không buồn tủi và cũng giúp các bé trong bụng mẹ phát triển tốt.

Mỗi lần các con sinh đẻ người mẹ ấy lại ngồi bên ngoài cầu nguyện, mẹ nguyện đánh đổi tuổi thọ của mình để mang bình an đến với con cháu mình. Người mẹ ấy thức trực thâu đêm bên phòng sinh, chăm sóc cho con cháu "mẹ tròn con vuông". Nhìn thấy những đứa cháu đáng yêu chào đời là cô lại quên đi bao khó nhọc, vất vả.

Mẹ Trâm làm việc thiện "cứ thế là làm thôi" - Ảnh 1.

Ngoại Trâm và cháu Khoai.

Chính nhờ sự động viên, chăm sóc của cô mà các mẹ đã không bỏ con, nhiều đứa trẻ được đến với thế giới trong vòng tay yêu thương của mẹ, của bà ngoại Trâm. Đến nay cô Trâm trở thành người phụ nữ "giàu có" với 47 người con gái cùng 47 đứa cháu ngoại.

Trao tặng hàng nghìn suất cơm miễn phí

Mái ấm "Vòng tay mẹ" cũng là một địa chỉ yêu thương mang tên "Cơm nhân ái" cũng do cô Trâm mở ra. Quán cơm phát miễn phí từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần cho những người bán vé số, lượm ve chai, những người vô gia cư, những người đi đường có hoàn cảnh khó khăn.

Mẹ Trâm làm việc thiện "cứ thế là làm thôi" - Ảnh 2.

Cơm nhân ái tới những hoàn cảnh khó khăn

Ai dừng chân tại quán của cô Trâm cũng nhận được những suất cơm đầy đủ chất dinh dưỡng kèm theo ánh mắt, nụ cười của chị em trong hội thiện nguyện. Cơm thì ngon, canh thì ngọt nên bà con biết đến quán của cô ngày một đông hơn nhưng kinh phí có hạn, "cơm nhân ái" chỉ có 30 – 40 suất cơm mỗi buổi sáng cho mọi người. Nhìn bà con đến rồi tay không ra về cô lại thấy buồn và cảm thấy áy náy. Nhưng dù là chia sẻ được ít hay nhiều thì mỗi thành viên trong hội của cô vẫn luôn làm việc một cách nhiệt tình và đầy trách nhiệm. Mỗi người một tay, người múc mắm, người múc canh, người đơm cơm đóng hộp. Tất cả đã mang đến những suất cơm ý nghĩa tới những hoàn cảnh khó khăn và những người trao đi cũng chẳng mong nhận được gì hơn ngoài những nụ cười để "đem về ta thả giữa trời làm vui".

Những hộp cơm nhân ái không chỉ xuất hiện ở một địa điểm nhất định mà hỏi khắp thành phố Nha Trang ai cũng biết, ở các tỉnh thành xa hơn cũng không xa lạ gì với nhiều người. Bởi trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, những suất cơm đã được trao gửi đến rất nhiều nơi, hỗ trợ biết bao người dân đang đối mặt với dịch dã.

Giữa lúc đại dịch đang có những diễn biến phức tạp nhất thì người phụ ấy cùng những cộng sự của mình đã không màng đến sức khỏe của bản thân. Ròng rã 3 tháng trời họ không về nhà mà tham gia phát cơm cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, cho người dân khu vực phong tỏa. Từ 300, 500 và rồi lên đến gần 1.000 suất cơm mỗi ngày được trao đi.

Những đôi chân không mệt mỏi, họ đi khắp các tỉnh thành Lâm Đồng, Đắk Lắk… Các cô, các chị xin rau dưa, khẩu trang, nước sát  khuẩn rồi đi tiếp tế gạo, mì tôm cho bà con. Trên đường người dân về quê chống dịch, ai thiếu gì đều được hội thiện nguyện của cô hỗ trợ nhiệt tình, đầy đủ.

Mẹ Trâm làm việc thiện "cứ thế là làm thôi" - Ảnh 4.

Hội thiện nguyện của cô Trâm có mặt ở mọi nơi để giúp đỡ bà con về quê chống dịch.

Nghĩ lại khoảng thời gian cùng đồng đội chống giặc "Covid", tinh thần của cô Trâm vẫn hừng hực như hai năm trước, cô hào hứng chia sẻ: "Nghĩ lại sao hồi đó mình gan thế, chẳng nghĩ đến chết chóc gì, cứ thế là đi thôi. ". 

Vay mượn, cầm cố đồ của gia đình để làm việc thiện

Để làm được nhiều việc ý nghĩa cho đời như vậy hẳn mọi người nghĩ cô giàu có lắm. Đúng là cô giàu có thật, nhưng là giàu tình cảm, còn vật chất nếu thiếu thốn cô sẵn sàng vay mượn, cầm cố đồ trong nhà để ngày càng xây cao hơn ngọn tháp yêu thương.

Mái ấm "Vòng tay mẹ" là căn nhà cô thuê chủ yếu bằng kinh phí của gia đình. Ban đầu công việc này không được chồng ủng hộ, cô phải giấu nhưng sau này biết được ý nghĩa những công việc của vợ, chồng cô đã ủng hộ. Các con của cô cũng nhất trí với công việc của mẹ. Những đứa trẻ sinh ra, con cái cô cũng chăm bẵm cùng và coi như người thân trong gia đình. Có gia đình ủng hộ nên cô càng có thêm động lực để làm nhiều việc tốt.

Có những khoảng thời gian khó khăn như đợt dịch. Cô phải mua bao nhiêu thứ để tiếp tế, hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hết 1 tỷ 4. Bên cạnh sự ủng hộ của mọi người, cô Trâm tự bỏ tiền của mình để chi trả thêm. Không có tiền, cô phải vay mượn thêm. Hiện tại, cô cũng kinh doanh một số mặt hàng như trái cây, buôn bán online để kiếm thêm thu nhập và hỗ trợ cho công việc thiện nguyện.

Hỏi về động lực nào khiến cô mạnh mẽ, làm được nhiều việc tốt như vậy cô chỉ cười dịu dàng "Có gì đâu mà to lớn, ai cũng có thể làm được thôi, cô chẳng có động lực nào cả, chỉ là rất muốn làm và cứ thế là làm thôi". Có lẽ làm những điều tốt cho đời với người phụ nữ ấy chẳng cần một lí do nào cả, chỉ tâm suy nghĩ và dẫn dắt đến những hành động đẹp. Mẹ Trâm như một bông hoa dù thật thầm lặng nhưng vẫn tỏa ngát hương thơm gần xa cho đời. Những hương thơm ấy đã viết nên câu chuyện cho riêng mẹ, câu chuyện thật đẹp cho cuộc đời này:

"Và tôi sống như đóa hoa này, tỏa ngát hương thơm cho đời

Sống với nỗi khát khao rằng được hiến dâng cho cuộc đời

Hôm nay dẫu có gian nan thì ngày mai là ngày tươi sáng hơn

Tôi sẽ viết nên câu chuyện của cuộc đời riêng tôi".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn