Nhiều thai phụ dân tộc thiểu số không chuẩn bị bất cứ thứ gì để sinh con

17/03/2023 11:02
Các cô đỡ thôn bản như “cánh tay nối dài" của ngành y tế

Các cô đỡ thôn bản như “cánh tay nối dài" của ngành y tế

Theo Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Y Thông, vẫn còn 13,6% phụ nữ dân tộc thiểu số không sinh con tại cơ sở y tế. Đây chính là lý do để những cô đỡ thôn bản dù có lúc muốn bỏ nghề, nhưng nghĩ đến những người phụ nữ và em nhỏ sinh ra trong khó khăn, nguy hiểm, các chị lại tiếp tục nỗ lực...

"Tôi làm cô đỡ chỉ vì dân tin tưởng và tín nhiệm chứ phụ cấp chỉ được 800 nghìn đồng/tháng. Nhiều lúc còn bỏ tiền túi của mình ra để mua thêm vật dụng y tế", đó là chia sẻ của chị Triệu Thị Phẩy (31 tuổi) tại xóm Lũng Khoen, xã Vũ Nông, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Năm 2010 chị Phẩy được đi học các kĩ thuật về sinh sản ở bệnh viện tỉnh Cao Bằng, sau đó chị lại tiếp tục đi học nâng cao. Đến nay, chị đã giúp đỡ được rất nhiều thai phụ từ chăm sóc sức khỏe sinh sản đến đỡ đẻ tại nhà.

Làm cô đỡ thôn bản đã 12 năm, gặp nhiều tình huống "thót tim", chị Triệu Thị Phẩy luôn đau đáu trong lòng về điều kiện sinh nở của phụ nữ vùng cao.

Nhiều thai phụ dân tộc thiểu số không chuẩn bị bất cứ thứ gì để sinh con - Ảnh 3.

Chị Phẩy cho biết, nhiều bà mẹ không biết về những nguy cơ khi mang thai nên vẫn muốn sinh con tại nhà để đỡ tốn tiền đi bệnh viện

Chị cho biết, nhiều bà mẹ không biết về những nguy cơ khi mang thai nên vẫn muốn sinh con tại nhà để đỡ tốn tiền đi bệnh viện.

Các thôn làng nằm cách nhau rất xa nên nhiều lúc chị Phẩy phải đi bộ cả quãng đường dài để đến với thai phụ, thậm chí thai phụ còn không chuẩn bị bất cứ thứ gì cho việc sinh con.

"Tình huống mà tôi nhớ mãi về chuyện đỡ đẻ, đó là một bà mẹ chưa mua được đồ sơ sinh để sinh nở mà lúc đó lại vào mùa đông. Tôi đành lấy áo của mình ra để cuốn cho đứa trẻ sơ sinh vừa chào đời", chị Phẩy chia sẻ.

Những con đường mòn ở xã Kon Đào, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum luôn là thách thức với người tham gia giao thông bởi đường ngoằn ngoèo khó đi. Vậy mà, đã bao năm nay cô đỡ thôn bản Y Hiếu (sinh năm 1980) người dân tộc Xơ Đăng vẫn ngày đêm lặn lội để đến với những gia đình sắp đón em bé chào đời.

Nhiều thai phụ dân tộc thiểu số không chuẩn bị bất cứ thứ gì để sinh con - Ảnh 4.

Cô đỡ thôn bản Y Hiếu, người dân tộc Xơ Đăng

Thôn Đăk Lung, xã Kon Đào nơi chị Y Hiếu sống cách thành phố Kon Tum 50km, đường đi từ trung tâm tới xã, huyện thì thuận lợi, nhưng đường đến các thôn bản thì vô cùng khó khăn. Xã Kon Đào chủ yếu là đồng bào dân tộc Xơ Đăng sinh sống, có rất nhiều người không biết chữ. Cũng có nhiều gia đình nghèo, không đủ ăn, đủ mặc, nên việc vận động chị em phụ nữ sinh đẻ tại cơ sở y tế rất khó khăn.

Điều mà cô đỡ như chị Hiếu sợ nhất chính là những bà mẹ sinh bất thường, sinh đôi, đẻ non, băng huyết sau sinh, ngôi thai ngược. Những ca này khiến chị phải thức không dám ngủ để trông chừng thai phụ sinh con.

Nhiều thai phụ dân tộc thiểu số không chuẩn bị bất cứ thứ gì để sinh con - Ảnh 6.

18 năm làm cô đỡ thôn bản, chị Y Hiếu đã trở thành người được các thai phụ gửi niềm tin

"Có lần tôi đã đỡ một ca khó, ngôi thai ngược. Lúc chạy được tới nhà sản phụ thì một chân em bé đã thò ra ngoài rồi. Sau hơn một giờ xoay sở, em bé cũng được sinh ra. Tuy nhiên, bé tím tái, không khóc được. Lúc đó mình đã khóc vì nghĩ bé không qua khỏi. Nhưng may mắn thay, sau một hồi cấp cứu em bé đã hồng hào và cất tiếng khóc"- chị Hiếu nhớ lại.

Chị Hiếu thừa nhận, chị làm cô đỡ bởi tình yêu thương với bà con chứ không có chế độ gì, thậm chí nhiều lúc phải bỏ tiền ra để phục vụ chị em sinh nở. Hoàn cảnh gia đình chị Hiếu rất khó khăn, mẹ mất sớm, cha già bệnh tật, bản thân chị hay ốm đau lại là mẹ đơn thân một mình nuôi con nhỏ. Nhiều lúc gánh nặng gia đình khiến chị muốn từ bỏ công việc này để tập trung lo kinh tế. Thế nhưng nhìn bà con còn nhiều vất vả, lại không có thói quen đến cơ sở y tế nên chị lại cố gắng mỗi ngày. Cứ thế, 18 năm làm cô đỡ thôn bản, chị đã trở thành người được các thai phụ gửi niềm tin.

Nhiều thai phụ dân tộc thiểu số không chuẩn bị bất cứ thứ gì để sinh con - Ảnh 7.

Nhìn bà con còn nhiều vất vả, lại không có thói quen đến cơ sở y tế nên chị Y Hiếu lại cố gắng mỗi ngày

"Mình mong muốn các cấp chính quyền giúp đỡ các cô đỡ thôn bản, tạo điều kiện cho các cô đỡ đi học thêm để có kiến thức tốt hơn về phục vụ bà con. Các cấp ngành cung cấp, bổ sung những dụng cụ đã hư hỏng để cô đỡ thôn bản làm nhiệm vụ tốt hơn. Mong các cấp chính quyền quan tâm để tất cả các cô đỡ đều có phụ cấp hàng tháng, tiền mua xăng để đi khám thai và đỡ đẻ", chị Hiếu bày tỏ.

Cô đỡ thôn bản là một loại hình nhân viên y tế phù hợp với các vùng dân tộc, miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi người dân khó tiếp cận với hệ thống y tế tuyến xã do những khó khăn về địa lý và các phong tục tập quán. Hàng trăm nghìn bà mẹ, trẻ em đã được các cô đỡ thôn bản chăm sóc, cứu chữa. Họ đã góp phần quan trọng để giảm tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ em ở miền núi, vùng cao, vùng sâu.

Các cô đỡ thôn bản như "cánh tay nối dài của ngành y tế", góp phần giảm bất bình đẳng giữa các vùng miền cũng như giảm bất bình đẳng giới. Bởi vậy, cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời để "cánh tay" này luôn vươn xa đến những nơi còn khó khăn, đón những em bé dân tộc thiểu số chào đời.

Bài 2: Cần có phụ cấp thường xuyên cho cô đỡ thôn bản

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn