Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bị sởi bệnh nhân nhất định phải biết

Ngọc Điệp
05/11/2020 - 13:32
Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bị sởi bệnh nhân nhất định phải biết
Sởi chính là tác nhân gây ảnh hưởng đến tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng của người bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ bởi khi mắc bệnh, bệnh nhân thường chán ăn, bỏ ăn, nôn và tiêu chảy. Vì vậy, nắm chắc nguyên tắc dinh dưỡng cho người bị sởi là vô cùng quan trọng.

Bệnh sởi thường tiến triển nặng ở những trẻ nhỏ có tình trạng dinh dưỡng kém, đặc biệt là thiếu vitamin A, suy dinh dưỡng hay có hệ thống miễn dịch suy giảm.

Vì thế, việc tuân thủ các nguyên tắc dinh dưỡng cho người bị sởi là điều rất cần thiết trong việc chữa sởi. Nó giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, chống lại tác nhân gây bệnh. Đồng thời, nó còn giúp trẻ mắc sởi giảm thiểu nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm.

1. Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bị sởi - bắt buộc phải uống vitamin A theo phác đồ của Bộ Y tế

Bệnh sởi làm tăng nhu cầu vitamin A của cơ thể, dẫn đến tình trạng thiếu vitamin A. Hơn nữa, trên thực tế ngay cả ở những trẻ trước đó được nuôi dưỡng tốt và không thiếu vitamin A vẫn có thể gây biến chứng viêm loét giác mạc, thậm chí gây mất thị lực vĩnh viễn.

Theo phác đồ điều trị bệnh sởi của Bộ Y tế, trẻ phát hiện mắc bệnh sởi cần được uống ngay vitamin A theo liều như sau:

- Trẻ dưới 6 tháng tuổi: uống 50.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp;

- Trẻ 6 -12 tháng: uống 100.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp;

- Trẻ trên 12 tháng và người lớn (trừ phụ nữ đang mang thai): uống 200.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp.

Trong những trường hợp có biểu hiện thiếu vitamin A: lặp lại liều trên sau khoảng thời gian từ 4-6 tuần.

Theo các nghiên cứu, bổ sung vitamin A làm giảm 50% trường hợp tử vong do bệnh sởi. Vì thế, nguyên tắc dinh dưỡng cho người bị sởi đầu tiên là bắt buộc tất cả trẻ em mắc sởi đều phải được uống vitamin A theo phác đồ của Bộ Y tế.

Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bị sởi bệnh nhân nhất định phải biết - Ảnh 1.

Trong thời gian mắc sởi, bệnh nhân phải uống vitamin A theo liều điều trị của Bộ Y tế - Ảnh Internet.

2. Xây dựng chế độ ăn khoa học giúp tăng cường hệ miễn dịch cho người bệnh

Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bị sởi thứ hai là xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp. Theo đó, chế độ ăn phù hợp cho bệnh nhân sởi cần phải đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm: chất bột đường, chất đạm, chất béo, giàu vitamin - khoáng chất thiết yếu. Đồng thời, bệnh nhân phải ăn đa dạng thực phẩm, từ 15-20 loại thực phẩm mỗi ngày.

Đối với trẻ em trong độ tuổi bú mẹ mà bị sởi, mẹ cần tiếp tục cho con bú, cho bú nhiều lần kết hợp với ăn bổ sung hợp lý. Theo đó, cần cho trẻ ăn đủ các thức ăn giàu đạm như thịt, cá (cá chép, cá quả, cá hồi, cá trích…), trứng, sữa, hải sản. Đây đồng thời cũng là nguồn cung cấp kẽm và sắt giúp tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng cho trẻ.

Trong trường hợp trẻ mắc sởi bị biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi, cần bổ sung kẽm bằng đường uống cho trẻ. Tăng cường cho trẻ ăn rau, quả có màu vàng hoặc đỏ (cà rốt, cà chua, bí đỏ, cam, xoài, dưa hấu…) và các loại rau có lá xanh sẫm (rau muống, rau ngót, cải bó xôi,…).

Nhóm thực phẩm này chứa nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A, vitamin C… giúp tăng cường miễn dịch, chống nhiễm trùng và làm nhanh lành các tổn thương, đặc biệt tổn thương ở mắt, chống mù lòa.

Hơn nữa, bệnh nhân mắc sởi cũng cần bổ sung các loại quả giàu vitamin C trong bữa ăn của mình. Những loại quả này giúp nâng cao sức đề kháng và cung cấp nước cho cơ thể người bệnh như bưởi, táo, lê…

Bên cạnh đó, khi đang bị bệnh sởi, người bệnh không nên dùng các loại gia vị cay nóng như ớt, hạt tiêu, quế, hành tây, tỏi,… hạn chế các thức ăn chứa nhiều chất béo no, nội tạng động vật. Bệnh nhân cần tuyệt đối tránh, không dùng các thức ăn mà đã bị dị ứng hoặc các thức ăn lạ.

Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bị sởi bệnh nhân nhất định phải biết - Ảnh 3.

Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp cho người bệnh - Ảnh Internet

3. Lựa chọn thực phẩm

3.1. Sử dụng nguồn thực phẩm giàu vitamin A trong các bữa ăn

Như đã nói, lượng vitamin A sẽ bị thiếu hụt khi mắc sởi. Vì thế, nguyên tắc dinh dưỡng cho người bị sởi tiếp theo là sử dụng nguồn thực phẩm giàu vitamin A trong các bữa ăn.

Theo đó, thức ăn có nguồn gốc động vật có nhiều vitamin A hay retinol là tốt nhất, hầu hết ở dạng retinyl-ester. Các bác sĩ cho biết, gan là nơi dự trữ vitamin A, nên gan có thành phần retinol cao nhất. Vì thế, bệnh nhân mắc sởi nên ăn gan để bổ sung nguồn vitamin A bị thiếu hụt.

Ngoài ra, thịt và lòng đỏ trứng cũng chứa một lượng vitamin A đáng kể.. Bệnh nhân cũng cần bổ sung các thức ăn nguồn gốc thực vật có nhiều tiền vitamin A (Beta-carotene) như các loại củ quả có màu vàng/đỏ, các loại rau màu xanh sẫm, dầu cọ và các loại dầu ăn khác.

3.2. Lựa chọn các thực phẩm giàu kẽm

Kẽm là chất có vai trò đặc biệt quan trọng cho phát triển và duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống miễn dịch, cần thiết cho việc bảo vệ cơ thể trước bệnh tật, làm vết thương mau lành. Thiếu kẽm sẽ làm tổn thương chức năng miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virus từ đó làm tăng nguy cơ bị suy dinh dưỡng và tử vong ở trẻ.

Vì thế, một trong những nguyên tắc dinh dưỡng cho người bị sởi quan trọng tiếp theo là bổ sung kẽm cho cả trẻ em và người lớn. Thực phẩm chứa nhiều kẽm bệnh nhân cần chú ý bổ sung vào trong thực đơn của mình là tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, lạc...). Với trẻ sơ sinh, để có đủ kẽm, người mẹ nên cố gắng cho bú sữa mẹ vì kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn nhiều so với sữa bò

3.3. Thực phẩm giàu vitamin C

Một trong những lưu ý cho bệnh nhân mắc sởi là bổ sung nhóm thực phẩm chứa nhiều vitamin C vào trong bữa ăn hàng ngày vì Vitamin C có chức năng chống lại dị ứng, làm tăng chức năng miễn dịch.

Nhóm thực phẩm chứa nhiều vitamin C là các loại quả chín như: cam, bưởi, chuối, xoài, dưa hấu… và các loại rau như rau ngót, rau giền, rau đay, mồng tơi, rau muống,

Khi mắc sởi, cha mẹ nên cho trẻ uống nước quả chín (từ 1-2 cốc/ngày) để cung cấp đủ lượng vitamin C giúp nâng cao miễn dịch, từ đó giúp quá trình hồi phục cơ thể nhanh chóng hơn.

Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bị sởi bệnh nhân nhất định phải biết - Ảnh 4.

Thực phẩm giàu vitamin C cần thiết cho người bệnh sởi - Ảnh Internet

4. Cách chế biến thức ăn cho người bệnh sởi

Một trong những nguyên tắc quan trọng về dinh dưỡng cho người mắc sởi là cách thức chế biến thức ăn. Theo đó, cần phải đảm bảo xây dựng khẩu phần ăn hàng ngày với các món ăn hợp khẩu vị nhưng thức ăn cần được cắt thái hoặc xay nhỏ hơn, chế biến mềm hơn, lỏng hơn so với lúc chưa bị bệnh.

Hơn nữa, bệnh nhân cũng cần thay đổi món ăn và chia làm nhiều bữa nhỏ để giúp cho quá trình ăn nhai tốt hơn, ăn ngon miệng hơn và dễ tiêu hóa hơn.

Ngoài ra, cần chú ý tránh các thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, thức ăn nướng, xông khói… Khi chế biến, tránh làm rau bị dập nát, chỉ cho rau vào nấu khi nước đã sôi, nấu xong nên ăn ngay để tránh mất các vitamin, nhất là vitamin C và beta-caroten. Tất cả các dụng cụ chế biến phải sạch sẽ, nhớ rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và khi cho trẻ ăn.

Trên đây là những nguyên tắc dinh dưỡng cho người bị sởi bệnh nhân cần nắm vững. Ngoài ra, bệnh nhân cần uống đủ nước, nhất là trong giai đoạn đang sốt, nôn. Người bệnh có thể uống lọc hoặc các loại nước quả như nước cam, nước bưởi, nước chanh.

Khi bị sốt cao, nôn và tiêu chảy cần cho uống dung dịch oresol để bù nước và điện giải theo hướng dẫn. Sau khi đã khỏi bệnh, cần ăn nhiều hơn trong giai đoạn hồi phục ít nhất là 2 tuần để người bệnh có thể nhanh chóng trở về tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe bình thường.

Nguồn: #
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm