Những nhà thờ cổ nhất thế giới bị phá hủy sau động đất Thổ Nhĩ Kỳ - Syria

22/02/2023 09:32
Tại thành phố cổ Antakya của Thổ Nhĩ Kỳ, những nhà thờ lịch sử đã biến thành đống đổ nát sau trận động đất ngày 6/2/2023

Tại thành phố cổ Antakya của Thổ Nhĩ Kỳ, những nhà thờ lịch sử đã biến thành đống đổ nát sau trận động đất ngày 6/2/2023

Nhà thờ cổ nhất thế giới và nhà thờ Hồi giáo cổ nhất Thổ Nhĩ Kỳ ở thành phố Antakya đã biến thành đống đổ nát sau hai trận động đất ngày 6/2.

Các trận động đất mạnh 7,8 và 7,5 độ richter tấn công Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vào ngày 6/2/2023 đã tàn phá cả hai quốc gia trên diện rộng. Số người thiệt mạng cho đến nay đã vượt quá 45.000 người.

Một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận động đất xảy ra ở 10 tỉnh là thành phố Antakya ở Hatay. Các mái vòm và tường của nhiều nhà thờ, trong đó có Nhà thờ Chính thống Antioch và Nhà thờ Hồi giáo Habib-I Nejjar gần như đã sụp đổ hoàn toàn.

"Rất tiếc khi nhà thờ của chúng tôi đã bị phá hủy sau trận động đất. Tất cả các bức tường của nhà thờ đã sụp đổ và nhà thờ không thể dùng cho việc cầu nguyện được. Thật đáng buồn khi thành phố Antakya phải trải qua thảm họa. Tất nhiên, với tư cách là cộng đồng ở đây, chúng tôi rất buồn và vô cùng thất vọng. Chúng tôi chịu tổn thất lớn khi mất khoảng 30-35 người từ cộng đồng nhà thờ của mình", Sertac Paul Bozkurt, một thành viên của hội đồng Nhà thờ Chính thống Antioch, cho biết.

Những nhà thờ mang dấu ấn lịch sử

Nhà thờ Chính thống Antioch ở thành phố Antakya được xây dựng từ thế kỷ thứ nhất và hiện là nhà thờ cổ xưa nhất thế giới. Sau trận động đất, nhà thờ bị hư hại nghiêm trọng. Nhà thờ từng bị phá hủy trong trận động đất năm 1872 và sau đó được xây dựng lại.

Fadi Hurigil, Chủ tịch hội đồng quản trị của Tổ chức Nhà thờ Chính thống Antakya, nói: "Lịch sử một lần nữa đã bị xóa bỏ".

"Đây là nhà thờ lâu đời nhất, nhà thờ đầu tiên trên thế giới. Đây là nơi ra đời của Ki-tô giáo. Đó là lý do tại sao chúng tôi kêu gọi các tín đồ Ki-tô giáo từ khắp nơi trên thế giới giúp chúng tôi xây dựng lại nhà thờ. Đây sẽ là một quá trình lâu dài. Nhưng chúng tôi sẽ xây dựng lại nhà thờ và sẽ đưa cộng đồng của chúng ta trở lại với nhau trong nhà thờ này", Bozkurt nói.

Những nhà thờ lịch sử bị phá hủy sau động đất Thổ Nhĩ Kỳ - Syria - Ảnh 1.

Nhà thờ Chính thống Antioch bị phá hủy trong trận động đất. Ảnh: AP

Những nhà thờ lịch sử bị phá hủy sau động đất Thổ Nhĩ Kỳ - Syria - Ảnh 2.

Nhà thờ Chính thống Antioch trước khi bị sập trong trận động đất. Ảnh: DHA

Cộng đồng người Hồi giáo sống ở Antakya cũng rất đau buồn khi Nhà thờ Hồi giáo Habib-I Nejjar, nhà thờ Hồi giáo lâu đời nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng đã bị phá hủy. Giờ đây, chỉ có thể đến được nhà thờ bằng cách trèo qua những đống bê tông và đá cũ từng tạo nên thành phố Antakya. Nhà thờ gắn liền với Antakya theo dòng lịch sử: địa điểm này ban đầu là một ngôi đền ngoại giáo cổ, sau đó là một nhà thờ, trước khi cuối cùng trở thành một nhà thờ Hồi giáo được xây dựng vào thế kỷ 13. Nhà thờ Hồi giáo Habib-I Nejjar đã bị phá hủy trong một trận động đất vào năm 1853 và được xây dựng lại bốn năm sau đó bởi người Ottoman.

"Nhà thờ Hồi giáo Habib-I Nejjar rất có giá trị đối với tất cả chúng tôi, tất cả người Thổ Nhĩ Kỳ và người Hồi giáo. Vào Đêm Qadr (ngày linh thiêng nhất trong năm và tháng lễ Ramadan) chúng tôi thường đến đây để cầu nguyện. Tôi đã tự hỏi nhà thờ Hồi giáo của chúng tôi rồi sẽ sao vì tôi nghe nói nó đang trong tình trạng tồi tệ", Havva Pamukcu, một tín đồ Hồi giáo địa phương, cho biết.

Những nhà thờ lịch sử bị phá hủy sau động đất Thổ Nhĩ Kỳ - Syria - Ảnh 3.

Một người lính đi ngang lối vào chính của nhà thờ Hồi giáo Habib Najjar, nơi bị phá hủy sau trận động đất. Ảnh: AP

Bên ngoài trung tâm thành phố Antakya, núi Starius đã bảo vệ một trong những nhà thờ đầu tiên của Ki-tô giáo, St. Pierre. Nhà thờ xây dựng trong một hang động trên núi và có những phần có niên đại từ thế kỷ thứ tư. Một bộ cầu thang dẫn đến nhà thờ đã bị hư hại.

Trận động đất đã tạo nên những vết nứt trên tường của Hội đường Do Thái Antakya, nơi sinh sống của cộng đồng Do Thái 2.500 năm tuổi trong khu vực. Chủ tịch cộng đồng Do Thái của thành phố và vợ ông đã không qua khỏi. Giáo sĩ Mendy Chitrik, chủ tịch Liên minh giáo sĩ ở các Quốc gia Hồi giáo, cho biết khoảng mười người theo đạo Do Thái và các cuộn kinh Torah của hội đường đã tạm thời được chuyển đến thủ đô Istanbul.

Antakya - thành phố giàu tính lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ

Thành phố cổ Antakya của Thổ Nhĩ Kỳ, được biết đến trong thời La Mã và thời trung cổ với tên gọi Antioch, nổi tiếng hàng nghìn năm là nơi gặp gỡ của các nền văn minh và được nhiều tín đồ Ki-tô giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo tôn sùng.

Antakya, được xây dựng vào năm 300 trước Công nguyên bởi một vị tướng của Alexander Đại đế ở thung lũng sông Orontes, là một trong những thành phố lớn nhất của Nền văn minh Hy Lạp - La Mã, sánh ngang với Alexandria (Ai Cập) và Constantinople (Istanbul ngày nay). Người ta cho rằng Thánh Phêrô Và Thánh Phaolô đã thành lập một trong những cộng đồng Ki-tô giáo lâu đời nhất ở đây, và chính tại đây từ "Ki-tô giáo" lần đầu tiên được sử dụng.

Những nhà thờ lịch sử bị phá hủy sau động đất Thổ Nhĩ Kỳ - Syria - Ảnh 4.

Người dân ở Antakya đi trên đống đổ nát của những ngôi nhà bị phá hủy trong trận động đất. Ảnh: AP

Những nhà thờ lịch sử bị phá hủy sau động đất Thổ Nhĩ Kỳ - Syria - Ảnh 5.

Quang cảnh hoang tàn ở Antakya sau động đất. Ảnh: AP

Trong lịch sử, Antakya đã nhiều lần bị phá hủy bởi động đất và được xây dựng lại. Người dân lo sợ rằng Antakya phải mất thời gian rất lâu mới phục hồi từ trận động đất lần này và bản sắc lịch sử độc đáo của thành phố có thể không bao giờ được khôi phục hoàn toàn. Sự tàn phá quá lớn, và họ nói rằng chính phủ ít quan tâm đến khu vực này.

Antakya là nơi diễn ra hai trong số bốn trận động đất khiến nhiều người thiệt mạng nhất trong suốt lịch sử. Theo ước tính, một trận động đất mạnh 7,5 độ richter vào năm 115 trước Công nguyên đã giết chết 260.000 người. Vào năm 525 sau Công nguyên, 250.000 người đã thiệt mạng trong một trận động đất khác. Năm 1872, một trận động đất đã phá hủy một phần ba thành phố Antakya.

"Có thể trong một tháng nữa, chúng tôi sẽ bắt đầu cải tạo", Yahya Coskun, Phó tổng giám đốc bảo tàng và di sản văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ, nói về sự tàn phá của trận động đất đối với thành phố.

Jan Estefan, một thợ bạc và là một trong số ít những người theo đạo Ki-tô còn lại của thành phố, cho biết: "Việc Antakya bị phá hủy là một mất mát đối với nhân loại. Chúng tôi vẫn muốn sống ở đây. Chúng tôi không có ý định rời đi".

Những nhà thờ lịch sử bị phá hủy sau động đất Thổ Nhĩ Kỳ - Syria - Ảnh 6.

Mehmet Ismet cầu nguyện trước đống đổ nát của nhà thờ Hồi giáo Habib Najjar. Ảnh: AP

Mehmet Ismet, 74 tuổi, người đã sống trong đống đổ nát ở nhà thờ Hồi giáo Habib Najjar gần hai tuần, nói: "Thành phố có thể được xây dựng lại, nhưng nó sẽ không giống như thành phố cũ. Thành phố cũ đã không còn nữa, chỉ còn lại cái tên". Ông Ismet đã ngủ và cầu nguyện dưới vài mái vòm vẫn còn đứng vững của nhà thờ, thương tiếc cho tương lai của một thành phố nổi tiếng bởi quá khứ của nó.

Nguồn: Euro News, AP News

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn