Những nữ điều dưỡng ân cần, lặng lẽ bên bệnh nhân ung thư

26/10/2022 20:46
Điều dưỡng trưởng Bùi Thị Thanh Hải động viên bệnh nhân

Điều dưỡng trưởng Bùi Thị Thanh Hải động viên bệnh nhân

Với nhiều bệnh nhân, khi phát hiện ung thư là đã mang án tử, tinh thần suy sụp. Thế nhưng, bên cạnh họ có nhiều người chia sẻ, nhất là các y, bác sĩ, điều dưỡng không ngại khó, ngại khổ hết lòng vì người bệnh.

26 năm gắn với với người bệnh

"Tôi đã và đang dành cả tuổi xuân, cả sự nghiệp, tâm huyết của mình với Bệnh viện K Trung ương và các bệnh nhân ung thư", đó là chia sẻ của chị Bùi Thị Thanh Hải (48 tuổi), Điều dưỡng trưởng khoa Xạ vú - phụ khoa (Bệnh viện K Trung ương) khi nói về công việc hiện tại.

Chị Hải cho biết, đến nay đã gắn bó với bệnh viện 26 năm. Từ nữ điều dưỡng công tác tại Khoa Hóa chất năm 1996 - 1998, sau đó chị được phân công công tác tại Khoa Xạ vú - phụ khoa đến nay. 

Chị kể, bệnh nhân đến bệnh viện, ai cũng bệnh, cũng đau. Tuy nhiên, bệnh nhân ung thư luôn là những người đặc biệt, nhất là các chị em phụ nữ. Bởi phía trước họ còn cả tương lai, cả thanh xuân tươi đẹp, nên khi biết mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nhân thường tự ti. Lúc ấy, họ phải đối diện với vấn đề sức khỏe và cả những mặc cảm về cơ thể mình. Để chữa lành vết thương ấy, không chỉ có y học hiện đại mà còn cả tấm lòng bao dung, ân cần, cảm thông.

Trong quá trình làm việc, có nhiều câu chuyện, nhiều đêm trắng cùng đồng nghiệp giành giật sự sống mong manh cho người bệnh trong từng giây từng phút. Chị Hải nhớ như in đêm trực ấy, đồng hồ điểm 23h, người bệnh chảy máu rất nhiều, diễn biến nặng ở trong khoa. Mọi thứ xảy đến quá nhanh, mất máu kéo dài đồng nghĩa với việc tính mạng người bệnh bị đe dọa, gương mặt tái xanh, phờ phạc của bệnh nhân và gia đình vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của chị.

Với kinh nghiệm của mình, chị cùng bác sĩ và ekip trực tiến hành truyền máu cho bệnh nhân. Máu truyền 3 đơn vị nhưng vẫn chảy không ngừng. Với sự khẩn trương, chính xác, kịp thời xử lý của các y, bác sĩ, bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Khi mọi thứ đã ổn định, bệnh nhân tỉnh, chị và bác sĩ vừa kiểm tra, theo dõi thì bệnh nhân gọi lại gần nắm tay: "Cảm ơn anh chị, cảm ơn các bác sĩ cho tôi được sống lại lần nữa". "Đó là khoảnh khắc tôi và bệnh nhân cùng khóc, cùng xúc động, đó là giọt nước mắt của hạnh phúc", chị Hải nghẹn ngào nhớ lại.

Những nữ điều dưỡng lặng thầm vì người bệnh ung thư - Ảnh 1.

Điều dưỡng Trưởng Bùi Thị Thanh Hải (bên trái) đang kiểm tra hồ sơ bệnh án

Chị Hải cho biết, công việc của mình nói riêng và các điều dưỡng nói chung bắt đầu từ sáng sớm đến trực buồng giao ca. Sau khi nhận ca, các chị lại cuốn vào phòng bệnh này, bệnh nhân kia. 

Sau những giờ làm việc ở bệnh viện, chị trở về nhà với vai trò của người vợ, người mẹ, vun vén gia đình quây quần bữa cơm tối. Chồng chị làm cùng bệnh viện, thậm chí cùng tầng của tòa nhà nhưng công việc cứ cuốn theo thời gian. "Hiếm khi hai vợ chồng cùng ngồi ăn trưa như những đồng nghiệp. Tôi ở khoa và ở cùng người bệnh, cùng mọi người trong khoa nhiều hơn là ở cùng chồng con", chị Hải tâm sự.

Lắng nghe là chia sẻ

Chị Bùi Thị Bích Liên (47 tuổi), Điều dưỡng Trưởng khoa Ngoại tiết niệu (Bệnh viện K Trung ương), đã 25 năm gắn bó với các bệnh nhân. 

Sau khi học xong, năm 1997, chị vào làm việc tại Bệnh viện K Trung ương với công việc ban đầu ở Khoa Ngoại vú. Đến năm 2016, chị chuyển về công tác tại Khoa Ngoại tiết niệu. Đây là chuyên khoa "đặc biệt" ở bệnh viện điều trị cho người bệnh ung thư. Bởi đa phần người bệnh là nam, bệnh lý thường gây mặc cảm, tự ti, nên rất khó để chia sẻ. Vì vậy, trong công việc hàng ngày, chị cũng như nhiều đồng nghiệp khác gặp không ít khó khăn.

Chị Liên kể, không ít cụ phát hiện bệnh khi đã nhiều tuổi rồi. Có cụ đã ngoài 80, nên lúc nhớ lúc quên. Vì thế, có khi chị vừa tiêm, vừa phải đặt ống truyền giữa đêm trực. Chị chưa kịp ngơi tay, cụ lại giật ống, mất kiểm soát. 

Có khi các cụ ngồi giữa khoa và nói về chiến tranh, chiến trường xưa. Những lúc ấy, chị cũng ngồi nghe, trò chuyện cả 2-3 tiếng với bệnh nhân. "Tôi cũng không nhớ điều bác nói lúc đó là những chuyện gì, mình chỉ lắng nghe, gật gù, đôi khi như vỗ về. Cụ thấy vậy mừng lắm", chị Liên kể lại.

Những nữ điều dưỡng lặng thầm vì người bệnh ung thư - Ảnh 2.

Chị Bùi Thị Bích Liên 

Hầu hết những bệnh nhân điều trị tại Khoa Ngoại đều đứng trước ca phẫu thuật điều trị u bướu. Nhiều ca mổ cấp cứu ngay trong đêm, nhiều ca tưởng chừng như mọi thứ đã kết thúc thế nhưng may mắn lại mỉm cười, bao mệt mỏi với chị và các đồng nghiệp lại tan biến.

Trong số các bệnh nhân mình đã chăm sóc, điều trị, chị Liên nhớ nhất là một cô gái mới 24 tuổi. Bệnh nhân xinh xắn, vừa tốt nghiệp đại học, phải phẫu thuật ung thư vú và sau mổ thì trở về buồng bệnh chị phụ trách. Giây phút đầu tiên khi cô gái ấy tỉnh lại, chỉ khóc. Cô ấy sốc và tâm lý hoảng loạn khi thấy 1 bên ngực của mình không còn. Gia đình dù đã trấn an, trò chuyện nhưng cũng chỉ cải thiện được một chút. Đến chiều muộn khi chưa thể ngồi dậy, cô ấy muốn được soi gương để nhìn hình ảnh của mình và cả bên ngực đã mổ, nhất là vết mổ lúc bấy giờ.

Đêm hôm đó, khoảng 21h, chị ngồi lại bên giường bệnh và tâm sự với bệnh nhân. Chị chia sẻ về nhiều trường hợp khỏi bệnh, cũng có nói về không ít người bi quan. Điểm chung của họ là đều mắc bệnh nhưng khác nhau ở cách đối diện. Chị hỏi: "Em sẵn sàng chưa?", cô ấy khóc và lặng lẽ gật đầu. Chị nhẹ nhàng xoa tay động viên bệnh nhân trẻ như với người em gái của mình. "May mắn là những ngày sau đó, em ấy vượt qua, tự tin với công việc chuyên ngành Luật mà mình đam mê theo đuổi", chị Liên nhớ lại.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn