Người trẻ muốn "chạm vào quá khứ"

29/03/2023 14:00

Ngày càng có nhiều bạn trẻ tìm đến Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội) - nơi lưu giữ rất nhiều những dấu ấn lịch sử qua các triều đại hưng thịnh của Việt Nam để tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu về cội nguồn lịch sử dân tộc.

Chiêm ngưỡng "Báu vật Hoàng cung"

Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã đẩy mạnh những chương trình giáo dục ngoại khóa như "Em làm nhà khảo cổ", "Em tìm hiểu di sản"… thu hút học sinh đến với Hoàng thành Thăng Long để hiểu hơn về lịch sử hình thành kinh đô Thăng Long qua hàng nghìn năm. Theo đó, nội dung các chuyên đề lịch sử được lồng ghép thông qua các trò chơi, slide trình chiếu, video clip…, giúp học sinh được chủ động tiếp cận di sản theo phương pháp mới hứng thú và hiệu quả hơn.

Nhiều cuộc trưng bày, triển lãm như: Xì-trum, Trò chơi dân gian Việt Nam, Tết Việt, Tết Trung Thu, Tết Đoan Ngọ, Thi Đình… tại Hoàng thành Thăng Long đã đem đến cho các em nhỏ nhiều trải nghiệm thú vị, giúp các em tìm về cội nguồn xưa, trân trọng những giá trị văn hóa lịch sử của cha ông để lại.

Khi người trẻ muốn "chạm vào quá khứ" - Ảnh 1.

Có nhiều chương trình giáo dục di sản dành cho học sinh trung học tại Hoàng Thành Thăng Long

Đặc biệt, cuộc trưng bày "Báu vật Hoàng cung Thăng Long" nhằm giới thiệu tới công chúng những hiện vật tiêu biểu, đặc sắc nhất khai quật tại Hoàng thành Thăng Long từ 2002 đến nay đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các bạn trẻ. Phát hiện quan trọng và sáng giá nhất trong số này là các sưu tập đồ kim loại quý, các loại đồ gốm sứ cao cấp do lò gốm quan Thăng Long chế tác phục vụ cho nhà vua, vương hậu, hoàng tộc và sinh hoạt của triều đình. Như chiếc bát sứ trắng mỏng trang trí hình rồng và chữ Quan, là Bảo vật Quốc gia trưng bày ở đây sẽ cho chúng ta một cái nhìn cảm phục về trình độ công nghệ chế tác, về vẻ đẹp đỉnh cao và sang quý của những đồ sứ ngự dụng đích thực của các vua nhà Lê sơ do lò quan Thăng Long tạo tác.

Đinh Huệ Linh, một nữ sinh ở Hà Nội, chia sẻ: "Cứ nhắc đến lịch sử là người ta nghĩ đến những gì khô khan nhưng đặt chân đến Hoàng Thành Thăng Long, tôi lại cảm thấy rất thoải mái khi được hòa mình vào thiên nhiên, vào không gian xanh, thoáng mát và có cảm giác như mình đang 'chạm vào quá khứ' với niềm tự hào".

Trào lưu cổ phục Việt

Những ngày cuối tuần, Hoàng Thành Thăng Long trở nên đông đúc, nhộn nhịp hơn khi nhiều bạn trẻ đến đây để trải nghiệm trào lưu mặc cổ phục Việt để chụp ảnh.

Khi người trẻ muốn "chạm vào quá khứ" - Ảnh 2.

Những ngày cuối tuần, Hoàng Thành Thăng Long nhộn nhịp hơn khi nhiều bạn trẻ đến đây để trải nghiệm trào lưu mặc cổ phục Việt để chụp ảnh

Phạm Khánh Vy (học sinh trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội) đang hoá thành "cung nữ", xuất hiện trong hoàng cung Thăng Long. Cô chia sẻ: "Em cảm thấy những bộ trang phục truyền thống của dân tộc Việt Nam quá đẹp và muốn lưu giữ những bộ Việt phục này qua những tấm hình cùng bạn bè".

Khi người trẻ muốn "chạm vào quá khứ" - Ảnh 3.

Các bạn trẻ "check in" tại không gian cổ kính Hoàng Thành Thăng Long

Đặc biệt, rất nhiều cặp đôi cũng lựa chọn chụp ảnh cưới với cổ phục Việt tại không gian Hoàng thành, mang đậm dấu ấn văn hoá Việt.

Tìm hiểu phong tục thờ cúng tổ tiên

Đặc biệt, đến Hoàng Thành những ngày giáp Tết vừa rồi, nhiều bạn trẻ còn bị thu hút bởi gian trưng bày bàn thờ gia tiên ngày Tết cổ truyền nơi đây. Tết Nguyên đán mang ý nghĩa thiêng liêng, là dịp để mọi người nhớ về cội nguồn. Trong đó, phong tục thờ cúng tổ tiên ngày Tết của người Việt là một nghi thức tâm linh, thấm đượm tính nhân văn và đạo lý.

Khi người trẻ muốn "chạm vào quá khứ" - Ảnh 4.

Phong tục thờ cúng ngày Tết của người Việt được phục dựng lại tại Hoàng Thành Thăng Long

Theo đó, đêm 30 Tết lễ cúng giao thừa (hay còn gọi là lễ trừ tịch) được coi là lễ quan trọng nhất, có ý nghĩa "tống cựu nghinh tân" để tiễn đưa vị đương niên đại vương Hành khiển của năm cũ và đón rước vị tân đại vương Hành khiển của năm mới. Sáng mùng Một, nhà nhà sắm sửa mâm cúng ngày đầu năm. Vì quan niệm linh hồn của tổ tiên cư ngụ trên bàn thờ cùng con cháu ăn tết nên người ta thường làm cơm cúng vào mỗi buổi sáng từ mùng Một Tết cho tới ngày hóa vàng.

Cô Hoa (Q.Ba Đình, Hà Nội) đứng rất lâu để giảng giải cho các con của mình về gian trưng bày bàn thờ gia tiên. "Với người Việt, ban thờ là một tục lệ tốt đẹp, thể hiện việc uống nước nhớ nguồn, hướng về tổ tiên. Gian trưng bày bàn thờ ngày Tết ở đây rất đầy đủ tục lệ của người Việt từ ngàn xưa".

Hoàng Thành Thăng Long là công trình kiến trúc vĩ đại của Việt Nam được Unesco công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Đây là một trong những dấu ấn vàng son của dân tộc Việt Nam gắn liền với lịch sử nghìn năm rực rỡ. Xuất phát từ Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ vào năm 1010, kinh thành chính thức dời về Thăng Long (tên trước đó là Đại La) và các công trình dần được xây dựng. Trong đó nổi bật nhất là đại công trình Hoàng Thành với mô hình "Tam trùng thành quách". Thành gồm có 3 vòng: La thành, Hoàng thành, Tử cấm thành. Sau hơn 1000 năm, trải qua thời đại Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn… Hoàng Thành Thăng Long đã bị thời gian và các cuộc tấn công phá hoại nghiêm trọng. Hiện nay phần lớn kiến trúc được bảo tồn, phục dựng trên nền di tích cũ. Bên cạnh phần công trình trên bề mặt, khu khảo cổ cũng dần được khai quật bài bản và mở cửa cho công chúng tham quan.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn