Nhọc nhằn nghề hái măng rừng của phụ nữ Cơ Tu

03/07/2021 09:43
Công việc hái măng giúp nhiều người có thêm thu nhập

Công việc hái măng giúp nhiều người có thêm thu nhập

Khoảng 1 tháng sau khi mùa mưa đến, khi rừng Trường Sơn trở nên xanh tốt cũng là lúc nhiều phụ nữ Cơ Tu ở các huyện phía Tây của tỉnh Quảng Nam rủ nhau vào rừng hái măng. Nỗi vất vả của họ được bù lại với việc có thêm khoản tiền lo cho con cái khi vào năm học mới.

Vất vả và nguy hiểm

Mùa hái măng từ tháng Năm đến cuối tháng Tám (âm lịch). Điểm đến của họ là những vạt rừng nơi có các loại tre, nứa, luồng, giang... để tìm măng. Hành trình của 1 ngày đi hái măng rừng thường bắt đầu từ sáng sớm. Từng nhóm phụ nữ Cơ Tu từ 2 đến 5 người mang gùi, liềm và gói cơm, chai nước bắt đầu lên đường tiến vào rừng. Kể thì đơn giản nhưng thực tế, ăn được "lộc rừng" cũng rưng rưng nước mắt. Đó là cảm giác xót, ngứa rất khó chịu khi bị gai măng, gai tre đâm rách da thịt; là những cơn mưa rừng ào ào bất chợt khiến đất rừng trơn như mỡ, phải bỏ giày dép, bấm từng ngón chân xuống đất khi trên vai là gùi măng nặng trĩu. Rồi họ còn phải đối phó với muỗi, vắt... và cả những cơn lũ rừng bất chợt tràn về. Bù lại những vất vả ấy là khi trở về mỗi người có vài ba chục kg măng trên lưng.

Chị Zơrâm Thị Chờ (45 tuổi, trú thôn Bốn, xã Ba, huyện Đông Giang) cho hay, đi hái măng rừng khá vất vả. Nếu vào đầu mùa măng (mùa hạ), măng rừng ở gần nên khoảng 2 giờ chiều là có thể về nhà. Càng về sau, càng phải đi xa hơn nên phải 3-4 giờ chiều mới về tới nhà. "Chúng tôi khi đi hái măng phải lặn lội vào sâu trong các khe suối, lên những cánh rừng cao. Đôi chân trần nhiều lúc vấp phải đá, gốc cây tóe máu. Tre rừng có loại đầy gai nhọn, cào rách da thịt là chuyện thường ngày. Đôi khi gặp phải ong độc, rắn độc tấn công có thể gây chết người. Tuy công việc vất vả nhưng tạo thêm thu nhập đáng kể cho gia đình", chị Zơrâm Thị Chờ cho biết.

Nhọc nhằn nghề hái măng rừng của phụ nữ Cơ Tu - Ảnh 1.

Các sơn nữ đang xắt măng

Khi gùi măng về ngang qua suối, họ nghỉ ngơi và rửa sạch măng, để ráo và gùi về nhà. Sau đó, họ dùng dao, rựa để xắt phần non của búp măng rồi đem luộc chín. Sáng hôm sau, chở xuống chợ Sông Vàng (xã Ba) bán với giá 20.000 đồng/kg. Trung bình, mỗi ngày, mỗi phụ nữ nơi đây kiếm được khoảng 20 kg măng thành phẩm, sau khi trừ chi phí mỗi người thu được từ 150.000 - 250.000 đồng.

Giúp cải thiện đời sống

Măng rừng được bày bán nhiều ở các chợ vùng cao. Vào mùa măng rừng, đi dọc hai bên QL 14B, 14G, đường Hồ Chí Minh... đoạn qua miền Tây xứ Quảng, người dân bày bán măng rừng hai bên đường. Du khách đi qua tha hồ lựa chọn. Giá măng rừng tươi đầu mùa khoảng 10.000 - 12.000 đồng/kg. Măng đắng được người dân vùng cao chế biến thành nhiều món ăn như: Măng xào tỏi, nấu canh, muối chua...

Nhọc nhằn nghề hái măng rừng của phụ nữ Cơ Tu - Ảnh 2.

Bán măng đã sơ chế ở chợ Sông Vàng (xã Ba, huyện Đông Giang)

Trước đây, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, măng rừng là món ăn không thể thiếu trong bữa cơm hằng ngày của người dân nơi đây mùa giáp hạt. Giờ đây, măng rừng đã trở thành đặc sản được nhiều người miền xuôi ưa chuộng. Đây cũng là mặt hàng được trao đổi mua bán trên thị trường mang lại thu nhập thời vụ cho người dân miền núi mỗi khi vào mùa.

Nhọc nhằn nghề hái măng rừng của phụ nữ Cơ Tu - Ảnh 3.

Phơi măng

Ông Đinh Văn Bớt (76 tuổi, trú tại thôn Tà Lâu, xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) cho hay, hiện nay, măng rừng ở phía Đông Trường Sơn không còn dồi dào như trước do bà con trồng keo lai kinh tế hơn. 

Nhọc nhằn nghề hái măng rừng của phụ nữ Cơ Tu - Ảnh 4.

Măng khô là đặc sản huyện Đông Giang (Quảng Nam)

Tuy vậy, hàng năm, vùng cao Quảng Nam cung cấp hàng trăm tấn măng cho thị trường TP. Đà Nẵng và các khu vực lân cận. Nhờ nguồn măng này mà đồng bào Cơ Tu nơi đây có loại "rau sạch" để ăn, bán lấy tiền, góp phần cải thiện đời sống cho cư dân sinh sống trên dãy Trường Sơn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.