Người phụ nữ Mường đầu tiên ở bản Nà Bai dám trồng rau trên núi

16/09/2022 09:00

Chị Mùi Thị Thủy (SN 1991), người dân tộc Mường ở bản Nà Bai, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La là một trong số ít những người dám nghĩ, dám làm trong việc phát triển kinh tế. Vợ chồng chị là hộ đầu tiên trong bản đưa cây đậu, bắp cải về trồng trên núi...

Trang trại của chị Thủy nằm bên rìa núi. Bốn bề cây rừng bao phủ. Khác với nương ngô, nương sắn truyền thống của bà con trong bản, khu đất của chị Thủy phủ xanh bởi đậu đỗ, nhãn, gừng và cây đào. Hôm chúng tôi đến thăm, vợ chồng chị đang hái đậu. Từng hàng đậu xanh mướt, sai trĩu quả nối nhau dài tít tắp tới chân núi.

Người dám nghĩ khác ở Nà Bai  - Ảnh 1.

Bản Nà Bai đất đai rộng bát ngát nhưng chưa được khai thác hết tiềm năng.

Chị Thủy không làm giàn kiểu truyền thống bằng tre, nứa mà chị làm giàn lưới cho cây đậu leo lên. Cách làm này vừa đỡ tốn công và bớt chi phí. Phía trên là đậu neo kín giàn, phía dưới chị còn trồng thêm gừng. Khi thu hoạch đậu xong cũng là lúc thu gừng. Việc làm luân phiên này của chị Thủy đã khai thác tối đa được tiềm năng của vùng đất núi tươi tốt.

Người dám nghĩ khác ở Nà Bai  - Ảnh 2.

Vợ chồng chị Mùi Thị Thủy ở bản Nà Bai là hộ gia đình đầu tiên dám chuyển đổi cây trồng. Thay vì trồng ngô, trồng sắn trên nương, họ đã mạnh dạn trồng đậu đũa xen cây gừng và cây ăn quả.

Từng gùi đậu xanh mướt, quả non mơn mởn được chị Thủy đóng thùng cẩn thận. Mỗi ngày vợ chồng chị hái được khoảng 2-300kg, với giá bán 14.000đồng/1kg như hiện tại, mỗi ngày vợ chồng chị thu được 3 triệu đồng. 1 lứa đậu hái trong vòng 1 tháng là hết. "Trồng đậu đũa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng ngô, trồng sắn. Mỗi năm có thể trồng 3 lứa đậu. Mỗi lứa đậu thu được 3-4 tấn. Mỗi năm vợ chồng tôi thu được mấy chục triệu đồng chứ không ít", chị Thủy cho biết.

Người dám nghĩ khác ở Nà Bai  - Ảnh 3.

Chị Thủy đã dám nghĩ, dám làm trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Giờ đây gia đình chị là hộ khá ở bản.

Không dừng lại ở đó, khi cây gừng cho thu, vợ chồng chị lại có thêm một khoản không nhỏ. Sau mấy năm chuyển đổi vườn tạp, cuộc sống của gia đình chị đã có sự thay đổi rõ rệt. Vợ chồng chị Thủy không phải bỏ quê đi làm thuê, làm mướn mà ở nhà vẫn có thu nhập đều đặn. Từ một hộ nghèo khó của bản, giờ gia đình chị thành hộ khá và đi đầu trong việc phát triển kinh tế.

Thay đổi cách làm

Nà Bai bản nhỏ xinh xắn của bà con người Mường nằm tít trên núi cao. Từ bao đời nay, bà con chỉ trồng một vụ lúa rồi cuộc sống trông cả vào việc khai thác sản vật từ rừng. Gỗ nạt, măng mai ở rừng khai thác mãi cũng hết. Bà con phải đi làm thuê, làm mướn ở khắp nơi để kiếm sống.

Vợ chồng chị Thủy cũng sinh ra và sống ở vùng đất này, nhưng họ lại nghĩ khác và làm khác. Đất đai ở Nà Bai còn mênh mông, nhưng chưa ai chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngoài việc trồng cây ngô, cây lúa. Cách đây chục năm, chị Thủy và anh Quân người cùng bản nên duyên vợ chồng. Đôi vợ chồng trẻ ở miền sơn cước, tâm đồng, ý hợp đã cùng nhau quyết tâm xóa đói, làm giàu trên quê hương.

Người dám nghĩ khác ở Nà Bai  - Ảnh 4.

Chị Mùi Thị Thủy đã dám nghĩ, dám làm trên đồng đất của bản Nà Bai. Nhờ trồng cây đậu đũa mà mỗi năm anh chị thu được mấy chục triệu đồng.

Trong những lần anh chị chở nhau đi chợ Mộc Châu, chị phát hiện nơi đó bà con nông dân trồng đậu, cà chua, bắp cải rất nhiều và bán được giá. Sau khi tìm hiểu một số mô hình tại cao nguyên Mộc Châu, chị đã bàn với chồng sẽ chuyển nương ngô, nương sắn sang trồng rau. 

Ngày đầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vợ chồng chị cũng lo lắm vì trong bản chưa có ai làm. Hơn nữa, chị lo nhất là sản phẩm làm ra sẽ không có người mua. Nỗi lo lắng của chị qua mau, khi lứa bắp cải, đậu đũa đầu tiên thu hoạch, tư thương đánh cả xe ô tô đến lấy hàng. Đất Nà Bai ở vùng xứ lạnh, lại qua sự vun đắp, chăm sóc của vợ chồng chị mà cây bắp cải, cây đậu cho chất lượng ngon hơn.

Người dám nghĩ khác ở Nà Bai  - Ảnh 5.

Ngoài trồng đậu đũa, chị Thủy còn trồng gừng ở phía dưới và xen lẫn cây ăn quả.

Lứa đậu đầu tiên gia đình chị trúng lớn, thu được 30 triệu đồng, một khoản tiền lớn so với bà con nơi đây. Mừng hơn cả là cách làm của vợ chồng chị đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Không dừng lại ở việc trồng đậu, chị còn trồng cây đào, cây nhãn vào chỗ đất xấu. Sau 3 năm, cây nhãn, cây đào đã phát triển tốt. Dự tính cuối năm nay, vợ chồng chị bán gốc đào cho người chơi làm cảnh cũng thu được khoản tiền không nhỏ.

Năm tới, vợ chồng chị Thủy vận động bà con trong bản "biến" vùng Nà Bai thành vùng sản xuất hàng hóa. Bởi lẽ khi có nhiều người trồng, việc bán sản phẩm sẽ dễ hơn vì thương lái đến thu mua sản phẩm đều đặn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.