Ninh Thuận nước quý hơn vàng

13/07/2016 - 09:55
Những cánh đồng nứt toác rồi bỏ hoang trắng xóa, đàn gia súc cũng chết mòn chết dần mỗi ngày, nhiều thôn xóm đang oằn mình chống chọi hạn hán… đó là những gì đang xẩy ra tại tỉnh Ninh Thuận trong những ngày này.

Xã Phước Nam, huyện Thuận Nam được biết đến là vùng đất hạn hán bậc nhất của tỉnh Ninh Thuận. Từ một xã có thế mạnh về sản xuất lẫn chăn nuôi nhưng nạn hạn hán kéo dài suốt mấy năm qua đang khiến địa phương này kiệt quệ.

3.jpg
Đàn cừu Ninh Thuận đang kiệt quệ vì hạn hán

Năm 2015, tất cả cánh đồng trên địa bàn xã đều bỏ hoang vì không có nước. Đàn gia súc (dê, cừu, bò) cũng chết hàng loạt vì thiếu nước và thiếu thức ăn. Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nắng nóng xuất hiện từ cuối năm 2014 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Ngày 14/3/2016, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quyết định số 558/QĐ-UBND về việc công bố thiên tai (hạn hán) xảy ra từ ngày 1/3/2016 tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Cả huyện Thuận Nam nằm trong danh sách bị thiên tai, trong đó xã Phước Nam bị ảnh hưởng nặng nhất.

Những ngày này, ông Thiên Sanh Tuấn – Phó chủ tịch UBND xã Phước Nam đứng ngồi không yên khi báo cáo số gia súc chết hàng ngày từ các thôn xóm gửi về tăng lên không ngừng. “Năm ngoái ruộng đồng bỏ hoang toàn bộ, đàn gia súc chết nhiều vô kể. Năm nay hạn hán lại tiếp tục, ruộng đã cày ải, kênh mương đã nạo vét chờ nước về là xuống giống nhưng giờ chưa có giọt nào. Sốt ruột nhất là đàn gia súc, thiếu nước uống, ruộng đồng khô cháy khiến thức ăn cạn kiệt. Dù người dân đã cho đàn gia sức “di cư” sang tận xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước để tránh hạn nhưng gia súc vẫn chết rất nhiều”, ông Tuấn cho biết.

Theo con số được ông Tuấn cung cấp, đến ngày 12/7 trên địa bàn xã đã có 670 con gia súc chết vì hạn hán. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nói rằng, con số đó là “khiêm tốn” vì rất nhiều hộ dân không báo cáo. Như trường hợp gia đình chị Trương Thị Trúc Dinh (thôn Văn Lâm 3) đã chết mất 50 con cừu nhưng gia đình chị Dinh không thống kê. Năm 2015, nhà chị Dinh chết hơn 100 con nhưng chỉ nói chết có 4 con. Lý do chị Dinh đưa ra là vì có thống kê cũng… chẳng được hỗ trợ gì!

2.JPG
Một hồ chứa nước cho gia súc ở xã Phước Nam cạn trơ đáy

Không chỉ đàn gia súc đang quằn quại và chết dần, chết mòn vì đói và khát, 48 hộ dân tại thôn Tam Lang, xã Phước Nam cũng đang khốn khổ cùng cực vì thiếu nước. Thôn Tam Lang nằm tách biệt với các thôn khác trong xã, trơ trọi một mình giữa cánh đồng khô trắng, nơi chỉ có những cây xương rồng xanh tốt.

Suốt mấy năm qua, tỉnh Ninh Thuận phải chở nước sạch từ nơi khác đến hỗ trợ cho 48 hộ dân với 195 nhân khẩu thôn Tam Lang. Cứ 3 ngày một chuyến xe, các hộ trong thôn tằn tiện chia nhau dùng. Được hỗ trợ nước sạch để ăn còn nước sinh hoạt hàng ngày như tắm rửa, giặt giũ bà con phải tự lo. Cả thôn có hơn 20 cái giếng khơi nhưng từ lâu đã cạn trơ đáy. Giếng nào còn nước cố lắm cũng chỉ vét được ngày vài xô. Hầu hết các hộ dân phải dùng nước từ các ao tù bẩn thỉu, nơi đó người và gia súc cùng dùng chung.

5.JPG
Người dân phải "tranh giành" nước cùng gia súc

Cuối tháng 6 vừa rồi người dân thôn Tam Lang mừng như mở cờ trong bụng vì… bỗng dưng trời mưa. Thế nhưng, cơn mưa ít ỏi đó chỉ đủ thấm đất, sau đó tiếp tục là những ngày nắng hạn. Cơn mưa đó còn gây nên “tai họa” khi 48 hộ dân trong thôn Tam Lang bị dừng cấp nước sạch. Tính đến ngày 12/6 là đúng 12 ngày người dân nơi đây không còn được tiếp tế nước. Những chiếc thùng dự trữ nước tại nhà trưởng thôn Nguyễn Thị Phúc cũng cạn kiệt đến giọt cuối cùng.

1.JPG
Những bể dự trữ nước sạch tại thôn Tam Lang không còn một giọt

“Bình thường nước sạch được chở về tập kết tại nhà tôi, sau đó các hộ dân đến chia nhau mang về dùng. Tuy nhiên, bây giờ chẳng còn giọt nào nữa. Ngày nào chúng tôi cũng phải chở can đi mấy cây số mua nước sạch về dùng, cực quá trời. Tôi đã kiến nghị lên xã nhưng đến giờ vẫn chưa được hỗ trợ nước sạch trở lại”, trưởng thôn Phúc chia sẻ.

Dẫn chúng tôi ra cánh đồng cát nơi đàn bò, đàn cừu đang miệt mài gặm cỏ dưới cái nắng như thiêu như đốt, chỉ vào cái ao tù nước đục ngầu, bà Phúc nói: “Đó, chúng tôi phải lấy nước đó về tắm. Biết là bẩn nhưng không còn cách nào khác. Chỉ có những em bé quá nhỏ hoặc phụ nữ mới sinh là không phải tắm nước này. Còn lại tắm tuốt, chẳng nhẽ nắng nóng thế này lại “nhịn” tắm. Bẩn thì ném phèn vào, thế là tắm”.

6.JPG
Chiếc giếng khơi hiếm hoi trong thôn Tam Lang còn có nước

Nhìn cảnh bà Phúc cùng người dân trong thôn “tranh nhau” từng gáo nước với gia súc chúng tôi vô cùng xót xa. Nếu hạn hạn tiếp tục kéo dài như năm 2015, nghĩa là đến cuối năm mới có mưa, những ao nước ít ỏi còn lại tại thôn Tam Lang cũng sẽ cạn kiệt. Đến lúc đó, không biết bà con nơi đây sẽ phải xoay xở ra sao.

7.JPG
Suối Tam Lang chảy qua thôn Tam Lang từ lâu đã trơ đáy

Cũng vì thiếu nước mà nhiều năm nay ruộng vườn của bà con trong thôn Tam Lang hầu như bỏ hoang, đàn gia súc cũng không phát triển được. Thôn vốn nghèo nhất xã (11 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo) chẳng biết đến bao giờ mới thoát nghèo. Xã Phước Nam đã được công nhận là xã đạt chuẩn NTM. Thế nhưng, có một điều chắc chắn thôn này cẫn "cũ" như xưa. Bằng chứng là đến giờ con đường vào thôn Tam Lang vẫn chỉ là con đường đất đầy bụi bặm. Từ hộ này sang hộ khác chỉ có những lối mòn tạm bợ. Không biết, khi công nhận đạt chuẩn NTM, thôn Tam Lang có được tính đến?

Năm 2015, toàn tỉnh Ninh Thuận chỉ sản xuất 15.000 heta, tổng thiệt hại ước tính khoảng 240 tỉ đồng. Hạn hán tiếp tục kéo dài sang năm 2016. Những thiệt hại trước mắt đã được nhìn thấy, nếu tình hình không được cải thiện sớm, con số thiết hại năm nay chắc chắn cũng sẽ vô cùng lớn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm