Năm 1999, theo chủ trương phát triển kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Thịnh được chọn là một trong những nơi ưu tiên phát triển đàn bò sữa bởi điều kiện đất đai, thời tiết khá phù hợp. Cũng từ đó đến nay, cánh đồng chiêm trũng ngày nào đã được cải tạo để trở thành những cánh đồng cỏ xanh mướt ngút ngàn. So với nhiều địa phương khác của huyện Vĩnh Tường, xã Vĩnh Thịnh luôn được coi là điểm sáng về kinh tế. Bởi suốt gần 20 năm qua, đàn bò sữa lên tới 5.000 - 6.000 con là nguồn thu chủ yếu của bà con nơi đây.
Thế nhưng, những ngày này, khi về xã Vĩnh Thịnh, An Tường (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) hỏi về chăn nuôi bò sữa thì ai cũng lắc đầu ngao ngán pha lẫn sự lo lắng thấy rõ. Bởi lẽ, một đại dự án khu du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh - An Tường đang sắp được xây dựng trên những cánh đồng cỏ vốn dùng để chăn nuôi bò.
"Mất bò, chúng tôi biết làm gì?”
Đó là nỗi lo lắng chung của rất nhiều chị em phụ nữ ở xã Vĩnh Thịnh khi đề cập đến việc thu hồi hàng trăm hecta đất nông nghiệp, chủ yếu dùng để trồng cỏ chăn nuôi bò sữa để thực hiện dự án khu du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh - An Tường.
Đứng trước cánh đồng xanh ngút ngàn tầm mắt, cụ bà Phùng Thị Bân (85 tuổi, trú tại thôn Hệ, xã Vĩnh Thịnh) lo lắng nói: “Cháu xem, nông dân chúng tôi nếu không còn đất nữa thì sống bằng cái gì?”.
Đồng cỏ ngút ngàn này sẽ phải nhường lại cho dự án của FLC? |
Rồi cụ Bân nói tiếp, cuộc sống của người dân ở đây đang yên bình, khấm khá thì tự nhiên ở nhà văn hóa thôn treo quy hoạch chi tiết về dự án khu đô thị sinh thái Vĩnh Thịnh - An Tường. “Nhìn thấy bản quy hoạch, chúng tôi giật mình sửng sốt khi gần như toàn bộ đất nông nghiệp của nhiều thôn trên địa bàn xã đều nằm trọn trong đại dự án của FLC. Trước đó, không một ai nói hay hỏi ý kiến của chúng tôi về dự án này”, cụ Bân kể.
Theo cụ Bân, người dân không đồng thuận việc thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện dự án không phải vì giá đền bù thấp hay cao mà vấn đề mấu chốt ở việc, mất đất thì bà con sống bằng cái gì? “Nếu thu hồi 256ha đất (đa phần là đất trồng cỏ nuôi bò sữa) thì đàn bò sẽ mất. Nguồn thu chính mất đi, thì chúng tôi sống bằng cái gì, rồi còn đời con cháu chúng tôi nữa?”, cụ Bân lo lắng.
Bà Chu Thị Trúc lo lắng nếu mất đất nông nghiệp |
“Khi thu hồi đất, nhà nước sẽ đền bù cho nông dân và doanh nghiệp thực hiện dự án sẽ tạo công ăn việc làm cho bà con chứ?”, PV đặt câu hỏi. “Ối giời, mỗi khẩu chỉ khoảng 10 thước đất, nếu đền bù với giá 126 triệu đồng/sào như chính quyền nói, thử hỏi sẽ làm gì với số tiền ấy? Còn sắp xếp việc làm cho người dân ư? Già như chúng tôi, trình độ không có thì sẽ làm được việc gì trong cái khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng ấy? Nói thật, không có bò, chúng tôi chả biết bấu víu vào đâu nữa!”, bà Chu Thị Trúc, 62 tuổi (trú tại thôn Hệ) trả lời.
Nói về lo lắng của người dân, ông Nguyễn Văn Phong, Bí thư Chi bộ thôn Hệ, cho biết, đa số người dân trong thôn chưa đồng thuận giao đất cho dự án của FLC, vì người dân không biết họ sẽ trông chờ vào gì để sống sau khi thu hồi đất.
"Chúng tôi không thể sống khi thiếu đất nông nghiệp"
FLC nói gì? Trao đổi với PV Báo PNVN về vấn đề này, đại diện Tập đoàn FLC cho rằng, hiện dự án đang trong giai đoạn xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chứ chưa triển khai ngay nên bà con “cứ yên tâm”. Nhưng khi PV đề cập đến việc, dự án đang chờ xin ý kiến, sao tháng 3/2016 lại tổ chức khánh giai đoạn 1 và khởi công giai đoạn 2 của dự án? Thì vị này từ chối đưa ra câu trả lời với lý do sẽ hỏi ý kiến lãnh đạo. |
Đem tâm tư của những người dân đứng trước nguy cơ mất đất trồng cỏ chăn nuôi bò, chúng tôi trao đổi với lãnh đạo UBND xã Vĩnh Thịnh. Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch UBND xã, cũng là người đang nuôi gần 20 con bò sữa xác nhận và cảm thông với tâm tư của người dân. Bởi lẽ, hơn ai hết gia đình ông Thành cũng lo lắng cho tương lai của đàn bò. “Vợ tôi cũng nuôi bò sữa nên tôi hiểu được tâm tư của bà con. Với tư cách là cơ quan cơ sở, tuyên truyền cho người dân về dự án nhưng đúng là chưa có sự đồng thuận của người dân về dự án này”, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh thừa nhận.
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh |
“Nếu như việc thu hồi đất phục vụ dự án của FLC được triển khai, đàn bò sữa sẽ về đâu, các anh phải bán đi sao?”, PV đặt câu hỏi với Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh. Ông Thành thẳng thắn trả lời: “Bán ai mua”. Câu trả lời ngắn gọn nhưng ẩn chứa nỗi buồn sâu xa của ông Chủ tịch.
Nói về hệ quả của việc không còn đất để trồng cỏ nuôi bò, những người phụ nữ sẽ đi về đâu, làm gì để sinh sống, chính ông Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh cũng chưa đưa ra được câu trả lời. Còn với vợ ông, một phụ nữ đang nuôi bò sữa, ông Thành ngậm ngùi nói: “Thì ở nhà trông cháu, chứ biết làm gì”.
Chính phủ yêu cầu kiểm tra việc lấy đất nông nghiệp để làm siêu dự án
Liên quan đến vấn đề mang tính thời sự này, vừa qua Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản giao Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài nguyên-Môi trường, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý vấn đề UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án du lịch, nghỉ dưỡng ở Vĩnh Thịnh, An Tường. |