Nhật ký của tu sĩ Công giáo trong tâm dịch: Giữa gian khó, càng tin hơn vào tình người

31/08/2021 10:19
Trao bằng khen cho các tình nguyện viên tôn giáo kết thúc đợt tình nguyện tại tuyến đầu chống dịch

Trao bằng khen cho các tình nguyện viên tôn giáo kết thúc đợt tình nguyện tại tuyến đầu chống dịch

Những ngày làm công tác thiện nguyện tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (Thủ Đức, TPHCM), với tôi cũng như các tình nguyện viên khác là khoảng thời gian đáng trân quý của cuộc đời. Sau một tháng tham gia, tôi càng tin hơn vào tình người giữa gian khó, tin rằng Sài Gòn sẽ sớm đón những ngày bình thường mới.

Thầy Chung Chí Tâm là tu sĩ Công giáo tại Tu Viện La San Đức Minh ( Q3, TPHCM). Thầy là 1 trong số 160 tình nguyện viên (TNV) Công giáo tham gia đợt 1 đi hỗ trợ cho các bệnh viện điều trị Covid-19 tại TPHCM, do Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức. Đoàn TNV Công giáo tham gia đợt 1 có 25 nam và 135 nữ.

Sau một tháng tham gia tình nguyện, thầy Chung Chí Tâm chia sẻ: Ngày đầu tiên, tôi cùng anh chị em TNV đặt chân đến Bệnh viện Hồi sức Covid-19, chúng tôi được hướng dẫn rất kỹ lưỡng về công tác phòng chống dịch, trong đó có hướng dẫn cách mặc và tháo đồ bảo hộ để tránh bị lây nhiễm. Sau đó, các TNV sẽ phân thành các nhóm riêng và di chuyển đến các Khoa trong bệnh viện để làm quen với công việc. Ở đây, chúng tôi được điều dưỡng trưởng tên Liên cùng các điều dưỡng khác và một số hộ lý hướng dẫn tận tình.

Tôi nhớ rõ về ngày đầu tiên làm việc, hôm đó có một bệnh nhân sắp ngưng thở, ngay lập tức các bác sĩ, điều dưỡng tập trung lại để cấp cứu. Người thì bóp bóng, người thì chạy đi lấy bình oxy, người thì lấy thiết bị y tế… Mọi người dồn toàn bộ tâm trí để giành lại sự sống cho bệnh nhân. Vừa cứu được bệnh nhân này thì lúc sau lại đến bệnh nhân khác.

Công việc bên trong phòng bệnh diễn ra thường ngày như thế. Còn bên ngoài phòng bệnh, TNV chúng tôi đảm nhận rất nhiều công việc khác nhau. Chúng tôi làm vệ sinh phòng bệnh, giúp các điều dưỡng thay ga giường, thay tã, cho bệnh nhân ăn uống, lau người cho bệnh nhân… Là tu sĩ tôn giáo, chúng tôi còn thêm công việc là cầu nguyện cho các bệnh nhân được chữa lành, bớt đau đớn, cầu nguyện cho tất cả y, bác sĩ và cả TNV không ai bị lây nhiễm dịch bệnh Covid-19.

Ở đây, chúng tôi vẫn chào nhau và nói chuyện với nhau nhưng không ai biết mặt ai. Ở cạnh nhau lâu, chỉ phân biệt qua hình dáng bên ngoài để chứ chưa bao giờ thấy mặt. Bởi lẽ, ai cũng phải mặc đồ bảo hộ kín mít, che chắn kỹ càng.

Nhật ký của TNV tôn giáo sau một tháng đi tình nguyện - Ảnh 1.

Các TNV tôn giáo mặc đồ bảo hộ kín mít trong suốt quá trình làm việc

Từ ngày có bóng dáng của TNV đến đây góp sức phục vụ, tôi thấy bệnh viện trở nên sạch đẹp hơn so với trước đây. Chúng tôi lau dọn mỗi ngày ít nhất cũng 3 lần theo 3 ca làm việc. Nhiều bác sĩ còn khen rằng: "Từ ngày có TNV vào làm việc thì bầu khí trở nên vui tươi, mọi thứ xung quanh trở nên trật tự nề nếp, phòng ốc sạch sẽ gọn gàng". Đôi khi, các TNV hăng hái làm việc liên tục đến nỗi các anh chị điều dưỡng còn bảo chúng tôi "ra ngoài nghỉ đi". Có lẽ, họ sợ chúng tôi sẽ đuối sức.

Thời gian rảnh, tôi đi vòng vòng qua các phòng xem có ai cần giúp gì hay không. Tôi còn đi thăm bệnh nhân của các khoa khác, thăm những người đã từng ở khoa này chuyển qua khoa khác. Đến khoa nào, tôi cũng cảm nhận được sự tân tụy của đội ngũ y, bác sĩ nơi đây. Họ ngày đêm túc trực chăm sóc bệnh nhân, cơm ăn vội không đúng giờ, giấc ngủ tính từng phút. Thế nhưng tinh thần lăn xả thật đáng ghi nhận khi công việc đầy áp lực cứ nối tiếp nhau.

Niềm vui của chúng tôi là nhìn thấy những bệnh nhân được xuất viện trở về hay chuyển qua bệnh viện dã chiến để điều trị, vì lúc này bệnh đã nhẹ hơn. Chúng tôi vui với niềm vui của bệnh nhân và đau chung với nỗi đau của họ.

Vào một ngày, chúng tôi nhận được thông báo sẽ trở về sau một tháng phục vụ. Tôi cũng muốn ở lại lắm nhưng bận việc riêng nên đành quay về. Chân bước đi mà lòng lưu luyến. Tôi về nhưng đồng đội tôi vẫn còn ở đó và tiếp tục chiến đấu. Dịch bệnh nhất định sẽ bị đẩy lùi.

Có bắt đầu sẽ có kết thúc. Covid-19 xuất hiện rồi cũng sẽ bị tiêu diệt, trả lại cuộc sống bình thường cho nhân loại. Cái bình thường cũ của ngày xưa đã qua đi và nay ta sống trong cái bình thường mới. Mong rằng đất nước thương yêu của chúng ta sớm trở lại bình yên như vốn có.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn