Người phụ nữ vùng cao thành công nhờ trồng cây hành lá

14/12/2022 15:30
Vườn hành lá của gia đình chị Lý Thị Sư

Vườn hành lá của gia đình chị Lý Thị Sư

Sau khi thử nghiệm nhiều loại cây trồng nhưng hiệu quả không như mong muốn, chị Lý Thị Sư đã quyết định trồng cây hành lá và thành công.

Trong những năm qua, Hội Phụ LHPN xã Hòa Mạc (huyện Văn Bàn, Lào Cai) đã tăng cường hướng dẫn, tổ chức các hoạt động hướng về hỗ trợ Phụ nữ phát triển toàn diện. Đặc biệt là "Hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ". Nhờ đó, nhiều hội viên phụ nữ đã vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu góp phần cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Một trong những gương điển hình đó là chị Hoàng Thị Sư (thôn Nà Lộc, xã Hòa Mạc).

Chị Sư cho biết, trước đây cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn, bởi thu nhập chủ yếu chỉ trông vào trồng ngô và lúa. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp năng suất thất thường, bởi phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên năm được, năm mất. Trong khi đó, các con ngày càng lớn, chi tiêu sinh hoạt tăng. Vì thế, chị luôn trăn trở, suy nghĩ làm sao vượt qua khó khăn để vươn lên làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương. 

Người phụ nữ vùng cao thu nhập cao từ trồng cây hành lá - Ảnh 1.

Chị Lý Thị Sư đang chăm sóc vườn hành lá của gia đình

Sau khi tìm hiểu, chị đã chủ động chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng hoa màu. Ban đầu, chị tự học hỏi kinh nghiệm trồng dưa chuột bản địa và dưa bở. Tuy nhiên, do thời tiết và sâu bệnh năng suất không đạt. 

Sau khi thất bại, chị được tham gia các lớp tập huấn tại UBND xã về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Chị tìm hiểu, được biết trồng hành lá khả thi hơn trồng ngô, lúa hay các loại rau màu khác. Bởi lẽ,  địa hình gần nhà thuận lợi và thị trường trên địa bàn huyện chưa ai có mô hình xuất ra thị trường và các khu chợ. Chị đã quyết tâm tự liên hệ nguồn cung cấp giống và học hỏi kinh nghiệm kỹ thuật trồng và chăm sóc hành lá.

Lúc đầu khởi nghiệp, với số vốn dành dụm ít ỏi chị lấy công làm lãi. Chị mạnh dạn trồng 0,2 ha hành lá. Vụ đầu tiên, chị bán quanh hàng xóm, trong thôn và trên địa bàn xã. Sau khi trừ chi phí, chị lãi gần chục triệu đồng nên tiếp tục trồng vụ 2. 

Người phụ nữ vùng cao thu nhập cao từ trồng cây hành lá - Ảnh 2.

Nhiều người dân huyện Văn Bàn đã học tập, phát triển các mô hình kinh tế

Thời gian sau đó, sản phẩm hành lá của gia đình chị dần dần được mọi người biết đến. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, chị không sử dụng phân hóa học và các loại thuốc bảo vệ thực vật. Thay vào đó, chị Sư chăm sóc, bón phân chuồng và các loại trấu ủ mục. Điều này vừa giúp chị tiết kiệm chi phí, sản phẩm an toàn, hơn nữa cây hành lá sau khi nhổ bán giữ được tươi lâu hơn, cây cứng cáp hơn. 

Sau một thời gian trồng thử nghiệm, chị quyết tâm mở rộng thêm 0,4 ha diện tích. Từ đó, chị mạnh dạn đầu tư thêm nguồn giống để gieo trồng.

Hiện nay, sản phẩm hành lá của chị không chỉ bán cho khách hàng tại địa phương mà còn cung cấp cho nhiều các nhà hàng và các tiểu thương buôn bán lẻ ở chợ. Hằng năm, trừ chi phí gia đình chị mang về nguồn thu nhập khá ổn định từ việc trồng hành lá. "Trồng hành lá cho năng xuất, thu nhập gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Đặc biệt, hành lá gieo hạt trồng được quanh năm và thu hoạch được hàng ngày", chị Sư chia sẻ.

Người phụ nữ vùng cao thu nhập cao từ trồng cây hành lá - Ảnh 3.

Phụ nữ xã Hòa Mạc sản xuất, góp phần phát triển kinh tế địa phương

Từ thành công của gia đình, chị Sư sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho chị em phụ nữ trong thôn kỹ thuật và cách chăm sóc cây hành lá. Chị Sư được bầu chọn là gương điển hình tiêu biểu trên địa bàn xã về chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế của địa phương. 

Ngoài làm kinh tế, chị Sư và gia đình chị luôn chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Nhiều năm qua, gia đình chị đạt danh hiệu gia đình văn hóa, bản thân chị cũng được Hội phụ nữ xã biểu dương là điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no.

Người phụ nữ vùng cao thu nhập cao từ trồng cây hành lá - Ảnh 4.

Gia đình chị Sư từng trồng lúa nhưng hiệu quả không cao

Có thể nói, chị Sư là tấm gương điển hình về tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng. Chị đã góp phần tô thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ nông thôn, xứng đáng là tấm gương để chị em phụ nữ học tập và noi theo.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn