pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những câu nói "bạo hành cảm xúc" với con trẻ
Nhiều cha mẹ nghĩ rằng, bạo hành trẻ em là đánh đập, tra tấn chúng một cách đau đớn về thể xác. Chứ ít ai nghĩ được rằng, những câu nói xả giận tưởng chừng như vô hại lại đang "bạo hành cảm xúc" đối với con trẻ. Nó khiến con cảm thấy buồn tủi, đau đớn chẳng khác gì việc bạo hành thể xác. Và chắc hẳn cha mẹ không biết mình đã nhiều lần "bạo hành cảm xúc" của con cái trong khi chúng chỉ biết cúi mặt xuống rơm rớm nước mắt.
Dưới đây là những câu nói gây tổn thương con phổ biến nhất mà nhiều ông bố bà mẹ dễ mắc phải.
1. Bạo hành cảm xúc trong câu nói: "Để bố/mẹ yên"
Trở về nhà sau 8 tiếng làm việc, chắc hẳn bố mẹ nào cũng cảm thấy mệt mỏi rã rời. Bạn chỉ muốn lăn lên giường nằm nghỉ thay vì phải dọn dẹp, cơm nước, tắm rửa... Nhưng con không để bạn yên, chúng ào tới với hàng chục câu hỏi: "Mẹ ơi bông hoa này tô màu gì ạ", "Bố ơi chơi đá bóng với con", "Mẹ ơi con muốn ăn bánh"... Cảm giác bực tức xuất hiện, bạn bắt đầu trừng mắt nhìn con rồi bùng nổ như một núi lửa phun trào: "Để bố/mẹ yên, con phiền phức quá".
Nếu cha mẹ thường xuyên nói những câu đó, trẻ con sẽ ghi nhớ. Chúng sẽ hiểu rằng, chẳng có gì hay ho khi lại gần bố mẹ cả, không khéo còn bị mắng, bị đánh. Bố mẹ luôn luôn xua đuổi mình. Nếu trẻ hình thành suy nghĩ này từ nhỏ thì khi lớn lên chúng càng ít giao tiếp với bố mẹ. Giữa con cái và cha mẹ sẽ có khoảng cách vô hình.
Con cái nên được gần gũi cha mẹ và nhận được sự quan tâm của mẹ cha. Phụ huynh có thể "xả van" các áp lực cuộc sống của mình bằng cách nhờ ông bà trông trẻ hộ, hoặc thuê giúp việc, chia sẻ việc nhà với bạn đời của mình... Đừng ôm hết tất cả rồi giữ cái bực trong người, cuối cùng lại xả hết vào đứa trẻ vô tội!
2. Bạo hành cảm xúc cũng có thể là khi bố mẹ nói: "Con thật là..."
"Con thật là một đứa trẻ hư", "Tại sao con lại ích kỷ như vậy", "Con thật là tồi tệ", "Con thật ngu ngốc" hay "Con đúng là đồ vô tích sự"... là những câu nói mà người lớn thường mắng mỏ con cái mình. Khi cha mẹ "dán nhãn" cho trẻ nhỏ cùng với việc thể hiện cảm xúc tiêu cực, điều đó có thể thành lời "tiên tri" cho con mình. Đứa trẻ cảm thấy bị xúc phạm, tổn thương và những lời chỉ trích của cha mẹ trở thành vết sẹo hằn sâu trong lòng con.
Một cách tiếp cận tốt hơn để giải quyết các vấn đề là phân tích cho con hiểu cái sai, cái đúng và tránh nhắc đến những tính cách, phẩm chất, kỳ vọng mà bố mẹ áp đặt vào con.
3. Câu nói: "Nín ngay", "Đừng khóc nữa nếu không bố/mẹ sẽ..."
Khi 1 đứa trẻ khóc tức là chúng đang khó chịu, buồn bực. Nhất là với trẻ mới tập đi – lứa tuổi mà chưa thể diễn đạt hết được cảm xúc của mình bằng lời. Chúng cảm thấy buồn. Chúng sợ hãi. Và chúng khóc!
Câu nói thể hiện mệnh lệnh "Nín ngay" hoặc dọa dẫm: "Đừng khóc nữa nếu không mẹ cho con ra đường"... chẳng thể dỗ dành trẻ hết khóc được đâu. Ngược lại còn khiến con cái sợ hãi, buồn bã và tủi thân hơn. Chúng sẽ không tìm được sự an ủi từ bố mẹ. Cứ thử nghĩ mà xem, khi bạn đang khóc, ai đó ra lệnh cho bạn nín, bạn có thể nín được không? Chắc chắn là không. Vậy tại sao bạn lại yêu cầu con phải nín?
Cha mẹ nên thừa nhận cảm xúc của trẻ, dành cho chúng những lời an ủi và gọi tên cảm xúc của con. Ví dụ như: "Chắc chắn con đang rất buồn phải không", "Con đang đau chỗ này đúng chứ, mẹ sẽ chữa lành nhé...". Bằng cách đó, trẻ sẽ cảm nhận được sự yêu thương của bố mẹ và không biến thành một đứa bé thích mè nheo.
4. Câu nói so sánh: "Con nhà người ta...", "bằng tuổi con, chị A đã...", "Con nhìn bạn B... mà xem..."
Lấy "con nhà người ta" để so sánh với con mình là hành động mà nhiều phụ huynh mắc phải. Mỗi đứa trẻ phát triển theo một tốc độ riêng cũng như với tính cách của riêng mình. So sánh con bạn với một đứa trẻ khác là bạn đang gửi một ngụ ý ngầm: Bạn muốn con là một người khác. Hoặc con sẽ nghĩ rằng, cha mẹ thích con nhà người ta hơn mình. Mình là đồ đáng ghét, đồ bỏ đi.
Hành động so sánh này không khiến con tốt lên, ngược lại chúng sẽ cảm thấy tủi thân, ấm ức và có thể con sẽ đi ngược lại với mong muốn của cha mẹ để "trả đũa". Thay bằng việc so sánh, mẹ hãy khuyến khích những "thành công" nhỏ của con. Những lời khen ngợi dù nhỏ thôi nhưng có thể khuyến khích con làm những điều tốt đẹp tiếp theo. Người lớn cũng thích được khen mà. Vậy tại sao lại khắt khe với trẻ một lời động viên, khuyến khích?
5. Câu nói đe nẹt: "Cứ chờ đấy, lúc nào bố về mẹ sẽ mách để bố cho con một trận!"
Câu nói dọa nạt này không thể khiến đứa trẻ làm theo mong muốn của bạn. Ngược lại con sẽ có phản ứng tiêu cực. Bởi chẳng ai thích bị tố giác, nói xấu với người khác cả. Thêm nữa, bạn đang đặt chồng mình vào vai trò "ông ba bị độc ác" trong mắt con. Bên cạnh đó, câu nói đe nẹt này làm giảm hiệu lực của kỷ luật. Để có hiệu quả, bạn cần phải xử lý tình huống ngay lúc nó xảy ra. Kỷ luật bị trì hoãn không giúp kết nối các hành động của con với hậu quả đã xảy ra. Bởi khi người cha, hoặc người mẹ về nhà, con bạn có thể đã quên bẵng mất chuyện gì mà bé đã làm.
6. Câu nói thể hiện sự thất vọng: "Tại sao con không làm được?", "Sao con không thể bằng anh/chị mình?"
Nhiều cha mẹ cho rằng sự cạnh tranh, ganh đua sẽ giúp trẻ nỗ lực và biết cải thiện bản thân. Thực tế, những lời so sánh trẻ với anh chị em trong nhà lại khiến con tổn thương nặng nề. Nhà trị liệu tâm lý Shirley Porter nhận thấy lời nói này của cha mẹ có thể khiến trẻ cảm thấy bản thân không đủ tốt và không được cha mẹ coi trọng. Thậm chí, nhiều em dễ sinh lòng đố kỵ và ghen ghét với người thân của mình.
Ngoài ra những câu nói kiểu như: "Không thể tin được con đã làm đổ tung tóe sữa ra bàn" hay "Mẹ nghĩ con phải làm được việc đó một cách cẩn thận hơn ở tuổi này chứ" chẳng có chút hiệu quả hay mang ý nghĩa tích cực nào đối với con. Bạn có thể nhận thấy câu nói của mình không có vấn đề gì, nhưng khi nó được lặp đi lặp lại nhiều lần, nó sẽ gửi một thông điệp đến lũ trẻ rằng chúng chỉ khiến người khác vướng chân và chúng không bao giờ có thể làm được điều gì đúng cả. Và con sẽ "chấp nhận" bản thân như vậy, thay vì cố gắng sửa đổi và hoàn thiện hơn.