pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những điều bạn cần biết về căn bệnh ung thư phế quản
- 1. Ung thư phế quản là gì?
- 2. Phân loại ung thư phế quản
- 3. Nguyên nhân gây bệnh
- 4. Triệu chứng thường gặp
- 5. Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh
- 6. Chẩn đoán ung thư phế quản
- 7. Phương pháp điều trị
- 8. Phòng tránh ung thư phế quản bằng cách nào?
- 9. Một số câu hỏi thường gặp về bệnh ung thư phế quản
- 9.1. Ung thư phế quản có lây không?
- 9.2. Chăm sóc người bệnh ung thư phế quản như thế nào?
- 9.3. Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư phế quản như thế nào?
Tuy rằng hiếm gặp nhưng bệnh ung thư phế quản lại vô cùng nguy hiểm do có tỉ lệ tử vong khá cao. Bệnh cũng chưa có thuốc đặc trị nên cách duy nhất có thể giúp bệnh nhân là phát hiện bệnh thật sớm để có thể điều trị kịp thời và đúng cách.
1. Ung thư phế quản là gì?
Ung thư phế quản là một loại ung thư hình thành trong các phế quản hoặc khí quản và tuyến nước bọt. Đây là một căn bệnh khá hiếm gặp và khó chữa. Việc chẩn đoán bệnh cũng rất khó và tốn kém, do đó phần lớn bệnh nhân thường phát hiện bệnh muộn và ảnh hưởng đến kết quả điều trị.
Thông thường, các tế bào biểu mô phế quản sẽ sinh ra, phát triển để thực hiện các chức năng rồi chết đi theo một chương trình đã được định sẵn. Quá trình này được gọi là quá trình chết tế bào theo chương trình. Ung thư phế quản là khi các tế bào biểu mô trên có sự tăng trưởng không thể kiểm soát được. Chúng nhân lên nhanh chóng và các tế bào mới sinh ra lại không thể đảm bảo các chức năng thông thường.
Đọc thêm bài viết:
Bệnh mùa thu: Viêm phế quản, viêm mũi dị ứng chưa phải tất cả, bà bầu còn mắc một bệnh khó nói
Đau lưng có thể là triệu chứng cảnh báo bệnh ung thư nguy hiểm
Các tế bào dị thường này ban đầu sẽ khu trú tại chỗ, làm tổn thương vùng phế quản, khiến phế quản không thực hiện được chức năng vận chuyển không khí như bình thường. Sau đó chúng tạo thành khối u chèn ép và gây rối loạn đến các vùng lân cận. Các tế bào này xâm lấn, đi theo mạch máu và mạch bạch huyết để di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Các tế bào ung thư có thể di căn vào não, xương, gan, da, thượng thận… dẫn đến suy kiệt, giảm chức năng và tử vong.
2. Phân loại ung thư phế quản
Ung thư phế quản có thể được phân loại thành 3 nhóm bao gồm ung thư dạng nhầy bì, dạng nang tuyến và khối u carcinoid. Trong đó:
- Ung thư biểu mô dạng nhầy bì sẽ xảy ra tại các tuyến nước bọt của người bệnh và hầu hết sẽ ảnh hưởng đến các tuyến mang tai ở phía trước của tai.
- Ung thư biểu mô dạng nang tuyến sẽ xảy ra tại các tuyến nước bọt nhưng trong miệng và họng. Đôi khi ung thư dạng nang tuyến cũng ảnh hưởng đến các cơ quan như khí quản, tuyến lê, tuyến mồ hôi. Đối với đối tượng bệnh nhân là phụ nữ thì có thể ảnh hưởng đến tử cung, âm hộ hoặc khu vực vú.
- Khối u carcinoid đặc biệt có thể hình thành trong phổi hoặc trong dạ dày, ruột và sẽ ảnh hưởng đến các tế bào sản xuất hormone và các tế bào thần kinh.
3. Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh ung thư phế quản hiện nay vẫn chưa được các nhà khoa học xác định. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng có chỉ ra rằng gen có thể là tác nhân chính của những ung thư dạng này.
Đặc biệt, những người mắc bệnh di truyền hay còn gọi là tân sản nội tiết loại 1 (MEN) có nhiều khả năng mắc bệnh này hơn những người khác. Ngoài ra, bệnh nhân đã từng xạ trị vùng đầu cổ có thể có nguy cơ ung thư biểu mô dạng nhầy bì cao hơn.
4. Triệu chứng thường gặp
Còn tùy thuộc vào vị trí của khối u là ở khu vực trung tâm hay ngoại biên đường hô hấp mà triệu chứng của ung thư phế quản sẽ khác nhau. Theo đó, bệnh nhân có khối u ở vị trí trung tâm sẽ xuất hiện các triệu chứng tắc nghẽn và xuất huyết như:
- Khó thở do tắc nghẽn một phần của khí quản hoặc phế quản lớn.
- Thở rít xuất hiện khi ung thư xảy ra ở khí quản hay phế quản lớn hoặc thở khò khè nếu đường dẫn khí bị tắc nằm xa hơn phế quản lớn.
- Ho, sốt và có đờm do các phế quản bị tắc nghẽn hoàn toàn dẫn đến nhiễm trùng và phá hủy các mô phổi.
- Ho ra máu do loét niêm mạc đường hô hấp nằm trên khối u.
Đối với các bệnh nhân có khối u ở ngoại biên thường không có bất kỳ triệu chứng rõ ràng nào. Đôi khi bệnh nhân mắc bệnh ung thư phế quản cũng có thể gặp các triệu chứng khác chưa được đề cập tới ở trên.
Do vậy, khi thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường, hãy đến thăm khám tại các cơ sở y tế để có thể chẩn đoán bệnh kịp thời giúp tránh các diễn tiến nặng của bệnh.
5. Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Ung thư phế quản là căn bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên nam giới thường gặp nhiều hơn so với nữ giới. Ngoài ra, một số yếu tố làm tăng nguy cơ có thể kể đến như:
- Hút thuốc lá, bao gồm cả hút thuốc lá thụ động do tiếp xúc với khói thuốc.
- Những người thường xuyên tiếp xúc với amiăng và các chất khác như arsen, crom và niken…
- Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư phế quản.
6. Chẩn đoán ung thư phế quản
Nếu nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh ung thư phế quản, bác sĩ có thể thực hiện khám lâm sàng và yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm để có thể chẩn đoán chính xác. Trong đó, một số xét nghiệm thường được chỉ định bao gồm:
- Sinh thiết. Để thực hiện sinh thiết, các bác sĩ sẽ lấy một mạch mô nhỏ ở phế quản. Sau đó, kỹ thuật viên sẽ kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định có phải ác tính hay không.
- X-quang. Đây là một phương pháp sử dụng tia bức xạ liều thấp để thấy khối u có xuất hiện ở phế quản hay khí quản hay không.
- MRI. Khác với X-quang, phương pháp MRI sử dụng từ trường mạnh và sóng vô tuyến để thấy được hình ảnh hay kích thước của khối u. Đôi khi bệnh nhân cần uống hoặc tiêm chất cản quang vào tĩnh mạch trước khi thực hiện để hình ảnh rõ ràng hơn.
7. Phương pháp điều trị
Tùy thuộc vào loại bệnh và giai đoạn của ung thư phế quản mà bác sĩ sẽ chỉ định những Phương pháp điều trị khác nhau. Hiện nay những phương pháp điều trị ung phế quản chủ yếu là phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp miễn dịch và điều trị mục tiêu. Trong đó:
- Phẫu thuật: Đây được biết là phương pháp chính, thường được chỉ định cho hầu hết các trường hợp bệnh nhân mắc ung thư phế quản. Với phương pháp này, các bác sĩ chuyên khoa sẽ phẫu thuật để loại bỏ khối u và một số mô xung quanh khối u. Đôi khi các bác sĩ cũng sẽ loại bỏ các hạch bạch huyết xung quanh để ngăn chặn tế bào ác tính xâm lấn, lan rộng.
- Xạ trị: cũng thường được chỉ định để làm giảm các triệu chứng. Bằng cách sử dụng tia X với năng lượng cao, các tế bào ung thư sẽ bị phá hủy. Các bác sĩ cũng sẽ chỉ định xạ trị sau phẫu thuật để có thể tiêu diệt triệt để các tế bào ác tính còn sót lại.
- Hóa trị: thường được kết hợp với các phương pháp điều trị khác nếu tình trạng ung thư của bệnh nhân đã lan rộng. Hóa trị cũng có thể được chỉ định sau phẫu thuật giúp tiêu diệt các tế bào ác tính còn sót lại.
Phương pháp này sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào ung thư trong cơ thể. Khi tiến hành điều trị, bệnh nhân có thể uống hoặc tiêm hóa chất qua đường tĩnh mạch.
- Cơ chế của liệu pháp miễn dịch: là sử dụng thuốc để tăng cường khả năng hệ miễn dịch của cơ thể. Hệ miễn dịch được tăng cường sẽ có khả năng tìm và tiêu diệt các tế bào ung thư. Đây là phương pháp giúp ngăn chặn sự phát triển hoặc làm nhỏ kích thước của các khối u ác tính.
- Điều trị mục tiêu sẽ tìm các protein hoặc các gen đặc trưng cho ung thư phế quản, các loại protein hoặc gen này có thể khiến tế bào ác tính sản sinh nhanh, khiến ung thư phát triển. Điều trị mục tiêu sẽ tìm ra và nhắm vào các chất đó để ngăn chặn ung thư lan rộng.
8. Phòng tránh ung thư phế quản bằng cách nào?
Hiện nay trên thế giới vẫn chưa có phương pháp phòng tránh ung thư phế quản hiệu quả. Tuy nhiên, chúng ta có thể làm giảm các nguy cơ mắc bệnh nếu thực hiện tốt những thói quen sau đây:
- Không hút thuốc lá. Thậm chí ngay cả khi bạn đã hút thuốc trong nhiều năm thì việc từ bỏ thói quen này là phương pháp tốt nhất giúp bạn có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư phế quản. Việc này cũng bao gồm tránh xa khói thuốc lá thụ động.
- Hạn chế tiếp xúc với các hóa chất độc hại. Nếu môi trường làm việc yêu cầu phải tiếp xúc với các hóa chất, hãy sử dụng đồ dùng phòng hộ đầy đủ và nghiêm túc.
- Chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học cũng là một trong những phương pháp giúp làm giảm nguy cơ mắc ung thư phế quản. Cần bổ sung nhiều trái cây và rau củ để cung cấp đầy đủ vitamin cho cơ thể, tránh dùng các vitamin liều cao ở dạng thuốc viên.
9. Một số câu hỏi thường gặp về bệnh ung thư phế quản
9.1. Ung thư phế quản có lây không?
Ung thư phế quản là một loại bệnh xảy ra khi cơ thể không kiểm soát được quá trình sinh bào. Đây là một căn bệnh tế bào, không phải bệnh truyền nhiễm nên không thể lây từ người này sang người khác.
9.2. Chăm sóc người bệnh ung thư phế quản như thế nào?
Để có thể chăm sóc người bệnh ung thư phế quản hiệu quả, người nhà cần lưu ý đến các nguyên tắc chăm sóc bao gồm: giảm đau, giảm khó thở, cải thiện tình trạng dinh dưỡng, chăm sóc tinh thần và giảm nguy cơ nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Với mục tiêu giảm đau, người nhà cần cho bệnh nhân nghỉ ngơi thoải mái, tăng cường chất lượng giấc ngủ và hỗ trợ người bệnh khi cần làm các thủ thuật. Bên cạnh đó, có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau, an thần, thuốc điều trị khối u theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa và lưu ý theo dõi tác dụng phụ của thuốc nếu có.
Để giảm khó thở, người chăm sóc cần đặt người bệnh nằm đầu cao ở tư thế Fowler. Tư thế này sẽ giúp tránh sự tích tụ dịch ở phần trên của cơ thể do chèn ép tĩnh mạch chủ trên.
Ngoài ra, người nhà cần làm sạch dịch ứ đọng ở phế quản bằng cách kết hợp dẫn lưu và vỗ rung lồng ngực. Việc làm sạch dịch ứ đọng còn có tác dụng chống nhiễm khuẩn đường hô hấp. Có thể sử dụng thuốc long đờm hay kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
Người bệnh có thể tập hít thở sâu nhằm giúp tăng cường giãn nở của cơ hoành, từ đó có thể thở dễ dàng hơn. Trong trường hợp tràn dịch màng phổi gây ra khó thở, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện hoặc thông báo ngay cho bác sĩ điều trị.
Người nhà cần động viên, an ủi, tạo tinh thần lạc quan giúp người bệnh yên tâm, đồng thời chuẩn bị tinh thần với những diễn biến xấu có thể xảy đến. Hạn chế stress, lắng nghe ý kiến của bệnh nhân để kịp thời chăm sóc, đáp ứng.
9.3. Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư phế quản như thế nào?
Chế độ dinh dưỡng là vô cùng quan trọng đối với bệnh nhân ung thư phế quản.
Bệnh nhân cần ăn đủ calo, tăng đạm và chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Đôi khi ở các giai đoạn nặng, bệnh nhân có thể ho ra máu, dẫn đến thiếu máu, do đó cần bổ sung các thức ăn có lượng đạm cao như sữa, trứng, thịt, tôm, cá… và thay đổi món ăn để phù hợp với khẩu vị.
Thức ăn có chứa nhiều dầu mỡ, thực phẩm chiên, rán là những thực phẩm cần hạn chế đối với bệnh nhân ung thư phế quản. Việc ăn thức ăn nhiều dầu mỡ có thể làm tăng cảm giác đầy bụng, khó tiêu, chán ăn, ảnh hưởng xấu đến quá trình điều trị bệnh. Nếu bệnh nhân không thể ăn uống bình thường, cần cho ăn bằng sonde và truyền dịch nuôi dưỡng.