Những tục lệ đón Tết độc lạ khắp thế giới

28/01/2022 10:24
Quái thú Nian và tục đón năm mới của người Trung Quốc

Quái thú Nian và tục đón năm mới của người Trung Quốc

Đây là những cách chào đón năm mới khá độc đáo có từ xa xưa nhưng đến nay vẫn còn tồn tại, mang đậm nét văn hóa, tôn giáo và pha chút huyền bí.

Tết cổ truyền gắn liền với truyền thuyết Nian ở Trung Quốc

Một trong những truyền thống lâu đời nhất vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay của người Trung Quốc là tục đón năm mới gắn liền với truyền thuyết Nian. Đây là một trong những sự kiện trọng, được cho là có từ thời nhà Thương, tức các đây khoảng 3.000 năm.

Theo truyền thuyết dân gian Trung Quốc, Nian nghĩa là "năm" hoặc "năm mới", là sinh vật to lớn có thân hình bò đực, đầu sư tử, với cái hàm khổng lồ, đủ rộng để nuốt chửng vô số người cùng một lúc. Nó thường ẩn náu dưới đáy biển sâu hoặc trên đỉnh núi cao. Tương truyền, vào cuối mùa đông khi không có gì để ăn, chúng sẽ bước lên bờ từ đáy biển sâu hoặc đi xuống từ đỉnh núi cao vào các ngày đầu tiên của năm mới để ăn thịt gia súc, mùa màng, và thậm chí cả dân làng, đặc biệt là trẻ em.

Quái thú Nian đồng nghĩa với nỗi ám ảnh mỗi dịp năm mới cận kề nên hàng năm mỗi khi giao thừa đến, người người không ai dám ra ngoài. Thậm chí, họ còn phải đặt sẵn thức ăn trước nhà mỗi dịp đầu năm với niềm tin, quái thú Nian sẽ ăn chúng và không động đến con người nữa. Chuyện như vậy cứ lặp đi lặp lại mỗi dịp Xuân về cho đến khi một ông lão kỳ lạ từ phương xa tới và không muốn làm phiền, mọi người khuyên vị lão phu tốt bụng này trốn lên núi cùng mọi người.

Những tục lệ đón Tết độc lạ trên hành tinh - Ảnh 1.

Quái thú Nian

Đêm đến, Nian hùng hổ bước chân vào làng trong cơn khát máu, nó điên cuồng phá hoại nhà cửa, giết hại gia súc. Khi đến ngôi nhà có ông lão trong đó, Nian chợt khựng lại vì lo lắng, bên ngoài nhà dán đầy giấy đỏ còn trong phòng thì thắp nến sáng rực... Bất ngờ, ông lão xuất hiện cùng bộ đồ đỏ, cười thật lớn trong tiếng pháo nổ râm ra. Thấy vậy quái thú hoảng sợ, chạy một mạch về hang ổ. Hóa ra, Nian có ba nỗi sợ lớn là màu đỏ, lửa và tiếng ồn. Sau khi ông lão giúp dân làng trừ họa, mỗi dịp Tết đến, người Trung Quốc lại dán câu đối đỏ, bắn pháo hoa, và mở tiệc linh đình để đánh đuổi quái thú, và cũng là cách nhớ đến công lão của vị lão phu tốt bụng năm xưa.

Tết Nowruz của người Iran

Nowruz, trong tiếng Ba Tư nghĩa là "Ngày mới" và là tên gọi Năm mới của người Iran/Ba Tư. Nowruz cũng được gọi một cách rộng rãi là "Năm mới Ba Tư" hay "Tết Ba Tư". Nó được tổ chức vào ngày Xuân phân ở Bắc bán cầu, thường rơi vào ngày 21 tháng 3 hay ngày trước hoặc ngày sau đó, tùy theo nơi cử hành. Nowruz cũng là một ngày lễ Hỏa giáo và có ý nghĩa quan trọng trong nguồn gốc Hỏa giáo của người Iran hiện nay. Thời điểm Mặt Trời đi qua xích đạo địa cầu và cân bằng ngày đêm được tính chính xác hàng năm và các gia đình người Iran khi đó quây quần bên nhau để cử hành các nghi lễ.

Nowruz cũng là ngày nghỉ lễ chính thức của nhiều quốc gia như Kurdistan, Albania, Azerbaijan, Gruzia, Kosovo, Kyrgyzstan, Iran, Iraq, Kazakhstan, Mông Cổ, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan... và người Kurd hải ngoại.

Các ghi chép chính thức về Nowruz không xuất hiện cho đến thế kỷ thứ 2, nhưng hầu hết các nhà sử học tin rằng lễ kỷ niệm của nó đã có từ ít nhất là thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên. Không giống như nhiều lễ hội Ba Tư cổ đại khác, Nowruz vẫn tồn tại như một ngày lễ quan trọng ngay cả sau cuộc chinh phục của Iran bởi Alexander Đại đế vào năm 333 trước Công nguyên và sự trỗi dậy của chế độ Hồi giáo vào thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên.

Những tục lệ đón Tết độc lạ trên hành tinh - Ảnh 2.

Tết Nowruz của người của người Iran/Ba Tư

Truyền thống đón Tết bao gồm các bữa tiệc, trao đổi quà với các thành viên trong gia đình và hàng xóm, đốt lửa, nhuộm trứng và tưới nước để tượng trưng cho sự sáng tạo. Đặc biệt là sử dụng lửa đốt và trứng màu là những phần của ngày lễ hiện đại.

Năm 2010 Liên Hợp Quốc đã công nhận Ngày Quốc tế Nowruz, coi đây là một lễ hội mùa xuân có nguồn gốc Ba Tư và đã được tổ chức trong trên 3.000 năm. Trong cuộc họp của Ủy ban Liên Chính phủ về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của Liên Hợp Quốc, được tổ chức từ ngày 28/9 đến ngày 2/10/2009 tại Abu Dhabi, Nowruz đã chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại của UNESCO.

Tết Sinhalese-Tamil của người Sri Lanka

Tết Sinhala – Tamil, một trong những lễ hội lớn nhất Sri Lanka, được tổ chức vào ngày 14/4 hằng năm. Tên lễ hội được ghép từ tên hai dân tộc có số dân đông nhất nước này là người Sinhala (74% dân số) và người Tamil (18%). Tết Sinhalese (aluth avurudda), đánh dấu sự kết thúc của mùa thu hoạch và được tổ chức vào ngày 13 hoặc 14/4. Có một khoảng cách thời gian được tạo ra theo phương pháp chiêm tinh giữa năm trôi qua và năm mới, dựa trên sự đi qua của mặt trời từ Meena Rashiya (Nhà của Song Ngư) đến Mesha Rashiya (Nhà của Bạch Dương) trong thiên cầu.

Những tục lệ đón Tết độc lạ trên hành tinh - Ảnh 3.

Tết Sinhalese và Tamil của người Sri Lanka

Vào năm mới nhà nào cũng trang trí hai cây chuối đang trĩu quả, với mong muốn sẽ có được sự sung túc, ấm no và hạnh phúc. Trước cửa nhà còn đặt một tháp dừa to cả trăm quả, các gia đình đứng xếp hàng, tay bưng vật phẩm, chờ đợi khi chiếc xe rước thần Shiva đi ngang qua để dâng cúng.

Tín đồ Ấn Độ giáo cho rằng khi đập vỡ những quả dừa, họ sẽ phá vỡ cái bản ngã của mình, chứng minh họ là vô ngã thuần khiết, để đấng tối cao có thể nhìn thấy tận bên trong thân tâm, họ hoàn toàn phục tùng tín ngưỡng mình đã theo. Quả dừa được đập vỡ sẽ để lộ phần cơm dừa và nước dừa tinh khiết, tượng trưng cho sự trong sạch như linh hồn của họ.

Tết Hogmanay của người Scotland

Cư dân Scotland đánh dấu sự xuất hiện của năm mới với niềm đam mê đặc biệt trong một ngày lễ mà họ gọi là Hogmanay, dựa trên lịch sử về các cuộc xâm lược của người Viking, mê tín dị đoan và các nghi lễ ngoại giáo cổ đại. Nguồn gốc Hogmanay bắt nguồn từ các nghi lễ ngoại giáo đánh dấu thời điểm đông chí. Các lễ kỷ niệm của người La Mã đối với lễ hội mùa đông theo chủ nghĩa khoái lạc của Saturnalia và lễ kỷ niệm Yule của người Viking (nguồn gốc của 12 ngày Giáng sinh) đã góp phần vào các lễ kỷ niệm xung quanh năm mới ở Scotland.

Những tục lệ đón Tết độc lạ trên hành tinh - Ảnh 4.

Lễ đón năm mới Hogmanay của người Scotland

Những lễ kỷ niệm này và các nghi lễ khác đã phát triển qua nhiều thế kỷ để trở thành ngày lễ Hogmanay được tổ chức ở Scotland ngày nay. Trong suốt thời Trung cổ, các lễ hội mùa đông ngoại giáo có từ trước đã bị lu mờ bởi các lễ hội xung quanh Giáng sinh và năm mới được dời sang trùng với các ngày thánh của Cơ đốc giáo. Tuy nhiên, theo sau cuộc Cải cách ở Scotland, lễ kỷ niệm Giáng sinh không được khuyến khích, và do đó, việc tặng quà và ăn mừng cùng với Giáng sinh ở những nơi khác đã diễn ra vào năm mới, làm phát sinh lễ kỷ niệm Hogmanay độc đáo của người Scotland.

Các truyền thống địa phương khác nhau được tìm thấy ở Scotland liên quan đến hỏa hoạn cũng có từ xa xưa. Trong các lễ kỷ niệm mùa đông của người ngoại giáo, lửa tượng trưng cho mặt trời mới mọc trở lại đất liền và lửa đốt được cho là có tác dụng xua đuổi những linh hồn ma quỷ trú ngụ trong bóng tối.

Một phong tục khác được gọi là "bước chân đầu tiên" quy định, người đầu tiên bước qua ngưỡng cửa của một ngôi nhà sau giao thừa sẽ quyết định vận may của gia chủ trong năm mới. Vì vậy người xông nhà hay "vị khách lý tưởng cho năm mới" là những người mang quà đến cho gia chủ, thường là rượu whisky, than để đốt lửa, bánh nhỏ hoặc đồng xu. Đặc biệt hơn phải là một người đàn ông có nước da ngăm đen. Tại sao? Câu trả lời này có nguồn gốc từ thế kỷ thứ 8, khi những người Viking có mái tóc vàng đến xâm lược Scotland, nên ngày nay du khách tóc vàng đến xông nhà thường được người Scotland coi là ít may mắn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.