Nhớ Tết Đoan Ngọ xưa

13/06/2021 22:42
Các món ăn đặc trưng của Tết Đoan Ngọ được giới thiệu tại chương trình "Tết Đoan Ngọ xưa và nay". Ảnh ST

Các món ăn đặc trưng của Tết Đoan Ngọ được giới thiệu tại chương trình "Tết Đoan Ngọ xưa và nay". Ảnh ST

Sáng mùng 5 tháng 5 âm lịch xưa, khi chúng tôi tỉnh dậy và ra khỏi giường, mẹ thường đưa cho mỗi đứa một quả mận hay loại quả gì đó rồi bảo ăn đi để giết sâu bọ trong người…

Thời ấy đất đai tuy nhiều nhưng cây giống ít và người dân vẫn chưa áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên nhà tôi không có nhiều cây ăn quả. Trước ngày 5 tháng 5 âm lịch, nếu nhà không có loại quả gì, mẹ thường đến nhà các bác hàng xóm xem có quả mận, đào, vải, táo hay chuối… thì xin về, để sáng hôm sau cho các các con ăn. Tôi vẫn nhớ, bao năm thơ ấu, sáng 5 tháng 5 chỉ được ăn quả chứ làm gì có bánh, rượu nếp cái như bây giờ.

Ngày đó, ăn còn chả đủ no. Tối hôm trước có khi cơm mới lưng bụng thì nồi đã hết. Ở quê, chúng tôi thường đi ngủ sớm. Trải qua đêm dài gần 10 tiếng, sáng dậy, bụng đã cồn cào nhưng nghe mẹ nói, ăn mận hay vải, táo vào là giết được sâu bọ, để không đau bụng, đau răng, mấy anh em tôi không ngần ngại, cầm vài quả mận, vải hay táo chua ăn ngấu nghiến rồi sau đó bụng càng cồn cào hơn. Biết các con đói nên bao giờ mẹ cũng chuẩn bị đồ ăn trước. Vì thế, sau khi chúng tôi ăn quả một thời gian ngắn là được ăn cơm hoặc cháu để đỡ sót ruột.

Nhớ Tết Đoan Ngọ xưa  - Ảnh 1.

Rượu nếp cái là món ăn không thể thiếu trong Tết Đoan Ngọ

Ngày thường, sau khi dậy, do còn ngái ngủ, chúng tôi thường ngồi bậu cửa hoặc hiên nhà-vị trí dưới giọt gianh. Tuy nhiên, sáng ngày 5 tháng 5, mẹ bảo không được ngồi ở những vị trí đó. Nếu không sẽ bị nhọt ở đầu hay ở mông. Vì thế, sáng hôm đó, chúng tôi thường không ngồi vào những vị trí này. Trong anh em có ai quên thì sẽ được nhắc ngay.

Sau này lớn lên, tôi mới biết ngày 5 tháng 5 âm lịch là Tết Đoan Ngọ, người Việt hay gọi là tết diệt sâu bọ, tết giữa năm. Tìm hiểu thêm về nguồn gốc, quan niệm của Tết này, tôi còn được biết, sở dĩ người Việt ta gọi là tết diệt sâu bọ, vì tin rằng trong hệ tiêu hóa của con người thường có sâu bọ, ảnh hưởng tới sức khỏe. Hằng năm, chỉ có đúng ngày mùng 5 tháng 5 là cơ hội để trừ khử nó.

Sở dĩ gọi tết giữa năm vì có tài liệu cho rằng, người Việt xưa ăn Tết vào tháng 11 âm lịch (gọi là tháng Tí). Do vậy, tháng 5 là thời điểm giữa năm, cùng lúc với việc kết thúc vụ Chiêm bước vào vụ Mùa. Đây là thời gian người dân làm lễ cúng tạ ơn trời đất, tổ tiên, ăn mừng mùa vụ thành công nên còn gọi là tết nửa năm (tết giữa năm). Đó là một đặc trưng riêng của nền văn minh lúa nước để chứng minh Tết Đoan Ngọ có nguồn gốc từ chính Việt Nam.

Nhớ Tết Đoan Ngọ xưa  - Ảnh 2.

Tết Đoan Ngọ ở miền Nam thường có bánh ú nước tro

Ngày nay, cuộc sống khấm khá hơn, nhiều người dân quê tôi, đặc biệt là các gia đình trẻ, dường như đã quên Tết Đoan Ngọ. Còn ở thành phố, Tết Đoan Ngọ được nhiều gia đình quan tâm. Vì thế mà các dịch vụ, sản phẩm phục vụ Tết này như rượu nếp cái, nếp cẩm; các loại quả được bày bán rất nhiều, thậm chí có cả dịch vụ cung cấp mâm cỗ cúng Tết.

Tết Đoan Ngọ có ở nhiều nước châu Á và đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam . Tết Đoan Ngọ là một trong những nghi lễ truyền thống có nội hàm văn hóa phong phú gắn liền với kinh nghiệm của nhân dân lao động về sự tuần hoàn của quy luật tự nhiên, thời tiết… có tác động đến sức khỏe, sinh hoạt của con người cũng như hoạt động sản xuất mùa vụ trong năm.

Có nhiều lý giải về nguồn gốc Tết Đoan Ngọ ở nước ta. Rượu nếp là món ăn không thể thiếu trong ngày này, người ta cho rằng bộ phận tiêu hóa của con người thường có các loại ký sinh gây hại và chúng nằm sâu trong bụng nên không phải lúc nào cũng diệt được. Duy có ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch, các loại ký sinh này thường ngoi lên, con người có thể ăn thức ăn, hoa quả vị chua, chát và nhất là rượu nếp, có thể loại bỏ chúng.

Ngoài một số loại quả, Tết Đoan Ngọ ở miền Nam còn có bánh ú nước tro. Người miền Trung thường mua vịt về cúng. Miền Bắc thì duy trì tục ăn táo, ăn vải, ăn cơm rượu, mua lá về xông cơ thể, xông nhà, mua trái cây như vải, táo, bưởi, mận… cho trẻ con ăn ngay khi vừa ngủ dậy.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

Không phải vì mùng 8/3 sắp đến mà bài viết này ra đời đâu. Vì Phụ Nữ Là Để Yêu Thương không phải và không thể chỉ là câu để nói mỗi dịp 8/3 hay 20/10. Tôi muốn chính chị em phải nhớ nằm lòng 6 chữ này và sử dụng nó.