Những nhà lãnh đạo tôn giáo đấu tranh mở rộng quyền tiếp cận phá thai

27/02/2023 10:12
Người biểu tình phản đối cấm phá thai ở Los Angeles, Mỹ, ngày 3/3/2022. Ảnh: AP

Người biểu tình phản đối cấm phá thai ở Los Angeles, Mỹ, ngày 3/3/2022. Ảnh: AP

Một số nhà lãnh đạo tôn giáo đang cố gắng thay đổi quan điểm về phá thai trong các cộng đồng đức tin và lịch sử hoạt động tôn giáo để mở rộng khả năng tiếp cận phá thai.

Trong khi Giáo hội Công giáo chính thức phản đối việc phá thai trong hầu hết các trường hợp, các cuộc điều tra về người Công giáo Mỹ cho thấy một câu chuyện khác. Khoảng 4 người Mỹ phá thai thì có 1 người theo đạo Công giáo, theo Viện Guttmacher, một tổ chức nghiên cứu và chính sách hỗ trợ quyền phá thai.

56% người Công giáo cho rằng phá thai nên được hợp pháp trong tất cả hoặc hầu hết các trường hợp, theo một nghiên cứu năm 2022 của Pew Research. Tương tự, khoảng 66% người Kháng Cách da màu và 60% người Kháng Cách da trắng không theo Tin Lành có cùng ý kiến. Một cuộc khảo sát năm 2019 cho thấy 82% người theo đạo Phật, 68% người theo đạo Hindu, 83% người Do Thái và 55% người theo đạo Hồi nói rằng việc phá thai nên hợp pháp trong mọi hoặc hầu hết các trường hợp.

Nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo vẫn đi đầu trong phong trào chống phá thai, với nhiều nhà lãnh đạo Ki-tô giáo và Công giáo lập luận rằng cuộc sống bắt đầu từ lúc thụ thai và Chúa đứng về phía họ trong cuộc chiến bảo vệ những đứa trẻ. Trong nhiều thập kỷ, họ hỗ trợ xây dựng luật pháp nhằm hạn chế quyền về sức khỏe sinh sản, đặc biệt là khi liên quan đến việc tiếp cận phá thai.

Tháng trước, một nhóm các nhà lãnh đạo tôn giáo đã đệ đơn kiện liên quan đến quyền phá thai, lập luận rằng các quyền tự do tôn giáo của họ bị vi phạm. Theo đó, các nhà lãnh đạo tôn giáo này muốn lật ngược lệnh cấm phá thai ở Missouri, cho rằng các nhà lập pháp đã áp đặt niềm tin tôn giáo của họ lên người dân thông qua lệnh cấm này.

"Chúng tôi muốn đây không chỉ là một vụ kiện mà còn là một chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng để cho mọi người thấy rằng họ có thể theo đạo và cũng ủng hộ quyền phá thai", mục sư Cindy Bumb ở Saint Louis (Missouri), một trong những nguyên đơn, nói.

Những người đệ đơn kiện là một phần của phong trào các nhà lãnh đạo tôn giáo đấu tranh cho quyền được phá thai. Họ đang cố gắng thay đổi nhiều quan điểm về phá thai trong các cộng đồng đức tin và lịch sử hoạt động tôn giáo để mở rộng khả năng tiếp cận phá thai.

Hỗ trợ tiếp cận phá thai

Những nhà lãnh đạo tôn giáo đấu tranh mở rộng quyền tiếp cận phá thai - Ảnh 1.

Mục sư Cindy Bumb

Khi án lệ Roe và Wade được lật ngược vào năm ngoái, Bumb, một mục sư đã nghỉ hưu của Nhà thờ Thống nhất chúa Giê-su (United Church of Christ), đã phản đối lệnh cấm phá thai. Bumb là nhà hoạt động tôn giáo và vận động tiếp cận phá thai kể từ những năm 1980. Khi bắt đầu học ở chủng viện năm 1987, bà đã tuần hành đòi quyền phá thai cùng với các thành viên nhà thờ dưới biểu ngữ "Nhà thờ Thống nhất chúa Giê-su" .

Họ thành lập các hội đồng để hỗ trợ những phụ nữ muốn phá thai trước khi vụ kiện Roe và Wade năm 1973 giúp hợp pháp hóa quyền phá thai trên toàn nước Mỹ, Bumb cho biết. Tuy nhiên, lịch sử này thường bị lãng quên trong các cuộc thảo luận về tôn giáo và phá thai.

Bumb từng bị gọi là phù thủy, thậm chí nhận những mail thù địch và lời đe dọa. Bà chia sẻ: "Các giáo sĩ có thể miễn cưỡng lên tiếng ủng hộ việc phá thai, nhưng những người dám đứng ra và nói rằng họ ủng hộ quyền phá thai thật rất dũng cảm".

"Có những người đang bị tổn thương cần biết rằng họ được hỗ trợ bởi đức tin của mình, rằng Chúa hiểu được tình thế tiến thoái lưỡng nan mà họ đang gặp phải và ủng hộ họ", Bumb nói.

Ưu tiên cứu thai phụ

Cơ sở của giáo lý Do Thái chỉ ra rằng nếu phải lựa chọn giữa người mang thai và thai nhi, thì lựa chọn luôn là cứu người mang thai, giáo sĩ Susan Talve của Giáo đoàn Cải cách Trung ương (Central Reform Congregation) ở Saint Louis (Missouri), cho biết.

Talve cho biết các nhà lãnh đạo Do Thái có nhiệm vụ "bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất và bị ảnh hưởng tiêu cực nhất bởi lệnh cấm phá thai", bao gồm những người có thu nhập thấp, người không có bảo hiểm và cộng đồng da màu.

Ngoài các vụ kiện thách thức lệnh cấm phá thai, các nhà lãnh đạo cần tạo ra không gian không phán xét cho các cuộc trò chuyện về phá thai. Đây cũng là lúc để nhiều nhà lãnh đạo đức tin ủng hộ quyền sinh sản phát biểu về vấn đề này. "Đã đến lúc chúng ta phải táo bạo. Đã đến giờ thuyết pháp. Đã đến lúc chúng ta hỗ trợ tiếp cận phá thai", Talve nói.

Ủng hộ chăm sóc sức khỏe sinh sản

Những nhà lãnh đạo tôn giáo đấu tranh mở rộng quyền tiếp cận phá thai - Ảnh 2.

Jamie L. Manson, Chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận Công giáo cho Lựa chọn

Hai thập kỷ trước, Jamie L. Manson, Chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận Công giáo cho Lựa chọn (Catholics for Choice), thực hiện một dự án đưa 50 nữ tu Công giáo từ một số quốc gia châu Phi đến bang Connecticut để thảo luận về việc chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Manson nói: "Tôi nhận ra rằng phụ nữ và đàn ông đang chết dần chết mòn vì giáo điều Công giáo, cho dù họ không được tiếp cận với bao cao su, giáo dục giới tính đúng đắn hay dịch vụ phá thai để giữ mạng sống. Tôi bắt đầu nhận ra việc thiếu chăm sóc sức khỏe sinh sản đang gây ra đau khổ và tử vong như thế nào, đặc biệt là trong các cộng đồng bị gạt ra ngoài lề xã hội mà chúng ta phải ưu tiên với tư cách là người Công giáo".

Kể từ đó, Manson đã đấu tranh cho quyền tiếp cận phá thai. Năm ngoái, trong cuộc biểu tình chống phá thai March for Life, Công giáo cho Lựa chọn đã lan tỏa một số thông điệp như "Hãy ngừng kỳ thị, hãy bắt đầu lắng nghe", "Phong trào ủng hộ quyền phá thai Công giáo, bạn không một mình".

Đấu tranh đòi quyền phá thai

Năm 2018, khi ông Brett Kavanaugh được xác nhận giữ chức thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ trong bối cảnh các cáo buộc tấn công tình dục nhằm vào mình, Sheila Katz, người hiện là CEO Hội đồng Phụ nữ Do Thái Quốc gia (National Council of Jewish Women) có trụ sở tại Washington đã quyết định tham gia vào tổ chức "để làm cho thế giới tốt đẹp hơn cho phụ nữ, trẻ em và gia đình", cô nói.

Hội đồng đã thúc đẩy mở rộng khả năng tiếp cận phá thai kể từ khi được thành lập cách đây 130 năm. Vào những năm 1920, tổ chức này đã giúp thành lập 10 trung tâm kiểm soát sinh đẻ đầu tiên trong cả nước, sau này trở thành trung tâm Planned Parenthood.

Katz cho biết vào ngày 17 tháng 2, 1.500 tổ chức và cộng đồng Do Thái tham gia vào một sự kiện của Hội đồng Phụ nữ Do Thái Quốc gia có tên là Repro Shabbat để tìm hiểu Kinh Torah nói gì về phá thai. Một số nhà lãnh đạo Do Thái sẽ tổ chức các cuộc thảo luận tại nhà.

Người Do Thái đã bị loại khỏi câu chuyện quanh vấn đề tôn giáo và phá thai quá lâu. "Chúng tôi đã bù đắp cho câu chuyện này bằng cách lớn tiếng và tự hào trong cuộc đấu tranh giành quyền phá thai với tư cách là một cộng đồng Do Thái", cô nói.

Những nhà lãnh đạo tôn giáo đấu tranh mở rộng quyền tiếp cận phá thai - Ảnh 3.

Sheila Katz, CEO Hội đồng Phụ nữ Do Thái Quốc gia

Theo đuổi công bằng sinh sản

Aliza Kazmi nhanh chóng nhận ra có nhiều quan điểm so với nhận thức ban đầu của cô về "các chủ đề cấm kỵ" như phá thai qua việc nghiên cứu truyền thống Hồi giáo. Kazmi là đồng Giám đốc điều hành của HEART, một tổ chức phi lợi nhuận quốc gia có trụ sở tại Chicago nhằm mục đích "xóa bỏ bạo lực giới tính và thúc đẩy công bằng sinh sản".

Kazmi cho biết ủng hộ việc tiếp cận phá thai là một phần nghĩa vụ của cô với tư cách là một người Hồi giáo để tập trung vào nhu cầu của những người bị áp bức và đối mặt với mất cân bằng về quyền lực và đặc quyền. "Là một người Hồi giáo, tôi cảm thấy chúng ta phải tích cực theo đuổi công lý, bao gồm cả công bằng sinh sản, và coi đó là vấn đề công bằng chủng tộc, vấn đề công bằng giới tính, vấn đề công bằng kinh tế", cô nói.

HEART đã tổ chức một số hội thảo để thảo luận về những gì đạo Hồi nói về công bằng sinh sản. Kazmi cho biết số người tham dự các hội thảo đã tăng lên sau khi vụ kiện Roe và Wade bị lật ngược, một dấu hiệu đầy hy vọng sẽ có thêm nhiều người Hồi giáo cảm thấy được trao quyền để lên tiếng ủng hộ quyền phá thai.

Lòng trắc ẩn với người phá thai

Katey Zeh, mục sư rửa tội và là CEO của Liên minh Tôn giáo vì Lựa chọn Sinh sản (Religious Coalition for Reproductive Choice) có trụ sở tại Washington, lần đầu tiên tham gia vào nhóm với tư cách là sinh viên chủng viện tại Trường Thần học Yale 17 năm trước, khi tổ chức cung cấp khóa đào tạo về cách hỗ trợ mọi người trước các quyết định mang thai. Lớn lên trong một gia đình người da trắng bảo thủ theo đạo Tin lành, Zeh chưa bao giờ nghĩ nhiều về quyền sinh sản. Khóa đào tạo đã nhanh chóng thay đổi cô.

Zeh thường xuyên làm tình nguyện ở bệnh viện. Một ngày nọ, cô được yêu cầu hỗ trợ một bệnh nhân làm thủ tục phá thai. Cô chia sẻ: "Đó là một trải nghiệm có tác động mạnh mẽ. Những bệnh nhân này, những con người tuyệt vời này đã khiến tôi rơi vào một khoảnh khắc cảm thấy mình yếu đuối. Điều rất thiêng liêng. Ở nơi này, tôi từng được cho là vô thần, tôi đã có trải nghiệm tâm linh vô cùng đẹp đẽ này. Đó là thời điểm tôi biết công việc này là điều tôi cần phải làm".

Nguồn: USA Today

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.