Những cuộc chạy trốn “tử thần” giữa bốn bề núi đá

Thôn Vả Thàng, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương (Lào Cai), nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi đá

Thôn Vả Thàng, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương (Lào Cai), nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi đá

Nửa đêm, cơn mưa xối xả bất ngờ dội xuống, cả gia đình chị Thào Seo Chấn vội vàng dắt díu nhau rời khỏi nhà đi lánh nạn. Những cuộc chạy trốn “tử thần” như thế đã quen thuộc với chị Chấn và người dân thôn Vả Thàng, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương (Lào Cai), gần 10 năm qua…

Ký ức kinh hoàng

Thôn Vả Thàng nằm lọt thỏm giữa những ngọn núi đá cao sừng sững. Hiện có 53 hộ dân và gần 300 nhân khẩu sinh sống tại thung lũng này. Trước đây, Vả Thàng tách biệt với thế giới xung quanh, đường vào thôn vô cùng cheo leo, hiểm trở. Chỉ có đồng bào dân tộc Mông, những người quen sống trên núi cao và giỏi leo trèo, mới có thể định cư được ở vùng đất mà chỉ thấy một màu xám ngoét của đá tai mèo sắc nhọn này.

Cuộc sống của người dân đã phần nào vơi bớt khó khăn khi vào năm 2014, chính quyền địa phương cho phá đá, làm con đường bê tông vào bản nghèo khó bậc nhất của xã biên giới Tung Chung Phố. Thế nhưng, khi người dân chưa kịp hưởng trọn vẹn niềm vui, họ đã phải đối diện với những ngày tháng bất an khi những tảng đá từ trên đỉnh núi liên tục lăn xuống sau những trận mưa lớn.

Ông Hầu Seo Chứ - Bí thư Chi bộ thôn Vả Thàng - cho biết, các hộ dân trước đây sống rải rác trên những ngọn núi cao. Sau nhiều lần hạ sơn, họ đã tập trung về dưới chân núi, lập thành nên thôn bản và định cư ổn định mấy chục năm nay. "Khoảng 10 năm trở lại đây, không hiểu nguyên nhân vì sao, sau những trận mưa lớn, đá từ trên đỉnh núi lăn xuống rất nhiều. Năm nào vào mùa mưa, người dân cũng sống trong nỗi hoang mang, lo sợ và luôn sẵn sàng tâm thế phải rời khỏi nhà đi lánh nạn", ông Hầu Seo Chứ chia sẻ.

Những cuộc chạy trốn “tử thần” giữa bốn bề núi đá - Ảnh 1.

Ngôi nhà của anh Thào Chín Lìn bị đá lăn sập từ năm 2021 và bỏ hoang từ đó

Ông Chứ dẫn chúng tôi đến nhà anh Thào Chín Lìn, ngôi nhà nằm giữa bản đã bỏ hoang nhưng "chứng tích" sau một lần đá lăn vẫn khiến chúng tôi rùng mình. Một cây xoan lớn bằng một người ôm đã bị tảng đá hàng chục tấn từ trên núi lao xuống chặt đứt, đổ sập vào nhà anh Thào Chín Lìn khiến 1/3 ngôi nhà bị đè bẹp dúm.

"Hôm đó khoảng 5h chiều, cả gia đình tôi đi làm trên nương, trên đường về thì trời mưa quá to nên vào trú tạm tại một gia đình hàng xóm. Bỗng có tiếng động rất lớn, đất dưới chân như rung chuyển và một cảnh tượng vô cùng hãi hùng diễn ra. Tảng đá lớn từ trên đỉnh núi lù lù lăn xuống, lao thẳng vào nhà. Rất may tảng đá lao đúng vào cây xoan lớn, đốn đổ cây rồi đè bẹp một phần ngôi nhà của tôi", anh Thào Chín Lìn vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại.

Nhà đổ sập, cả gia đình anh phải sống tá túc ở nhà người quen một thời gian. May mắn, cuối năm 2021, gia đình anh cùng 11 hộ khác đã được hỗ trợ 80 triệu đồng để di dời ra khỏi vùng nguy hiểm, đến ở xen ghép vào các khu dân cư sẵn tại thôn Nàn Tiểu Hồ. Tuy nhiên, tại thôn Vả Thàng vẫn còn hàng chục hộ gia đình khác, trong đó nhiều hộ nằm trong diện nguy hiểm đến nay vẫn chưa được di dời như gia đình chị Thào Seo Chấn, bà Thào Seo Trâu…

Ngồi trong căn nhà xiêu vẹo bên cạnh ngôi nhà đổ của gia đình anh Thào Chín Lìn, bà Thào Seo Trâu buồn bã kể: "Mùa mưa nào cũng có đá lăn từ phía trên xuống thôn, cứ mưa là không thể chợp mắt. Nếu mưa lớn, kèo dài, cả nhà lại phải đóng cửa đến nhà người thân ở tạm đợi hết mưa mới dám về nhà. Mong Nhà nước sớm hỗ trợ chúng tôi chuyển nhà đến nơi ở mới, căn nhà này đã quá rách nát nhưng chúng tôi không dám sửa chữa. Không thể sống tiếp ở đây!".

Những phận người mong manh giữa bốn bề núi đá - Ảnh 2.

Không được tu sửa nhà cửa, gia đình bà Thào Seo Trâu phải sống trong ngôi nhà rách nát

Đánh cược mạng sống vì quá nghèo

Ông Hảng Seo Sùng, Chủ tịch UBND xã Tung Chung Phố, cho biết, tình trạng đá lăn từ trên núi xuống đe dọa tính mạng người dân bắt đầu xuất hiện từ năm 2015 đến nay. Qua các lần họp thôn, tiếp xúc cử tri, người dân thôn Vả Thàng đã nhiều lần kiến nghị có phương án di chuyển đến nơi ở mới an toàn. Rất nhiều đoàn công tác từ tỉnh đến huyện đã về để khảo sát, kiểm tra nhưng tình hình vẫn chưa được giải quyết.

"Thôn Pà Thàng nằm trong diện đặc biệt nguy hiểm, nguy cơ bị đất đá sạt lở rất cao ảnh hưởng đến tính mạng người dân. Huyện Mường Khương đã phối hợp với Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn xây dựng dự án trình UBND tỉnh Lào Cai và Trung ương phê duyệt và bố trí nguồn vốn để sắp xếp dân cư thành khu tập trung. Đến thời điểm này, dự án đã xây dựng được 10 năm, đã được phê duyệt nhưng kinh phí để thực hiện chưa có.

Đồng bào ở đây là người dân tộc thiểu số, họ rất nghèo nên không thể tự di chuyển và bố trí sắp xếp chỗ. Chúng tôi rất mong muốn tỉnh và Trung ương sớm bố trí vốn cho chủ đầu tư để thực hiện di dời dân ra khu vực an toàn sớm nhất", ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Mường Khương, cho hay.

Toàn tỉnh đang có hàng trăm hộ dân trong diện nguy cấp phải di dời. Thực tế khi triển khai kế hoạch di dời gặp phải nhiều khó khăn, trong đó khó khăn nhất là việc bố trí quỹ đất cho người dân để sắp xếp ra nơi ở mới. Bên cạnh đó, phong tục tập quán của đồng bào thiểu số, khi di chuyển nhà ở còn chọn tuổi, chọn ngày, kiêng cữ… Ở Vả Thàng đã bố trí được địa điểm di dời nhưng lại chưa có kinh phí.

Ông Chu Hoàng Nguyện, Chi Cục trưởng Chi Cục Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai

Được biết, năm 2021 sau sự cố đá lăn khiến nhà anh Thào Chín Lìn bị sập, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã hỏa tốc chỉ đạo chính quyền huyện Mường Khương khẩn trương di dời 16 hộ dân ở thôn Vả Thàng ra khỏi chân núi đá lăn nguy hiểm. Các hộ dân này được sắp xếp xen ghép vào các khu dân cư sẵn có để tự bố trí đất ở. Địa phương hỗ trợ di chuyển, san gạt mặt bằng, làm nhà, với mức 80 triệu đồng/hộ.

Mặc dù đã được hỗ trợ số tiền trên nhưng để có thể di dời đến nơi ở mới, các hộ dân cần số tiền lớn hơn. Anh Thào Chín Lìn cho biết, cùng với tiền hỗ trợ, gia đình anh đã phải vay mượn người thân mấy chục triệu đồng mới cất được ngôi nhà mới trên thửa đất dài 11 mét, rộng 8 mét. Nhiều hộ gia đình không thể vay mượn được nên đã phải bán nương để lấy tiền di chuyển. Đây là việc làm cực chẳng đã vì quỹ đất nông nghiệp của người dân rất ít nhưng họ không còn cách nào khác.

"Chúng tôi rất muốn di dời khỏi Vả Thàng nhưng chỉ được hỗ trợ 80 triệu đồng nên không thể đi được. Là hộ nghèo, năm nào cũng thiếu đói mấy tháng, chúng tôi không có đất để bán, cũng không thể vay mượn được ai nên phải đánh cược mạng sống của mình với thiên nhiên. Nằm trong diện phải khẩn cấp di dời nhưng hơn 1 năm nay, gia đình chúng tôi vẫn phải sống bên miệng Tử thần. Nhiều đêm, bất ngờ mưa xối xả, vợ chồng con cái lại vội vàng dắt nhau rời khỏi nhà đi lánh nạn", chị Thào Seo Chấn chia sẻ.

Những cuộc chạy trốn “tử thần” giữa bốn bề núi đá - Ảnh 4.

Nhà của chị Thào Seo Chấn nằm trong diện nguy cấp nhưng chưa được di dời

Nói về nỗi bất an của hàng trăm con người tại thôn Vả Thàng, ông Hảng Seo Sùng thừa nhận: "Các gia đình đang phải sống trong nỗi lo sợ, nguy cơ sạt lở ngày càng lớn dần. Giữa đỉnh núi đang có tảng đá khoảng 40-50 khối đã bật chân rất nguy hiểm khiến người dân không dám lên nương trồng ngô. Chúng tôi cũng chỉ biết khuyến cáo người dân phải ra khỏi nhà khi mưa lớn kéo dài để tránh nguy hiểm".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.