Những hệ lụy của tảo hôn thời internet phủ sóng ở bản: (Bài 1) Vợ chồng nhí và ước mong "ngày có 3 bữa no"

09/09/2022 15:43
Vàng Thị Đức và 2 con

Vàng Thị Đức và 2 con

Vấn nạn tảo hôn diễn ra ở xã Hang Kia (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) từ nhiều năm nay. Chính quyền đã vào cuộc nhưng việc này chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Điều đáng lo ngại hơn, giữa thời internet phủ sóng, tình trạng tảo hôn dường như có xu hướng trẻ hóa hơn so với trước. Quen nhau qua điện thoại, mạng xã hội, thấy “ưng cái bụng” là đôi trẻ về ở với nhau.

Trong danh sách 16 cặp đôi tảo hôn tính từ đầu năm 2022 đến nay tại xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, chú rể nhiều tuổi nhất sinh năm 2005 và cô dâu ít tuổi nhất sinh năm 2008. Đôi trai gái vừa qua tuổi dậy thì đã trở thành vợ chồng. Và chỉ sau đó đôi năm, cô dâu đã làm mẹ.

Hang Kia và Pà Cò là 2 xã vùng cao của huyện Mai Châu. Hầu hết các gia đình nơi đây đều là đồng bào người Mông. Giờ đây, nơi này không còn cảnh xa ngái như trước mà điện, đường, trường, trạm đã đến tận bản. Những tưởng cuộc sống của họ theo đó mà tốt lên. Nhưng phía sau những ngôi nhà gỗ chìm trong sương đó là bao câu chuyện buồn về những đôi vợ chồng nhí.

Lấy chồng ở tuổi 14

Bản Hang Kia nằm trọn trong thung lũng, được bao bọc bởi dãy núi đá cao sừng sững. Cơn mưa chiều đổ xuống khiến không khí ở bản thêm phần đìu hiu. Chị Vàng Thị Đức, bản Hang Kia, xã Hang Kia, đang ngồi thêu trước cửa nhà. 3 người phụ nữ miệt mài với đường kim mũi chỉ. Mấy đứa trẻ đang nô đùa quanh nhà. Đức năm nay 19 tuổi mà đã có 2 con. Đứa lớn 4 tuổi, đứa nhỏ hơn 1 tuổi. Khi Đức dừng tay thêu, 2 đứa nhỏ bám lấy tay mẹ đòi ăn nhưng Đức không đáp lại chúng. Ba người phụ nữ, có 1 người là bà nội của 2 đứa trẻ vẫn ngồi thêu như quên đi nguyện vọng của 2 đứa trẻ.

Ngôi nhà xiêu vẹo của mẹ con Đức nằm ở cuối bản. Ván thưng ốp quanh nhà đã xuống cấp. Mái lợp cũng thủng vài chỗ. Trong nhà có 2 chiếc giường, ngổn ngang chăn màn. Gian bếp nguội lạnh, tối như hũ nút. Mấy cái xoong vứt chỏng chơ. Hỏi Đức sao chưa nấu cơm, Đức ngại ngùng bảo, nhà chẳng còn chi, chỉ có mấy bao ngô. Đợi bố của 2 đứa trẻ đi làm về mới có gạo nấu.

Đức ở bản bên về làm dâu được 5 năm, lúc đó Đức mới 14 tuổi. Hỏi Đức sao lấy chồng sớm, người mẹ hai con ngừng tay thêu thật thà trả lời: "Cháu cũng chẳng biết nữa. Nó (chồng Đức - PV) kéo về thì cháu rời nhà bố mẹ đẻ về đây ở".

Cách đây 6 năm, Đức đi chơi hội xuân, quen Sái. Đôi trai gái người Mông này thấy "ưng cái bụng" thế là về nhà góp gạo thổi cơm chung. Về ở với nhau được hơn 1 năm, Đức đã mang thai. Hai vợ chồng ở cùng với bố mẹ chồng. Suốt 5 năm chung sống, Đức đẻ sòn sòn 2 đứa. Cái nương, cái rẫy chưa làm no cái bụng, chồng Đức phải đi làm thuê, làm mướn, kiếm cơm gạo hằng ngày. Cuộc sống thiếu thốn trăm bề, giờ Đức chỉ có mong muốn duy nhất là ngày có được 3 bữa no.

Dẫn tôi đi thăm bản, Trưởng bản Hang Kia Vàng A Nhà nói: "Nhà Đức thuộc diện khó khăn nhất bản. Nhà thiếu ăn luôn, nay thêm 2 đứa trẻ nên cuộc sống càng khó. Ở bản này có nhiều cặp vợ chồng nhí như vợ chồng Đức. Họ kết hôn sớm lắm, đều chưa đủ tuổi kết hôn".

Những hệ lụy của tảo hôn thời internet phủ sóng ở bản:  (Bài 1) Vợ chồng nhí và mong muốn "ngày có 3 bữa no" - Ảnh 1.

Đôi vợ chồng trẻ Vàng A Phềnh (SN 2006) và Giàng Y Lơ (SN 2005) ở bản Hang Kia (xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) vừa cưới nhau được mấy tháng

Ông nội tuổi 34

Hang Kia có 5 bản, gồm: Hang Kia, Thung Ẳng, Thung Mặn, Thung Mài và Pà Khôm. Người dân ở các bản đều là người Mông. Nhà anh Vàng A Sung (SN 1988) ở ngay đầu bản Hang Kia. So với ngôi nhà của mẹ con Đức, nhà anh Sùng tươm tất hơn. Hôm chúng tôi đến thăm, anh Sùng chuẩn bị đi nương. Anh Sùng năm nay tròn 34 tuổi. Anh Sùng tự hào là mình có 3 người con trai. Trên vách nhà, tôi để ý thấy 2 đứa trẻ chụp ảnh chung trong bộ quần áo truyền thống của người Mông. Thấy tôi tò mò về bức ảnh, anh Sùng khoe: "Vợ chồng con trai lớn nhà tôi đấy". Nghe anh Sùng nói vậy, tôi giật mình. Hai đứa trẻ trong ảnh tôi đoán chừng năm nay khoảng 13 -14 tuổi, cái độ tuổi đúng ra là đang ngồi trên ghế nhà trường.

Như cảm nhận được sự bất ngờ của tôi, anh Sùng lại tự tin giới thiệu: "Đó là cháu Pàng, sinh năm 2008, con trai tôi, còn vợ nó tên là Sênh cùng tuổi. Tết năm ngoái, tôi tổ chức đám cưới cho nó. Bà con đến dự đông lắm". Nếu như không có sự khẳng định của anh Sùng, không riêng gì tôi mà nhiều người nhìn bức ảnh của 2 đứa trẻ không dám nghĩ họ là vợ chồng.

Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng bởi tiếng trẻ con khóc trong buồng. A Sùng nói với phía buồng bằng tiếng Mông. Khi đứa trẻ yên giấc, A Sùng tự hào khoe: "Cháu nội tôi đấy. Nó là con của thằng Pàng. Chúng nó cưới nhau được một năm thì vợ nó sinh con. Tôi lên chức ông nội rồi đấy. Mình tự hào là một trong những ông nội trẻ tuổi nhất ở Hang Kia này đấy".

Theo ông Vàng A Thào, bố của Trưởng bản Vàng A Nhà, ở đây, việc các chàng trai lên chức bố chồng hay ông nội ở tuổi ngoài 30 không còn là sự lạ. Đám trẻ vừa đến tuổi dậy thì đã yêu đương và "ưng cái bụng" là về ở với nhau, sau đó, 1-2 năm là sinh con đẻ cái.

Bài sau: Lấy nhanh, bỏ nhau cũng chóng và câu chuyện làm khai sinh cho con

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.