Người phụ nữ muốn trở thành động lực để đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu

13/06/2022 15:57
Chị Lưu Thị Hoa đã vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế và giúp đỡ nhiều người dân tại địa phương

Chị Lưu Thị Hoa đã vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế và giúp đỡ nhiều người dân tại địa phương

Chị Lưu Thị Hoa, 29 tuổi, hiện đang sinh sống tại Hà Giang cùng cha mẹ và cậu con trai nhỏ, còn chồng chị làm việc ở Hà Nội. Là một phụ nữ dân tộc thiểu số trẻ gặp khó khăn khi muốn tiếp cận vốn nhưng chị Hoa luôn nung nấu ý chí vươn lên và phát triển kinh doanh riêng cho bản thân, cải thiện kinh tế gia đình, cũng như giúp đỡ những người xung quanh.

Chị Hoa đã may mắn được tiếp cận và nhận sự hỗ trợ từ tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam thông qua Sáng kiến Thắp lửa (Ignite), một dự án giúp thúc đẩy tinh thần kinh doanh và thu hẹp khoảng cách về tài chính, công nghệ và mạng lưới quan hệ cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, đặc biệt là với các nữ doanh nhân. Nhờ đó, chị đã sáng lập Pao My - hợp tác xã nông nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh đậu Hà Lan, các loại rau xanh và mật ong bạc hà đặc trưng của Hà Giang, và mang lại việc làm ổn định lâu dài cho bà con.

Chị Hoa chia sẻ: "Hiện tại, điều mà tôi mong muốn nhất là có thể phát triển nhiều sản phẩm hơn từ nguyên liệu địa phương nhằm tạo nên nguồn sinh kế bền vững cho người dân tại quê hương mình. Đặc biệt là trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn để họ có thể chủ động kiếm sống, đồng thời, tôi cũng mong muốn góp phần cải thiện hình ảnh của sản phẩm địa phương để giúp thay đổi diện mạo quê hương".

Thông qua Ignite, chị Hoa đã tham gia các khóa học bổ trợ kiến thức về quản trị kinh doanh và quy trình sản xuất sản phẩm được tài trợ bởi Trung tâm Phát triển toàn diện Mastercard, đồng thời, chị cũng được đào tạo chuyên sâu thêm về xây dựng thương hiệu và phát triển bao bì sản phẩm, đặc biệt là với sản phẩm mật ong bạc hà của doanh nghiệp. Hiện doanh nghiệp của Hoa có 18 nhân viên.

Người phụ nữ muốn trở thành động lực để đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu - Ảnh 1.

Hợp tác xã Pao My mang lại việc làm ổn định lâu dài cho nhiều người dân

Khi dịch Covid-19 xuất hiện và "tàn phá" ngành du lịch, khiến khách hàng chủ yếu của Pao My giảm sút nghiêm trọng, chị Hoa đã nhanh chóng áp dụng các kỹ năng mới để bán hàng trên các sàn thương mại điện tử và tăng cường truyền thông trên mạng xã hội nhằm rút ngắn khoảng cách với nhóm khách hàng mục tiêu. Chị còn sử dụng hình thức phát trực tiếp (livestream) để giúp khách hàng hiểu hơn về sản phẩm của mình, và cũng giúp Pao My thấu hiểu khách hàng hơn.

"Trong tương lai, tôi hi vọng có thể tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị hơn nữa và giúp người dân quê tôi chủ động hơn trong quá trình sản xuất. Tôi mong muốn có thể trở thành một nguồn động lực cổ vũ các bạn dân tộc thiểu số khác mạnh dạn khởi nghiệp từ nguồn lực địa phương nơi họ đang sinh sống", chị Hoa cho biết.

Theo Báo cáo Chỉ số Nữ doanh nhân của Mastercard (MIWE) mới đây của Mastercard, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tỉ lệ nữ giới tham gia vào các hoạt động kinh doanh cao. Bất chấp những rào cản lớn về vốn, kỹ năng, và cơ sở hạ tầng đang đe dọa và cản trở sự phát triển, phụ nữ ở các quốc gia khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, có nhiều thành công trong việc phát triển doanh nghiệp của mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn