Nỗ lực xóa bỏ hủ tục ở bản người Chứt

11/10/2022 11:47
Một góc bản người Chứt

Một góc bản người Chứt

Người Chứt trước đây có tập tục sinh con ngoài bờ suối, tự dựng lán, tự vượt cạn, không sinh con tại nhà vì theo quan niệm, làm vậy sẽ mang đến điều xui xẻo cho cả tộc.

Theo lời kể của những già làng trong bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), ngược dòng thời gian vào khoảng cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, tại khu vực huyện Hương Khê xuất hiện một số người bập bẹ nói tiếng phổ thông. Những người này thỉnh thoảng xuất hiện tại các khu chợ trong vùng để đưa những sản vật mà họ đánh bắt được như chim, thú để đổi lấy gạo, muối, dao, kéo...

Từ khi phát hiện nhóm người này, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã lần theo dấu vết. Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, lực lượng chức năng cũng đã tìm thấy họ ở các hang núi phía Tây của tỉnh Quảng Bình. Đây là tộc người Chứt (người Mã Liềng) sống biệt lập trong các hang đá, bằng săn bắt, hái lượm. Từ những năm đó, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã nhiều lần cố gắng đưa nhóm người này rời rừng về sống ở bản Giàng (xã Hương Liên). Thế nhưng, do không quen với cuộc sống mới, cũng không thể quên những hang đá xa xôi nên người Chứt lại bỏ làng, bỏ bản về với núi. Sau nhiều lần thất bại trong việc đưa bà con về bản thì đến năm 1991, tỉnh Hà Tĩnh quyết định lập bản nhỏ dưới chân núi Ka Đay. Những ngôi nhà sàn được cất lên bên dòng sông Ngàn Sâu để vận động bà con về sống ở đây.

Nhớ lại những năm đầu vận động bà con về sống ở bản, trung tá Nguyễn Văn Thiên, Tổ trưởng Tổ cắm bản Rào Tre, Đồn Biên phòng Bản Giàng (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh), chia sẻ: "Vất vả lắm, để bà con an cư được như bây giờ chúng tôi đã phải mất rất nhiều thời gian nếm mật nằm gai, ăn ở cùng họ trong hang mới thuyết phục được họ ra định cư. Mới đầu, họ cứ ra bản được một thời gian ngắn lại bỏ vào rừng. Nhiều lần chúng tôi đã có ý định bỏ cuộc".

Ngược nguồn vào xứ sở người Chứt - Ảnh 1.

Theo trung tá Nguyễn Văn Thiên, Tổ trưởng Tổ công tác cắm bản Rào Tre (Đồn biên phòng Bản Giàng thuộc Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh), sau nhiều nỗ lực của cán bộ các cấp, các ngành, cuộc sống của người Chứt đã có nhiều thay đổi

Dù đã xa cuộc sống "nguyên thủy" nhưng nhiều hủ tục đeo bám người Chứt khiến những cán bộ "cắm bản" như anh Thiên cũng phải rùng mình.

Ám ảnh hủ tục sinh con

Bà Hồ Thị Lịnh (bản Rào Tre) không nhớ năm nay mình bao nhiêu tuổi nhưng nhớ lại quãng thời gian sống trong thâm sơn cùng cốc, bà trầm ngâm một lúc rồi kể: "Hồi đó khổ lắm! Tộc ta không có nhà ở, cơm ăn và quần áo mặc cũng không có. Cả bốn mùa, đàn ông đóng khố, đàn bà mặc váy kết từ lá hoặc vỏ cây rừng, sống cầm cự bằng củ khoai, củ mài. Hôm nào bắt được con chuột, con dúi thì cái bụng mới êm. Hoàn toàn không biết chữ. Còn chuyện ốm đau thì nhờ thầy mo cúng con ma rừng. Nhưng người bệnh cũng chết vì con ma rừng bắt đi".

Với người Chứt, người con trai lấy vợ, chỉ cần mang bó củi đến bỏ trước cửa nhà cô gái, gia đình người con gái lấy bó củi vào bếp đun thì người con trai được tự do đến nhà cô gái ăn ở. Cũng vì tập tục này dẫn đến tình trạng hôn nhân cận huyết thống trong cộng đồng người Chứt.

Nói về những hủ tục trước đây của người Chứt, bà Hồ Thị Sinh (bản Rào Tre) nhớ lại, ám ảnh nhất của phụ nữ trong bản ngày trước là tập tục sinh con ngoài bờ suối. Phụ nữ sinh con phải ra bờ suối dựng lán, tự vượt cạn, không được sinh con tại nhà vì theo quan niệm như vậy sẽ mang điều xui xẻo cho cả tộc. Cô độc và thiếu thốn khiến những đứa trẻ sinh ra bị nhiễm bệnh. "Trong bản có bà Hồ Lành bị chết đến 3 đứa con do đẻ ngoài bờ suối. Mặc dù trong lúc nguy cấp, gia đình đã mời thầy mo nhưng chẳng cứu được. Mỗi lần có người chết, thầy mo lại bảo họ bị con ma rừng tha đi. Nếu bình an vô sự, bà Lành đã có đến 10 đứa con", bà Sinh kể lại.

Thời gian đầu ra sống ở bản Rào Tre, người Chứt vẫn giữ hủ tục sinh con này. Cũng vì tuân theo hủ tục ấy mà chị Hồ Thị Nhân (bản Rào Tre) suýt chết ở lần chuyển dạ thứ 6. "Năm đứa con của tôi chết khi tôi một mình vượt cạn trên núi. Lần thứ 6, sau khi được cán bộ Biên phòng tuyên truyền về việc một mình sinh con trên núi nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con, tôi được sinh ở nhà nhưng mang thai ngược nên tính mạng mẹ con nguy kịch. Gia đình bảo "con ma rừng bắt", thầy mo đến cúng mãi không xong, may mắn Bộ đội Biên phòng đến kịp thời, mẹ con tôi mới tai qua nạn khỏi", chị Hồ Thị Nhân nhớ về lần vượt cạn thứ 6 của mình.

Theo chị Hồ Thị Nhân, sau những lần chứng kiến người bệnh nặng được các bác sĩ chữa khỏi, người Chứt mới không còn tin vào con ma rừng và thầy mo như trước đây nữa. Bây giờ, hễ ốm đau, bà con dân bản đều tìm đến thầy thuốc quân y cắm bản, gặp bệnh nặng thì nhờ Bộ đội Biên phòng chở đi bệnh viện.

* Bài sau: Canh cánh nỗi lo hôn nhân cận huyết ở người Chứt

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.